Đã có trẻ vị thành niên lên kế hoạch tự tử vì... trầm cảm, bố mẹ hãy lưu ý 6 dấu hiệu phòng tránh

Đã có trẻ vị thành niên lên kế hoạch tự tử vì... trầm cảm, bố mẹ hãy lưu ý 6 dấu hiệu phòng tránh
một ngày trướcBài gốc
Từ lo âu, mất ngủ, chán nản... dẫn đến lên kế hoạch tự tử vì trầm cảm nặng
Chia sẻ với báo chí về chủ đề trầm cảm vị thành niên do Viện Sức khỏe Tâm thần tổ chức chiều nay (14/4), ThS.BSNT Ngô Tuấn Khiêm, Viên sức khỏe tâm thần cho hay, gần đây nhất viện đã tiếp nhận 2 trường hợp vị thành niên có hành vi tự sát.
Trường hợp đầu tiên là nữ sinh N.T.L (19 tuổi) sinh viên đại học năm nhất tại Hà Nội. Bệnh nhân vốn có học lực khá, tính cách hiền lành, ít bạn bè thân thiết. Sau khi bố ốm nặng, nữ sinh rơi vào trạng thái lo âu, mất ngủ, chán nản, giảm ăn, sút cân và dần mất hứng thú với học tập lẫn sinh hoạt thường ngày.
Giai đoạn sau, L. xuất hiện ý nghĩ tiêu cực, lên kế hoạch treo cổ và chuẩn bị công cụ tự tử. May mắn được bạn cùng phòng phát hiện kịp thời, bệnh nhân được gia đình đưa đi điều trị.
"Bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm nặng không loạn thần, có ý tưởng và hành vi tự sát"- BS Khiêm cho biết.
BSCK II Bùi Văn Lợi – Phó Trưởng phòng Rối loạn cảm xúc và rối loạn ăn uống, Viện Sức khỏe Tâm thần cùng các chuyên gia của Viện chia sẻ với báo chí.
Trường hợp thứ hai cũng là nữ. Bệnh nhân học lớp 9 (15 tuổi) nhập viện sau khi uống thuốc diệt chuột để tự tử. Bệnh nhân sống cùng bố và ông bà sau khi bố mẹ ly hôn. Hoàn cảnh gia đình thiếu sự gắn kết.
Gần đây, bệnh nhân bị bạn bè cô lập, chán nản, thu mình, học lực giảm sút. Nữ sinh đã nhờ tới sự giúp đỡ của bố nhưng bố lại coi đó là chuyện của trẻ con nên không có sự can thiệp. Nữ sinh có biểu hiện trầm cảm và hành vi tự hủy hoại bản thân. Bệnh nhân đã dùng thuốc chuột để tự sát.
Bệnh nhân được phát hiện và đưa tới cấp cứu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), sau đó bệnh nhân được chuyển sang Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị.
Trầm cảm - một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở thanh thiếu niên
BSCK II Bùi Văn Lợi – Phó Trưởng phòng Rối loạn cảm xúc và rối loạn ăn uống, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF, vị thành niên – giai đoạn từ 10 đến 19 tuổi – là thời kỳ chuyển giao quan trọng giữa tuổi thơ và trưởng thành, nơi con người phát triển mạnh mẽ cả về thể chất, tâm lý và cảm xúc. Nhưng cũng chính ở giai đoạn này, một "kẻ thù thầm lặng" đang len lỏi trong tâm trí hàng triệu bạn trẻ trên toàn cầu – đó là trầm cảm.
Tỷ lệ mắc trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên lần lượt khoảng 2–3% và 8%, và con số này vẫn đang có xu hướng tăng nhanh. Theo thống kê toàn cầu, 34% thanh thiếu niên từ 10–19 tuổi có nguy cơ trầm cảm lâm sàng.
Tại Mỹ, trong 10 năm (2009–2019), tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên tăng gần gấp đôi – từ 8,1% lên 15,8%.
Ở Đông Nam Á, các con số cũng đáng lo ngại: 34,9% tại Thái Lan, 33,1% tại Malaysia và hơn 27% tại Indonesia, Myanmar.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ dao động từ 5% - 8%.
Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở thanh thiếu niên: đứng thứ 4 trong nhóm 10 –14 tuổi và thứ 3 trong nhóm 15 – 24 tuổi.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, điều đáng nói là nhiều trường hợp không được phát hiện, vì các biểu hiện trầm cảm ở vị thành niên không điển hình như người lớn. Thay vì buồn bã, các em có thể cáu gắt, kích động, thu mình hoặc hành vi nổi loạn…
Thăm khám cho người bệnh tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trầm cảm ở tuổi vị thành niên, trong đó có những yếu tố như: yếu tố tâm lý – xã hội như bạo lực, lạm dụng, mất người thân, cha mẹ ly hôn, áp lực học tập, tố di truyền và sinh hóa não bộ…
Ngoài ra có thể trục HPA (vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận) hoạt động quá mức trong giai đoạn dậy thì làm mất cân bằng hormone, từ đó gây ra rối loạn cảm xúc.
BS Lợi cho hay, yếu tố di truyền cũng rất rõ ràng, trẻ có bố hoặc mẹ bị trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi bạn bè đồng trang lứa. Một số gen liên quan như 5-HTTLPR, BDNF đã được nghiên cứu rõ ràng.
Theo BS Lợi các biểu hiện trầm cảm ở vị thành niên có thể rất đa dạng và dễ nhầm lẫn với "tính khí tuổi mới lớn", nhưng nếu thấy trẻ có những dấu hiệu sau kéo dài, phụ huynh nên đặc biệt chú ý:
- Cáu gắt vô cớ, dễ nổi nóng;
- Mất hứng thú với mọi thứ, kể cả những sở thích trước đây;
- Hay than buồn, cảm thấy vô dụng, thất vọng về bản thân;
- Khó tập trung, kết quả học tập sa sút;
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều;
- Tự làm đau bản thân, nghĩ về cái chết hoặc có hành vi tự sát
Một nghiên cứu cho thấy có đến 17,2% trẻ vị thành niên từng tự hủy hoại bản thân ít nhất một lần trong đời – con số đủ khiến bất kỳ người lớn nào phải giật mình.
BS Lợi khuyến cáo, nhiều bệnh nhân trầm cảm tuổi vị thành niên không được phát hiện sớm do gia đình chủ quan, thiếu quan sát. Khi xuất hiện hành vi tự tử, tình trạng bệnh đã trở nên nghiêm trọng mói được can thiệp chuyên sâu.
"Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là chìa khóa giúp trẻ vị thành niên vượt qua trầm cảm. Gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong việc tạo dựng môi trường sống lành mạnh, hỗ trợ tâm lý và giáo dục kỹ năng ứng phó với căng thẳng cho trẻ"- BS Lợi nhấn mạnh.
Thái Bình
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/da-co-tre-vi-thanh-nien-len-ke-hoach-tu-tu-vi-tram-cam-bo-me-hay-luu-y-6-dau-hieu-phong-tranh-169250414210833343.htm