Độc giả quan tâm lựa chọn sách trong chương trình Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định (21/4).
Không chỉ phục vụ bạn đọc tại hệ thống thư viện công lập từ tỉnh đến cơ sở, các hoạt động phát triển văn hóa đọc còn được tổ chức đa dạng theo hình thức lưu động đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, đảm bảo phù hợp với xu hướng và yêu cầu mới hiện nay. Thời gian qua, xe thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” chở đầy sách cùng các trang thiết bị hỗ trợ truy cập internet, chiếu phim của Thư viện tỉnh vẫn miệt mài lăn bánh trên các nẻo đường và trở nên quen thuộc đối với người dân từ những địa bàn vùng chân sóng, xứ họ đạo đến các trường học, đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh. Xe được trang bị gần 5.000 bản sách với hàng trăm đầu sách đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung được đưa đến tận nơi phục vụ người dân, đặc biệt là những người không có điều kiện hoặc gặp khó khăn khi tiếp cận với thư viện, trong đó có cả người già yếu, người nghèo, người tàn tật, công nhân trong các khu công nghiệp, người bị tạm giam hoặc đang thụ án trong các nhà tù, người dân khu vực nông thôn xa trung tâm huyện - nơi thiếu vắng hệ thống nhà sách, thư viện, tủ sách cơ sở. Tại không gian văn hóa đọc của xe thư viện lưu động đa phương tiện, cán bộ, chiến sĩ, người dân, giáo viên, học sinh có cơ hội trải nghiệm những tiện ích của một thư viện hiện đại, thân thiện, thuận tiện, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng bạn đọc, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, tri thức của người dân, hình thành nhu cầu đọc mới, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Xe thư viện lưu động đa phương tiện còn là điểm nhấn hoạt động ấn tượng trong các sự kiện: Ngày hội sách cho em, chương trình hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời ở các trường học; Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định (21/4) tổ chức tại thành phố Nam Định; Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại các địa phương trong tỉnh... 7 năm qua, Thư viện tỉnh đã tổ chức hàng trăm chuyến xe ô tô thư viện lưu động phục vụ bạn đọc tại các điểm cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc phục vụ sách báo theo phương thức truyền thống, xe thư viện lưu động đa phương tiện còn cung cấp dịch vụ truy cập internet, chiếu phim tư liệu miễn phí; tổ chức hướng dẫn sử dụng máy tính cơ bản, hướng dẫn sử dụng thư viện, tìm kiếm tài liệu, khai thác thông tin; chia sẻ phương pháp đọc sách hiệu quả… Hoạt động thư viện đã mang diện mạo mới theo phương châm “chủ động, linh hoạt, tích cực, thân thiện và gắn bó với lợi ích cộng đồng bền chặt”. Các đợt phục vụ lưu động luôn gắn với hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua việc phục vụ đọc có định hướng.
Thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng" và Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ", Thư viện tỉnh chú trọng mở rộng phạm vi hoạt động, tìm kiếm, tiếp cận và khai thác tốt lực lượng bạn đọc tiềm năng, phát huy tối đa giá trị của sách báo trong đời sống xã hội. Trên cơ sở phối hợp Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, ngành Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố Nam Định, Thư viện tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai lịch phục vụ lưu động định kỳ: luân phiên di chuyển xe lưu động tới phục vụ cơ sở trong khu vực nội thành của thành phố Nam Định 8 chuyến/tháng và 4 chuyến/tháng xuống các huyện. Nhiều năm qua, Thư viện tỉnh khuyến khích các trường học xây dựng mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thông minh”; triển khai hiệu quả công tác luân chuyển sách phục vụ tại các trường học trong tỉnh, bình quân 500 bản sách/điểm trường. Nguồn sách của Thư viện tỉnh cung cấp đã góp phần làm phong phú thêm vốn tài liệu của thư viện các trường học, phục vụ thiết thực cho việc giảng dạy, học tập, mở rộng, nâng cao kiến thức của giáo viên và học sinh.
Đối với công tác luân chuyển sách báo của Thư viện tỉnh đến các đơn vị, địa phương trong tỉnh, sau khi tiếp nhận sách, các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng và bảo quản sách hợp lý; quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu sửa các địa điểm đặt sách. Đến nay, các thư viện, trung tâm chính trị các huyện, thành phố, các đồn, trạm biên phòng và các xã, phường, thị trấn đều có tủ sách dùng chung, tủ sách pháp luật. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều dành vị trí thuận lợi để đặt tủ sách ở trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, bưu điện văn hóa xã; một số nơi bố trí phòng đọc riêng với đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị như: bàn, ghế, hệ thống máy tính, âm thanh, ánh sáng, bút, giấy… để phục vụ nhu cầu tìm đọc, nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đối tượng sử dụng sách khá đa dạng: đối với các xã, phường, thị trấn tập trung vào lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, người cao tuổi, học sinh và một bộ phận người dân làm nông nghiệp; tại trung tâm chính trị các huyện, thành phố là cán bộ, giảng viên, học viên; tại thư viện các huyện, thành phố, chủ yếu là cán bộ hưu trí, học sinh; các đồn, trạm biên phòng là cán bộ, chiến sĩ.
Từ năm 2016 đến nay, cứ vào dịp nghỉ lễ nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5), Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định tổ chức tại thành phố Nam Định lại trở thành “Ngày hội sách và văn hóa đọc” sôi nổi, hấp dẫn, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà tài trợ hoạt động trong các lĩnh vực: in ấn, phát hành, xuất bản của Trung ương và địa phương tham gia trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách (sách in, sách nói, sách điện tử), dịch vụ và các thiết bị giáo dục số, thu hút hàng chục nghìn lượt người dân đến tham quan, đọc sách, mua sách. Trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho độc giả như: tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân gắn bó với hội sách, ngày sách; tọa đàm nói chuyện về sách với các nhà văn, nhà thơ, diễn giả nổi tiếng; tổ chức trò chơi dân gian; trình diễn sân khấu hóa một số tác phẩm theo sách; biểu diễn nghệ thuật múa rối nước; trưng bày sản phẩm rối nước, thư pháp; giao lưu văn nghệ giữa một số trường THPT trên địa bàn tỉnh; giới thiệu sách và công nghệ số hóa tư liệu sách; trải nghiệm du lịch thông minh qua kính công nghệ thực tế ảo, thiết bị máy đọc sách thông minh; rô-bốt thông minh…
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2025 sẽ được tổ chức từ ngày 29/4 đến hết ngày 2/5 tại khu vực Quảng trường 3-2 (thành phố Nam Định). Ngoài lễ khai mạc sẽ diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa ý nghĩa như: giao lưu văn hóa, văn nghệ; tổ chức các khu trưng bày, giới thiệu sách với hơn 30 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in ấn, phát hành; gian trưng bày giới thiệu sách, xếp sách mô hình chủ đề “Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030”; cấp thẻ thư viện tại chỗ; phục vụ nhân dân đọc sách, báo, tạp chí miễn phí tại gian trưng bày của Thư viện tỉnh…
Trong thời đại công nghệ số phát triển hiện nay, việc đọc sách theo phương thức truyền thống đang có xu hướng giảm. Do đó, việc xây dựng thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trở nên cấp thiết. Với nhiều giải pháp nâng cao văn hóa đọc mang tính đồng bộ, chủ động, linh hoạt, ý nghĩa được ngành VH, TT và DL tỉnh triển khai tích cực, việc đọc sách của người dân trong tỉnh, nhất là học sinh, sinh viên, thanh thiếu nhi đã và đang được duy trì và ngày càng phát triển, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Bài và ảnh: Khánh Dũng