Đa dạng các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Đa dạng các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn
một ngày trướcBài gốc
Mô hình trồng lê Tai nung của bà con Sơn La mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Ái Vân
Phát triển mô hình VAC
Mô hình VAC được bà con áp dụng phổ biến, phát triển từ nhiều năm nay. Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương, tỉnh Sơn La đã lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để tận dụng phế phẩm nông nghiệp, hình thành quy trình sản xuất khép kín, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích canh tác. Đến nay, tỉnh có 323 chi hội phát triển mô hình VAC với hơn 9.400 hội viên, trong đó, hội viên kinh doanh tổng hợp VAC chiếm tới 50%, hội viên phát triển mô hình kinh tế trang trại vườn đồi chiếm 35%. Phong trào VAC có sự phát triển mạnh, nổi bật là mô hình cây trồng ăn quả chất lượng cao, các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, bà con cũng liên kết với doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Như gia đình ông Lương Văn Kim, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, với 1ha đất vườn, nhờ phát triển mô hình VAC, gia đình ông có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. "Những cây trồng lâu năm như mít, bưởi bán được giá cao hơn, như mít có giá 15.000 đến 20.000 đồng/kg, giá trị kinh tế cao hơn những loại cây khác. Tôi trồng cây ăn quả lâu năm nhàn hơn so với trồng cà phê, đỗ, trồng các loại khác nữa" - ông Kim chia sẻ.
Gia đình ông Tòng Văn Phóng, ở bản Lót Tiên, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn cũng đầu tư phát triển mô hình VAC. Ông đã từng nuôi lợn, bò, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, ông chuyển sang nuôi dê vỗ béo, mỗi năm thu lời 100 triệu đồng từ việc duy trì đàn dê 100 con như hiện nay. Ông Phóng tâm sự, ông vỗ béo dê con và chỉ nuôi dê đực, gom dê từ những người buôn dê, chứ không nuôi dê đẻ, dê đàn. Nếu dê nhỏ thì vỗ từ 6 tháng, dê lớn hơn một chút thì nuôi từ 4 tháng là được xuất bán.
Phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ
Cùng với phát triển mô hình VAC, tỉnh Sơn La còn đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo định hướng của tỉnh. Tập trung phát triển các loại cây con chủ lực có giá trị kinh tế cao như chè, cà phê, các loại cây ăn quả, rau màu... Đến nay, đã có 3.400 hộ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, trong đó, lĩnh vực thủy sản có hơn 2.000 hộ, trồng trọt có trên 800 hộ, chăn nuôi có hơn 500 hộ.
Điển hình phát triển hiệu quả mô hình này có anh Lò Văn Nghiệp, HTX thủy sản Hồ Quỳnh, huyện Quỳnh Nhai. Năm 2018, anh bắt đầu nuôi cá lăng thay thế cho các loại cá trắm, cá trôi và các loại cá khác. Với 88 lồng cá như hiện nay, mỗi năm, gia đình anh cung ứng ra thị trường khoảng 100 tấn cá lăng các loại, giá bán bình quân 800.000 đồng/kg, gia đình anh thu về hàng tỷ đồng/năm. Anh Nghiệp chia sẻ, hiện tại, anh nuôi 3 loại cá lăng gồm: lăng đen, lăng nha, lăng vàng, tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ xuất hiện ngày càng nhiều tại các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, cán bộ hội viên Hội ngành nghề nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La là những người đi đầu ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông sản đặc trưng có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Tại HTX Quyết Thanh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi lâu dài mà HTX lựa chọn. Với 36ha, mỗi năm, đơn vị này cung ứng ra thị trường vài trăm tấn hoa quả chất lượng cao như mận hậu, hồng giòn, lê Tai nung, cam... Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Sơn La đang phát huy hiệu quả và phát triển mạnh mẽ, trong đó, nổi bật là mô hình trồng lúa hữu cơ ở huyện Phú Yên, mô hình trồng cây ăn quả tại huyện Mộc Châu, Yên Châu, Phú Yên, Mai Châu, Thuận Châu mang lại giá trị kinh tế cao từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm.
Mô hình nuôi ong mật ở Sơn La vừa mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Ái Vân
Phong trào nuôi ong mật
Nghề nuôi ong mật đã xuất hiện từ mấy chục năm về trước, đến nay, nuôi ong mật trở thành một nghề mang lại giá trị kinh tế cao. Với lợi thế về diện tích đất rừng rộng lớn, đa dạng sinh học, trên 84.000ha cây ăn quả đã tạo cơ hội cho Sơn La phát triển nghề nuôi ong mật. Hiện nay, cả tỉnh có 48 chi hội, 8 HTX có cơ sở sản xuất và kinh doanh mật ong, với trên 1.300 hội viên. Số lượng đàn ong liên tục tăng lên trong những năm gần đây. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có trên 72.000 đàn ong, sản lượng mật ong ước đạt 3.000 tấn, trong đó, mật ong chất lượng cao đạt 1.200 tấn.
Sản phẩm mật ong Sơn La ngày càng phong phú, đa dạng, thương hiệu mật ong Sơn La ngày càng khẳng định được uy tín trên thị trường. Toàn tỉnh hiện có 45 hộ sử dụng nhãn hiệu tập thể mật ong Sơn La, 10 cơ sở sản xuất mật ong đạt sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ong mà nghề nuôi ong mật còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương, góp phần chuyển dịch kinh tế, nâng cao thu nhập và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Giá trị kinh tế từ mô hình trồng sinh vật cảnh
Sinh vật cảnh là loại hình kinh tế đặc trưng, các hộ kinh doanh sinh vật cảnh không ngừng mở rộng quy mô nhà vườn. Các mô hình trang trí, vật phẩm, phong thủy dần trở thành mô hình đặc hữu mang lại giá trị về kinh tế và tinh thần. Hiện nay, tỉnh có 39 chi hội sinh vật cảnh, với 587 hội viên. Đặc biệt, có những mô hình sinh vật cảnh ở huyện Mộc Châu, Yên Châu và thành phố Sơn La có giá trị kinh tế từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã mở được 193 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về phát triển mô hình VAC, mô hình nuôi ong mật, sinh vật cảnh, mô hình nông nghiệp hữu cơ cho trên 4.000 hộ dân. Tỉnh cũng triển khai các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tham gia vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Hiệu quả từ các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn không chỉ làm thay đổi đời sống của bà con, mà còn khẳng định vai trò đồng hành, hướng đi đúng đắn của tỉnh Sơn La trong việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế hộ, nâng cao đời sống của người dân, tiến tới làm giàu bền vững.
Ái Vân
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/da-dang-cac-mo-hinh-kinh-te-nong-nghiep-nong-thon-post488232.html