Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu: Chiến lược mới trong bài toán thương mại quốc tế

Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu: Chiến lược mới trong bài toán thương mại quốc tế
4 giờ trướcBài gốc
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo nhập khẩu theo khu vực năm 2024 của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 380,76 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất, cung cấp lượng hàng hóa trị giá 144,02 tỷ USD, chiếm 37,8% tổng kim ngạch nhập khẩu cho thấy mức độ phụ thuộc vẫn còn khá cao.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tỷ trọng này đã ổn định và có xu hướng giảm nhẹ so với các năm trước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam liên tục đàm phán và thúc đẩy mở rộng hợp tác thương mại với các khối như châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua các hiệp định tự do thương mại như EVFTA, RCTPP, RCEP,...
Cũng cần lưu ý rằng, dù Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, máy móc và linh kiện, nhưng tính dễ tổn thương khi quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất đã được minh chứng rõ ràng, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch và gần đây nhất chính là sự leo thang xung đột trong căng thẳng thương mại trên thế giới.
Trong năm 2024, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục khẳng định vai trò là hai đối tác nhập khẩu chủ lực và ổn định của Việt Nam với tổng kim ngạch nhập khẩu lần lượt đạt 55,93 tỷ USD và 21,59 tỷ USD.
Hàn Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 14,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, với mức nhập khẩu duy trì ổn định quanh 4,2 - 5,1 tỷ USD mỗi tháng. Xu hướng này cho thấy đây là một nguồn cung lâu dài và đáng tin cậy, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như linh kiện điện tử, thiết bị công nghệ cao và nguyên vật liệu công nghiệp. Việc nhập khẩu không có nhiều biến động đã góp phần thể hiện tính bền vững trong quan hệ thương mại song phương, phù hợp để thúc đẩy các hợp tác chiến lược dài hạn.
Trong khi đó, Nhật Bản, với tỷ trọng khoảng 5,7%, tuy có quy mô nhỏ và nhiều biến động hơn, nhưng lại cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ trong quý cuối năm. Đặc biệt tháng 12 ghi nhận kim ngạch gần 2 tỷ USD, mức cao nhất trong năm. Xu hướng này cho thấy nhu cầu tăng nhanh của Việt Nam đối với các mặt hàng công nghệ cao, nguyên vật liệu kỹ thuật như sắt thép và các sản phẩm từ chất dẻo. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong khả năng tăng cường nhập khẩu có chọn lọc từ Nhật Bản nhằm phục vụ chiến lược nâng cấp chuỗi cung ứng nội địa và công nghiệp hóa bền vững.
Trong năm 2024, nhập khẩu từ Mỹ đạt hơn 15,1 tỷ USD, vượt qua các thị trường như Úc, Ấn Độ, và thậm chí kể cả EU ở một số thời điểm. Dự đoán trong tương lai xu hướng tăng trưởng này vẫn có thể tiếp diễn khi mà quốc gia này là một trong số ít thị trường vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhập khẩu ổn định vào Việt Nam qua các tháng trong năm 2024. Hiện Hoa Kỳ đang cung cấp cho Việt Nam nhiều nhóm hàng có giá trị cao như: máy móc công nghệ, dược phẩm, hóa chất, nông sản chất lượng cao,...
Đáng nói hơn, mức nhập khẩu từ Mỹ trong thời gian qua đã có một sự tang trưởng ổn định. Thời điểm cuối năm 2024 ghi nhận mức cao nhất trong năm với hơn 1,53 tỷ USD, tăng mạnh 23,4% so với đầu kỳ, cho thấy xu hướng tăng cường hợp tác nhập khẩu từ Mỹ đang trở nên rõ ràng và khả năng sắp tới sẽ còn tiếp tục tăng mạnh và ổn định nếu Việt Nam đẩy mạnh thương lượng song phương, đặc biệt là trong khuôn khổ thương mại công bằng.
Không thể phủ nhận rằng đây là bước đi chiến lược nhằm đáp ứng kỳ vọng từ phía Mỹ trong việc tái cân bằng cán cân thương mại song phương. Bên cạnh việc xuất siêu sang Mỹ, Việt Nam cũng đang chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận và nhập khẩu từ Mỹ, qua đó chứng minh thiện chí và năng lực trong việc điều chỉnh cấu trúc thương mại quốc gia.
Một điểm sáng khác trong bức tranh nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 đến từ EU và ASEAN. Với tổng kim ngạch nhập khẩu từ EU đạt hơn 16,72 tỷ USD, còn ASEAN là 47,05 tỷ USD, lần lượt chiếm khoảng 4,4% và 12,4% tổng trị giá nhập khẩu cả nước.
Việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do như EVFTA (EU - Việt Nam FTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giúp Việt Nam mở rộng cánh cửa với các đối tác ngoài Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành như nông nghiệp, dược phẩm, linh kiện điện tử và năng lượng sạch.
Trong khi đó, nhập khẩu từ Ấn Độ và Australia cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Với kim ngạch lần lượt là 5,82 tỷ USD và 7,59 tỷ USD, hai quốc gia này đang dần trở thành những nhà cung ứng nguyên liệu và khoáng sản chiến lược, phù hợp với định hướng đa dạng hóa của Việt Nam.
Việc cơ cấu lại nguồn nhập khẩu không chỉ là một động thái đối phó, mà còn phản ánh tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc mạnh mẽ. Thay vì đặt cược toàn bộ vào một quốc gia, Việt Nam đang chuyển sang mô hình “đa trụ cột”, phân bổ rủi ro và tăng cường tự chủ.
Điều này không chỉ mang lại lợi ích trước mắt trong việc đối thoại và cân bằng với Mỹ, mà còn nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế trước những biến động toàn cầu như khủng hoảng địa chính trị, đại dịch, hay đứt gãy logistics.
Bên cạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, Việt Nam cũng đang chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước để từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Tự chủ nguyên liệu đầu vào không chỉ giúp giảm áp lực nhập khẩu, mà còn tăng khả năng kiểm soát chi phí, bảo vệ các ngành công nghiệp trọng yếu như dệt may, điện tử, cơ khí chính xác, v.v.
Việc nhập khẩu có chọn lọc, kết hợp với đẩy mạnh sản xuất trong nước, tạo nên một chuỗi cung ứng vừa bền vững, vừa linh hoạt. Đó cũng là mô hình mà nhiều quốc gia thành công trên thế giới đang theo đuổi.
Dù đã có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng con đường chuyển dịch cấu trúc nhập khẩu không phải không có thách thức:
Chi phí logistics và rào cản phi thuế quan từ các thị trường xa (như EU, Mỹ) vẫn là một trở ngại lớn.
Vô số yêu cầu về mặt tiêu chuẩn và kỹ thuật từ các nước trên thế giới đang đặt ra khiến doanh nghiệp Việt cần thích nghi nhanh để tận dụng lợi thế FTA.
Hạn chế về công nghệ và vốn trong công nghiệp phụ trợ nội địa cần được hỗ trợ mạnh hơn từ chính sách quốc gia.
Nhà nước cần tiếp tục mở rộng chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp nhập khẩu chiến lược từ các nước phát triển, đồng thời đẩy mạnh chương trình hỗ trợ thị trường thương mại nội địa, tổ chức nhiều chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao” nhằm kích cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước. Ngoài ra, việc đầu tư vào hệ thống logistics hiện đại, bền vững sẽ là phương tiện tất yếu để thực thi hiệu quả chiến lược đa dạng hóa nguồn cung.
Số liệu nhập khẩu 2024 không chỉ là những con số khô khan, mà đó còn là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ để đáp ứng yêu cầu từ đối tác thương mại lớn trên thế giới, mà còn để bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia trong dài hạn.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định, chiến lược đa dạng hóa nguồn nhập khẩu và từng bước tự chủ chuỗi cung ứng sẽ là chìa khóa để Việt Nam duy trì tăng trưởng bền vững cũng như đẩy mạnh phát triển thị trường thương mại nội địa, đi kèm với hội nhập sâu rộng và giữ vững vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuấn Kiệt
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/da-dang-hoa-nguon-nguyen-lieu-chien-luoc-moi-trong-bai-toan-thuong-mai-quoc-te-317418.html