Hành trình “Cộng sản trẻ” lần III năm 2024 do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức. Ảnh: Đại Dương
Điều đó giúp các gương mặt ưu tú nâng cao nhận thức được vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước.
Khơi dậy tinh thần yêu nước
Đầu tháng 12/2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức chương trình “Hành trình Cộng sản trẻ” tại Khu Di tích Địa đạo Củ Chi. Đây là hoạt động thường niên do Đoàn trường phối hợp cùng các chi bộ sinh viên tổ chức nhằm tạo môi trường giao lưu, sinh hoạt lý luận.
Nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm kết nối, tìm hiểu và tri ân sự cống hiến của các thế hệ chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của đất nước như dâng hương tại Đền tưởng niệm Bến Dược, trải nghiệm chương trình nghệ thuật “Trăng Chiến khu”, tọa đàm “Tự hào người Cộng sản trẻ”...
Lê Vũ Phương Anh - sinh viên năm 2, ngành Ngôn ngữ Nga, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết: Tôi thấy tự hào và biết ơn các thế hệ cha anh đi trước, về những sự hy sinh của họ sau khi thưởng thức chương trình “Trăng Chiến khu” tại Địa đạo Củ Chi. Mỗi đảng viên, sinh viên chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình góp sức trẻ cho đời, cho nước nhà bằng những rèn luyện thiết thực và kiên định.
Từ ấn tượng với đêm “Trăng Chiến khu”, Lê Nguyễn Đại Nam - sinh viên năm 4, ngành Xã hội học hiểu rõ hơn về cách xây dựng công phu và độc đáo của địa đạo Củ Chi. Qua đó, Nam cảm nhận được tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của bà con Củ Chi anh hùng.
Bên cạnh đó, sinh viên ngành Xã hội học này và các bạn còn được quay lại với cuộc sống về đêm của người dân Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, những đảng viên trẻ được trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt, học hỏi và hiểu hơn về những khó khăn, gian khổ mà người dân phải gánh chịu.
“Tôi được xem những phân cảnh về con người Củ Chi hiền lành, tham gia đào địa đạo, đan lát, thanh niên tòng quân, xay lúa, giã gạo, trai gái hò đối đáp trên đồng ruộng, họp chợ, văn công biểu diễn phục vụ bộ đội, du kích và dân hòa lẫn với tiếng bom, pháo, máy bay địch. Những người con ‘Đất thép thành đồng’ ấy đấu tranh cho giải phóng dân tộc, và đặc biệt, những phân cảnh thật sống động nhờ vào diễn xuất tài tình của các diễn viên. Khi xem đoàn văn công, mình cảm thấy như đang sống trong không gian ấy”, Nam nói.
Anh Nguyễn Huỳnh Minh Phúc - Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, thay vì chỉ sinh hoạt trong phòng kín, hiện nay các chi bộ sinh viên, cũng như trong công tác phối hợp giữa Đoàn trường và các chi bộ đã đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động mới lạ về công tác chính trị tư tưởng, sinh hoạt của đảng viên.
“Điển hình như tại Chi bộ Sinh viên 1, trong nhiệm kỳ này đã tổ chức các chương trình về nguồn như Hành trình Long An 2023 ‘Ngày xanh - Áo đỏ - Sao vàng’; tham quan Trụ sở UBND TPHCM; Phiên họp giả định ‘Quốc hội trẻ 2024’; ‘Hành trình Cộng sản trẻ’ cũng đã bước sang mùa thứ ba”, anh Phúc nói và đánh giá, các hoạt động đều đáp ứng nhiệm vụ giáo dục lịch sử, chính trị cũng như sáng tạo về mặt hình thức để thu hút đông đảo người tham gia.
Trong thời gian tới, Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tiếp tục phối hợp với các chi bộ sinh viên tổ chức đa dạng những hoạt động nhằm gắn kết đảng viên, quần chúng ưu tú và sinh viên.
“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy không thể chỉ chạy theo số lượng mà trong việc tổ chức một chương trình cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để vừa phù hợp với đối tượng tham gia, vừa đáp ứng được nhiệm vụ của tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn Thanh niên, đồng thời cũng cần có sự mới lạ và hấp dẫn”, anh Phúc nêu rõ.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ 2024” do các chi bộ sinh viên thuộc Đại học Quốc gia. TPHCM tổ chức. Ảnh: Phương Anh
Sôi nổi các cuộc thi
Nhiều cuộc thi về công tác chính trị tư tưởng cũng được ra đời như Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; Bác Hồ trong trái tim tôi; tìm hiểu Luật Đất đai… nhằm giúp các sinh viên là đảng viên trẻ, quần chúng ưu tú nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện năng lực tư duy lý luận và tổ chức hoạt động thực tiễn sắc bén.
Thường xuyên tham gia các cuộc thi để trau dồi kiến thức chính trị, Lê Nguyễn Quỳnh Như - Phó Bí thư Đoàn khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) đã có hai năm liền tham gia cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vì được truyền cảm hứng từ giảng viên dạy Triết.
“Khi tham gia những cuộc thi về công tác chính trị tư tưởng, em được tiếp cận những kiến thức vốn dĩ mọi người luôn nghĩ nó khô khan, khó tiếp thu ở một góc độ mới hơn, nội dung truyền tải đa dạng và thu hút hơn. Đồng thời, việc tham gia các cuộc thi về công tác chính trị tư tưởng cũng là một cách thức hiệu quả để giáo dục đoàn viên thanh niên, sinh viên về nhận thức, bản lĩnh chính trị.
Thông qua các cuộc thi em được bồi dưỡng để rèn luyện bản thân, củng cố niềm tin để không bị xao động, lung lay trước những thông tin sai lệch với chuẩn mực đạo đức, xã hội, có nguy cơ gây nên những suy nghĩ lệch lạc trong người trẻ”, Như nhấn mạnh.
Lê Nguyễn Quỳnh Như cũng nhìn nhận một thực tế, nhiều sinh viên tham gia các cuộc thi liên quan đến công tác chính trị tư tưởng với thái độ “qua loa”, mục đích lấy điểm rèn luyện. Theo Phó Bí thư Đoàn khoa Báo chí và Truyền thông, để thay đổi suy nghĩ và nhận thức của sinh viên không phải chuyện một sớm một chiều.
“Một cách để những bạn trẻ có niềm yêu thích với những cuộc thi này, lan tỏa giá trị và ý nghĩa đến những người bạn của mình đó là việc thành lập các đội thi ngay từ vòng sơ loại. Đây cũng là cách mà em đã áp dụng khi tham gia cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chính vì việc mong muốn tham gia nên em đã rủ những người bạn. Trải qua các vòng thi, tụi em càng có thêm tinh thần quyết tâm, nhiệt huyết, từ đó tạo sự hứng thú khi tìm hiểu các nội dung về giáo dục chính trị tư tưởng”, Quỳnh Như chia sẻ.
Các đảng viên trẻ dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt - Long An. Ảnh: CBSV1
Lan rộng những mô hình sáng tạo
ThS Đặng Thùy Khánh Vân - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM đánh giá, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên khối đại học, cao đẳng TPHCM thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt.
Một số hoạt động tiêu biểu mang tính sáng tạo được áp dụng trong diện rộng như: Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực và ảo; tổ chức các cuộc thi, hội diễn, hoạt động về nguồn; xây dựng và vận hành các trang thông tin điện tử, fanpage, group, Facebook; xây dựng và phát triển các ứng dụng trên mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh...
Những hoạt động này đã góp phần nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, giảng viên cũng như góp phần thực hiện các mục tiêu của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (2020 - 2025).
Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phản bác các thông tin xấu độc, xuyên tạc của các lực lượng thù địch, góp phần tích cực chống sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phát huy cả các giải pháp truyền thống và các giải pháp mới mang tính thời đại.
Nhóm bạn Quỳnh Như (thứ hai bên phải) tại Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ đề “Khát vọng Tuổi trẻ”. Ảnh: CBSV1 – NVCC
“Mặc dù, các trường đại học trong Đảng bộ Khối có những hoạt động công tác chính trị tư tưởng tương đối phong phú và sâu rộng, nhưng mức độ thực hiện có sự khác biệt giữa các trường, đặc biệt là giữa các trường khối kỹ thuật và các trường khối xã hội.
Một số trường chưa chú trọng đúng mức công tác này hoặc chỉ dừng lại ở mức hình thức, chưa thực sự đi vào chiều sâu. Công tác giáo dục lý luận còn gặp khó khăn như một số sinh viên, giảng viên chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn thiếu nghiêm túc trong việc học tập các môn lý luận chính trị. Điều này đòi hỏi các trường phải nâng cao chất lượng giảng dạy và hình thức tổ chức các hoạt động chính trị tư tưởng”, ThS Vân nói.
Nhìn nhận về các hội thi tìm hiểu lịch sử, chính trị hiện nay, ThS Đặng Thùy Khánh Vân đánh giá đây là một hình thức quan trọng trong việc giáo dục sinh viên về những sự kiện lịch sử quan trọng, về các chủ trương, đường lối của Đảng và về những vấn đề chính trị thời sự.
Các cuộc thi giúp sinh viên hiểu rõ hơn về con đường phát triển của đất nước, lịch sử đấu tranh giành độc lập, cũng như các giá trị dân tộc. Các hội thi tìm hiểu lịch sử, chính trị cũng giúp sinh viên gắn kết hơn với truyền thống của dân tộc, phát huy lòng tự hào về đất nước và khơi dậy ý thức trách nhiệm đối với các vấn đề chung của xã hội.
Ngoài mục tiêu giáo dục, những hội thi này giúp phát huy khả năng sáng tạo và nghiên cứu của sinh viên. Sinh viên tham gia vào các cuộc thi này phải nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, thảo luận và trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, rõ ràng. Điều này giúp họ rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, phân tích và giao tiếp – những kỹ năng rất quan trọng trong học tập và công việc sau này.
“Một trong những cuộc thi mà tôi ấn tượng nhất là Cuộc thi ‘Tìm hiểu 90 năm lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam’ được tổ chức rộng rãi tại nhiều trường đại học. Cuộc thi này không chỉ là một cơ hội để sinh viên ôn lại những mốc son quan trọng trong lịch sử Đảng, mà còn giúp các bạn trẻ thảo luận, suy ngẫm và hiểu sâu hơn về các tư tưởng chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh và các vấn đề xã hội hiện đại.
Thay vì chỉ làm các bài thi viết, cuộc thi bao gồm các phần thi thảo luận, trả lời nhanh, thậm chí là tiểu phẩm về các sự kiện lịch sử, tạo không khí học hỏi vui tươi nhưng cũng rất nghiêm túc”, ThS Vân chia sẻ.
Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh do Ban Cán sự Đoàn Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức là sân chơi trí tuệ, nơi sinh viên có thể khẳng định khả năng của mình qua việc tìm hiểu các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng nhiều nội dung liên quan đến lịch sử dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên và tình hình thế giới. Vòng sơ loại trực tuyến năm 2024 thu hút hơn 5.300 sinh viên trong khối Đại học Quốc gia TPHCM tham gia, tăng mạnh so với các năm trước.
Sau các vòng tranh tài cam go, đội thi đến từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) giành vị trí Quán quân; Đội C và A từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) giành giải Nhì và Ba.
Thùy Linh