Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức thiếu nguồn tài chính để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu - thách thức mang tính toàn cầu
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi lâu dài trong nhiệt độ và các hình thái thời tiết (Liên hợp quốc, 2023). Các nghiên cứu cho thấy, đây là một mối đe dọa toàn cầu và có tầm ảnh hưởng lên nhiều lĩnh vực khác nhau như sinh thái, môi trường, chính trị - xã hội và kinh tế - xã hội (Filho và cộng sự, 2021; Feliciano và cộng sự, 2022). Biến đổi khí hậu được đặc trưng bởi xu hướng thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, áp suất và độ ẩm trong môi trường một cách lâu dài và toàn diện.
Biến đổi khí hậu đã, đang và dự báo sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội toàn cầu. Nghiên cứu của Kahn và cộng sự (2019) ước tính, với tốc độ tăng nhiệt độ khoảng 0,04°C mỗi năm, nếu không có các chính sách can thiệp, GDP thực toàn cầu sẽ giảm hơn 7%/năm vào năm 2100. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước do sự nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng đến sức khỏe con người (IPCC, 2023).
Rõ ràng, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động tiêu cực tới hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn và gây ra nhiều khó khăn đối với kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững trên toàn cầu. Do đó, việc thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu không chỉ đòi hỏi sự thay đổi trong công nghệ, quản lý môi trường mà còn cần có sự điều chỉnh trong chính sách tài chính công, chính sách thuế, tín dụng ngân hàng, tài chính xanh, tín chỉ carbon…
Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đó là việc thiếu nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu, hay còn gọi là tài chính khí hậu. Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức thiếu nguồn tài chính để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Chủ động ứng phó
Đối với Việt Nam, ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Đồng thời, đến nay, nhiều chính sách, chương trình hành động về ứng phó biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai thực hiện: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030; Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022; Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP tại Việt Nam...
Đặc biệt, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện mức chi cho sự nghiệp môi trường hàng năm không thấp hơn 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương); cơ cấu chi ngân sách địa phương cho bảo vệ môi trường (BVMT) trong tổng chi sự nghiệp môi trường của ngân sách nhà nước bình quân thực hiện trong 10 năm qua đạt khoảng 88%, cao hơn mức 85% theo quy định.
Bên cạnh đó, Chính phủ luôn ưu tiên nguồn lực cho đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro thiên tai thông qua các chương trình mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Đồng thời, cho thành lập Quỹ dự phòng ngân sách ở mỗi cấp khoảng 2 - 4% trong tổng chi dự trữ ngân sách nhà nước sử dụng cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói và các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh...
Về chính sách thuế, theo TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí liên quan đến BVMT và biến đổi khí hậu. Cụ thể, về tỷ trọng thuế BVMT trong tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý (trừ các khoản thu từ nhà, đất và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết) trong các năm 2021, 2022, 2023 lần lượt là 5,36%; 3,54%; 2,97%; quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm các hàng hóa, dịch vụ khi sử dụng tạo ra khí carbon gây ô nhiễm không khí, môi trường như: xăng, ô tô cá nhân…, từ đó định hướng người tiêu dùng hướng tới sử dụng phương tiện xanh sạch; ưu đãi thuế suất đối với những sản phẩm thân thiện môi trường như: xăng sinh học E5 là 8%, E10 là 7% và xe ô tô thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, đối với thuế TNDN, ngành Thuế đã áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với TNDN từ dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển công nghệ sinh học, BVMT...
Song song đó, Việt Nam hiện nay cũng đẩy mạnh mở rộng thị trường tài chính, trái phiếu, tín dụng xanh..., trong đó, các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh, được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Thu hút nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vốn để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 có thể lên tới khoảng 872 tỷ USD. Theo dự báo của World Bank (2022), Việt Nam cần thêm khoảng 368 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP) để ứng phó với biến đổi khí hậu (trong giai đoạn 2022-2040).
Để thúc đẩy đầu tư vào các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, một số chuyên gia cho rằng, có thể lập Quỹ khí hậu quốc gia bởi Chính phủ nhằm huy động, phân phối và quản lý tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu. Các quỹ này tập trung nguồn lực vào các dự án quan trọng và ưu tiên của quốc gia, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Quỹ khí hậu quốc gia đóng vai trò điều phối và hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến và chương trình liên quan đến khí hậu, giúp đảm bảo nguồn lực tài chính được sử dụng hiệu quả và tập trung vào các mục tiêu chiến lược của quốc gia.
Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả qua công cụ trái phiếu xanh. Thực tế cho thấy, trái phiếu xanh là một công cụ tài chính khác được phát hành để huy động vốn cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường và khí hậu. Trái phiếu này thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư muốn hỗ trợ các sáng kiến xanh. Bản chất của trái phiếu xanh là việc phát hành nợ, trong đó nhà phát hành cam kết sử dụng số tiền huy động được để tài trợ cho các dự án bền vững.
Về chính sách tài chính công, theo PGS. TS. Diệp Gia Luật - Trưởng Khoa Tài chính Công (UEH-CELG), Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cần rà soát các nội dung hệ thống chính sách thuế liên quan đến BVMT để xây dựng đồng bộ nội dung quy định của hệ thống pháp lý, nhằm phát huy tối đa vai trò của từng loại thuế, đặc biệt là thuế BVMT, hướng tới mục tiêu vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa phát triển bền vững; tăng khung mức thu phí BVMT đối với một số loại khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời, tăng chi ngân sách nhà nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cho BVMT gắn với chính sách phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững.
Theo TS. Lê Thị Thùy Vân, Việt Nam cần mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế để bao phủ các nguồn gây ô nhiễm môi trường; điều chỉnh mức thuế suất phù hợp nhằm tác động đến hành vi sản xuất và tiêu dùng các loại hàng hóa tác động xấu đến môi trường; sớm hoàn thiện các quy định khuyến khích DN áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường… Cùng lúc, tăng cường nguồn vốn nước ngoài từ các nhà đầu tư hoặc các nhà tài trợ đa phương và song phương; cải cách và nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính cho biến đổi khí hậu thông qua các công cụ định giá carbon, tín chỉ carbon, triển khai thí điểm thị trường carbon
Tài chính khí hậu có thể được phân chia thành 02 loại chính: Tài chính nhằm mục tiêu giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu (mitigation finance) và tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu (adaption finance). Các công cụ chính cho tài chính khí hậu bao gồm công cụ nợ (dự án vay vốn theo lãi suất thị trường), cho vay ưu đãi, các khoản tài trợ trực tiếp thông qua bảng cân đối của doanh nghiệp, các khoản trợ cấp, vốn góp cấp dự án và các nguồn vốn khác (OECD, 2023).
Tuấn Kiệt