Đa dạng rổ VN30

Đa dạng rổ VN30
4 giờ trướcBài gốc
Tại Hội thảo nhà đầu tư mới đây do Dragon Capital tổ chức, một nhóm bạn trẻ có hiểu biết về tài chính ngao ngán khi màn hình hiển thị tỷ trọng phân bổ chủ yếu của một quỹ do Dragon Capital quản lý, chiếm tỷ trọng lớn là nhóm ngân hàng (bank).
Đến tìm hiểu khả năng bỏ tiền vào chứng chỉ quỹ nhưng nhóm nhà đầu tư này không muốn bỏ tiền vào nhóm cổ phiếu bank, thành ra nhu cầu 2 bên chưa khớp vào nhau.
Hỏi lý do vì sao e ngại việc quỹ dồn tỷ trọng lớn vào cổ phiếu ngân hàng, nhóm bạn trẻ này cho biết, theo tìm hiểu của họ, ngành ngân hàng ở các thị trường phát triển hay đang phát triển đều mang tính chất thuộc nhóm ngành ổn định, khó có thể tăng trưởng đột phá.
Chưa kể, do thuộc ngành mang tính chu kỳ nên lợi nhuận và các chỉ số phụ thuộc nhiều vào chu kỳ kinh tế. Việc tỷ trọng quỹ quá lớn trong bank khiến nhà đầu tư có cảm giác quỹ chỉ dồn vào bank.
Đây cũng là thực trạng nhiều quỹ chỉ số VN30 tại Việt Nam nhức nhối khi tỷ trọng nhóm ngân hàng có thời điểm chiếm gần 60% rổ VN30 với hơn một nửa đại diện.
Các quỹ ETF VN30 tập hợp một danh mục cổ phiếu tương ứng với 30 cổ phiếu trong chỉ số VN30. Mục tiêu của quỹ là mô phỏng gần nhất với sự biến động của chỉ số VN30, giúp nhà đầu tư hưởng lợi từ sự tăng trưởng của các cổ phiếu lớn mà không cần phải mua từng cổ phiếu riêng lẻ.
Quỹ ETF mô phỏng chỉ số được nhiều nhà đầu tư cá nhân lựa chọn bởi so với các quỹ chủ động, quỹ ETF có phí quản lý thấp hơn. Bên cạnh đó, khi đầu tư vào các quỹ ETF VN30, nhà đầu tư được giới thiệu đang đầu tư vào 30 cổ phiếu hàng đầu, giảm thiểu rủi ro so với việc chỉ đầu tư vào một vài cổ phiếu cụ thể.
Tuy nhiên, tỷ trọng một ngành hiện diện quá lớn trong VN30 đã khiến bộ chỉ số này không phản ánh toàn bộ bức tranh thị trường, cũng như cho thấy cơ cấu khá lệch của các ngành trong nền kinh tế.
Thống kê của Quỹ A+ còn cho thấy một con số bất ngờ. Đó là, tính trong 5 năm gần nhất, tăng trưởng của VN30 thấp hơn tăng trưởng GDP của Việt Nam. Đây là diễn biến ngược với các thị trường chứng khoán phát triển khu vực và trên thế giới.
Việc đa dạng thành phần bộ chỉ số, theo ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ là điều cần thiết với thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần tăng tính hấp dẫn của các quỹ đầu tư theo chỉ số.
Với quy định mới của HOSE, đồng thời với quá trình tái cấu trúc các Sở giao dịch chứng khoán, dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp ngoài nhóm bank xuất hiện trong VN30 khi các doanh nghiệp quy mô lớn được tái cấu trúc, sắp xếp, phân bảng giao dịch trên HOSE, trong đó có nhiều doanh nghiệp hiện đang giao dịch trên HNX và UPCoM.
Đơn cử, ngày 17/1 vừa qua, BSR đã chính thức giao dịch trên HOSE. Cùng với việc niêm yết cổ phiếu, doanh nghiệp còn triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 2 tỷ USD (50.073 tỷ đồng). Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ nhận được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý trong quý I/2025.
Việc tăng vốn này này nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và chiến lược phát triển dài hạn của BSR đến năm 2030, tầm nhìn 2045, thông qua phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu, với tổng tỷ lệ là 61,5%.
Khi BSR chính thức gia nhập HOSE sẽ cung cấp cho nhà đầu tư một lựa chọn trong ngành công nghiệp năng lượng, đồng thời có thể là ứng cử viên sáng giá cho rổ VN30. Sự có mặt của BSR trong rổ VN30 sẽ làm gia tăng tính thanh khoản và sự đa dạng cho nhóm cổ phiếu blue-chip, thu hút được sự quan tâm cao của các nhà đầu tư. Đặc biệt, phải kể đến dòng tiền mạnh mẽ từ các tổ chức và quỹ đầu tư có chiến lược đầu tư dựa trên chỉ số VN30, các quỹ này thường có yêu cầu chặt chẽ về việc đầu tư vào các cổ phiếu đại diện cho những công ty lớn, có tính thanh khoản cao và ổn định.
Thảo Linh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/da-dang-ro-vn30-post362055.html