Room tín dụng là một cơ chế quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước cho phép mỗi ngân hàng thương mại được phép tăng trưởng tín dụng bao nhiêu %. Điều này đảm bảo về mặt tổng thể, tăng trưởng tín dụng cả nước nằm trong mức an toàn.
Để đảm bảo một tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vừa phải, ngân hàng sẽ cân nhắc kỹ càng các điều kiện cho vay, các lĩnh vực an toàn để vay. Về mặt nguyên tắc, ngân hàng sẽ muốn cho vay càng nhiều càng tốt. Cho vay sẽ đối mặt với rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, về cơ bản, trong giai đoạn tăng nóng, các nhà băng sẵn sàng rót vốn vào các dự án bất động sản chưa đạt yêu cầu, hay các khoản vay không đủ chuẩn. Room tín dụng được đưa ra để hạn chế những việc như vậy.
Nhưng cơ chế này bị nhiều ngân hàng cũng như các chuyên gia tài chính phản đối. Họ cho rằng đây là mô hình quản lý hành chính, máy móc. Bởi một khi ngân hàng cần cho vay vượt trần room tín dụng đã cấp, theo đúng điều kiện của họ, đảm bảo an toàn, họ lại phải dừng lại một nhịp để xin phép. Trong khi đó, một số ngân hàng được cấp room tín dụng rất cao, tuy có căn cứ vào tình hình tài chính "khỏe mạnh" của họ, phải rất nỗ lực để "chạy KPI" cho đủ. Họ sợ không cho vay hết room được cấp cho năm nay, năm sau sẽ bị cắt bớt. Trong quá trình "chạy KPI", rất nhiều khoản vay dễ dãi được ký, ảnh hưởng đến quản lý rủi ro của ngân hàng trong hiện tại và tương lai.
Có nhiều lý do để xóa room tín dụng, nhưng số lý do để duy trì quy định hành chính này cũng nhiều đáng kể. Room tín dụng được đưa ra để đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung không vượt quá trần.
Năm nay, mục tiêu tăng trưởng GDP Việt Nam là 8%. Để đạt được mục tiêu thách thức đó, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng 16% để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Thậm chí, lãnh đạo của một ngân hàng đề nghị không tính các khoản cho vay dự án BOT vào tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước không chỉ "bơm tiền" ra nền kinh tế mà còn kiểm soát lạm phát, đảm bảo mức sống cho đại bộ phận người dân. Việc bỏ room tín dụng như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói có thể sẽ được triển khai, nhưng trong tương lai gần là chưa thể. Khi Ngân hàng Nhà nước gỡ bỏ quy định này, chắc chắn các ngân hàng thương mại sẽ được quản lý dựa trên các chỉ tiêu khác, ví dụ chỉ tiêu an toàn vốn, vốn khả dụng, nợ xấu…
Sự tự do tuyệt đối của các tổ chức tín dụng là hoàn toàn không thể.
Lưu Hường