Đá Đông B, Đá Tây A: Bản hùng ca giữa biển khơi

Đá Đông B, Đá Tây A: Bản hùng ca giữa biển khơi
một ngày trướcBài gốc
Sức mạnh ý chí của chiến sĩ nơi đảo chìm Đá Đông B
Trường Sa, giữa muôn trùng sóng gió, nơi những người lính đảo không chỉ là người canh giữ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là biểu tượng của lòng quả cảm và tinh thần vượt khó. Từ đảo Đá Đông B, Cô Lin hay Đá Tây A, Sinh Tồn... những chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng đã thắp lên niềm tin và khát vọng lớn lao trong công cuộc gìn giữ chủ quyền biển đảo.
Chiến sĩ trẻ ở đảo Đá Đông B
Lần thứ 2 đến với quần đảo Trường Sa nhưng lần đầu tiên tôi đến với đảo Đá Đông B, là đảo đá chìm, so với nhiều đảo, điểm đảo ở Trường Sa, điều kiện công tác sinh hoạt trên đảo Đá Đông B của các chiến sĩ còn rất nhiều khó khăn.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy Lưu Xuân Thăng, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông B cho biết: Tất cả cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đã có 4 năm công tác tại 4 hòn đảo của Trường Sa, Thượng úy Lưu Xuân Thăng chia sẻ, khi mới ra đảo, không tránh khỏi những bỡ ngỡ trước sóng gió, trước môi trường thiếu thốn tình cảm gia đình. Nhưng rồi, tất cả đã trở thành quen thuộc và là niềm tự hào của người lính đảo.
Thượng úy Lưu Xuân Thăng, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông B
Xa nhà nhớ gia đình, nhưng xác định rõ nhiệm vụ của mình, tôi và đồng đội luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Thượng úy Thăng bày tỏ.
Với vai trò chỉ huy, anh luôn chú trọng không chỉ về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, mà còn chăm lo đời sống, sức khỏe, tinh thần cho anh em.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở đảo Đá Đông B
Thượng úy Thăng cho biết: “Trước khi ra đảo, các chiến sĩ mới đã được huấn luyện đầy đủ, sẵn sàng đảm đương mọi nhiệm vụ khó khăn. Ngoài nhiệm vụ trực gác, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động đọc sách báo, giao lưu văn hóa văn nghệ, tạo không khí, tư tưởng thoải mái cho mọi người. Đồng thời, luôn tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ gọi điện về gia đình, chia sẻ tình cảm, giữ vững tinh thần”.
Anh cũng gửi gắm mong muốn các đoàn công tác từ đất liền sẽ tiếp tục ra thăm, động viên, đem theo những lời thăm hỏi ấm áp để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo.
Còn Đại úy Lê Thành Linh ra công tác ở đảo với vai trò nhiệm vụ là y sĩ, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân. Anh được coi là chỗ dựa tinh thần cho ngư dân và đồng đội.
Đại úy Lê Thành Linh chia sẻ với phóng viên khi đang đứng gác
Đại úy Lê Thành Linh cho biết, ra công tác ở đảo từ tháng 8/2024 đến nay, anh đã nhiều lần trực tiếp tham gia sơ cấp cứu, hạn chế tối đa thương vong cho ngư dân gặp nạn. “Thuốc men, vật tư y tế đều được Bộ Quốc phòng bảo đảm đầy đủ, giúp chúng tôi đáp ứng tốt công tác cấp cứu và chăm sóc sức khỏe”- Đại úy Linh chia sẻ.
Vườn rau tươi tốt được các chiến sĩ đảo Đá Đông B chăm sóc cẩn thận
Ba năm mới được trở về thăm nhà một lần, nhưng anh cho biết gia đình luôn thông cảm, ủng hộ và tự hào về công việc của mình. “Đó là nguồn động viên lớn để tôi vững tâm phục vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên đảo”, anh nói.
Từ một sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, chiến sĩ trẻ Nguyễn Thái Bình lại tự hào vì được góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thiết bị lọc nước biển để có nước ngọt sử dụng ở đảo Đá Đông B
Theo lời kể của Bình, em tình nguyện ra đảo, gác lại những năm tháng giảng đường để đến với Trường Sa. “Em đã quen dần với môi trường quân đội, dù có khó khăn, nhưng tinh thần thì không ngại gian khổ. Em mong muốn sau khi hoàn thành nghĩa vụ, sẽ tiếp tục được học tập để đóng góp nhiều hơn cho đất nước”, Bình nói với nụ cười lạc quan.
Những câu chuyện từ đảo Đá Đông B, từ Thượng úy Lưu Xuân Thăng, Đại úy Lê Thành Linh và chiến sĩ trẻ Nguyễn Thái Bình là tiếng nói của ý chí kiên cường, là minh chứng cho sự hy sinh thầm lặng nhưng đầy tự hào. Giữa muôn trùng sóng gió, họ vẫn vững tay súng, giữ trọn niềm tin và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển
Nếu như đảo Đá Đông B là đảo đá chìm thì ở Đá Tây A được xem như một đô thị nhỏ của Trường Sa giữa lòng đại dương, ở đây có làng chài, âu tàu, có Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, có nhà văn hóa và tiếng trẻ thơ bi bô học nói, đánh vần.
Đảo Đá Tây A như một đô thị thu nhỏ ở Trường Sa
Đón chúng tôi ngay từ cổng chào của đảo, Trung tá Đặng Văn Tài - Chính trị viên đảo Đá Tây A không giấu nổi vui mừng khi được đón những vị khách mang hơi ấm từ đất liền đến với đảo.
Dẫn tôi đi thăm một vòng trên đảo, chỉ vào những vườn rau xanh mướt, những hàng cây vừa được trồng từ ngay sau Tết, Trung tá Đặng Văn Tài nói: "Năm ngoái chị đến đây cây mới ngang người, nhưng nay sau một năm, những tán bàng vuông đã che rợp lối đi, cao hơn đầu người, mang lại bóng mát và màu xanh cho đảo".
Trung tá Đặng Văn Tài - Chính trị viên đảo Đá Tây A
Năm nay ở Trường Sa mùa mưa đến sớm, nhờ đó, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các đảo cũng bớt nỗi lo về nước ngọt. Do vậy, sinh hoạt và đời sống của mọi người cũng bớt nhọc nhằn hơn.
Ở đảo Đá Tây, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đã trở thành một điểm đến trong hành trình vươn khơi bám biển của các ngư dân khi đánh bắt ở vùng biển Trường Sa.
Trong quá trình khai thác thủy hải sản trên vùng biển Trường Sa, khi tàu thuyền của ngư dân vào tới đảo Đá Tây đều nhận được sự hỗ trợ của các lực lượng đang công tác trên đảo.
Đảo Đá Tây A ngày càng khang trang hiện đại
Trung tá Đặng Văn Tài cho biết, chúng tôi thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chia sẻ động viên ngư dân, đồng thời tặng cờ, nước ngọt cho ngư dân cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân thực thi IUU về chống đánh bắt bất hợp pháp, truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản, quy định về khu vực đánh bắt.
Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây
Ông Vũ Chí Thuấn – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông, chi nhánh đảo Đá Tây cho biết: Khi các tàu của ngư dân đến với Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá được chúng tôi cung cấp nước ngọt miễn phí, sửa chữa hư hỏng, cung ứng nhiên liệu bằng giá nhà nước niêm yết tại đất liền, cung ứng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm bằng giá mua tại đất liền, cung ứng nước đá cây loại 50kg bằng giá tại Chi nhánh Cảng cá Cát Lở - Vũng Tàu. Đồng thời hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và sơ cứu y tế cho ngư dân...
Một góc đảo Đá Tây A
Chia sẻ thêm với phóng viên, Trung tá Đặng Văn Tài cho biết, đây là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Các dịch vụ ưu tiên, ưu đãi với giá cả phù hợp, kịp thời, chu đáo, cung ứng hàng hóa, nhiên liệu, nước đá (bằng giá đất liền), nước ngọt miễn phí, sửa chữa miễn phí tiền công, khu neo đậu tránh trú bão, bốc xếp hàng hóa… tạo điều kiện thuận lợi giúp cho ngư dân yên tâm đi biển đánh bắt dài ngày, giảm chi phí nhiên liệu đi lại, tăng hiệu quả kinh tế cho mỗi chuyến đi biển.
Qua đó, góp phần tăng cường thực hiện sự có mặt của ngư dân trên vùng biển chủ quyền, tham gia bảo vệ chủ quyền các vùng biển đảo của tổ quốc”- Trung tá Tài cho hay.
Nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam ở đảo Đá Tây A với nhiều đầu sách phong phú phục vụ văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ và người dân ở đảo
Được biết, hiện Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây quản lý âu tầu rộng 13ha có sức chứa 200 tàu công suất 600 CV, xưởng sản xuất nước đá công suất 832 cây/mẻ/22h sản xuất, 2 kho đông lạnh có tổng công suất 1.000 tấn, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời với công suất 50 m3/ngày đêm, bể chứa nước ngọt có dung tích 4.800m3…
Những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp của người dân sinh sống trên đảo Đá Tây A
Chỉ tính riêng năm 2024, trung tâm đã cung ứng 442.264 lít dầu DO, 21 tấn thực phẩm, 126.944 cây nước đá và 2.452m3 nước ngọt cho các tàu thuyền của ngư dân… Ngoài ra công tác cứu hộ, cứu nạn, lai dắt tàu gặp nạn, hỏng hóc của ngư dân cũng được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời ở đảo Đá Tây A
Trung tá Đặng Văn Tài cho hay, Đội tàu dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây thường xuyên khảo sát ngư trường, tham gia cứu nạn, lai dắt và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào âu tầu tiếp nhận các hàng hóa dịch vụ hậu cần và neo đậu tránh trú bão an toàn.
Luôn bám biển, đảo để thực hiện nhiệm bụ quốc phòng, an ninh, tăng cường sự hiện diện của dân sự thường xuyên của đội tàu công ích trên biển, góp phần khẳng định tham gia bảo vệ chủ quyền quyền chủ quyền các vùng biển đảo xa của Tổ quốc.
Ngoài ra, nhờ tận dụng nguồn nước mưa và hệ thống chứa nước hiện đại, đảo đã chủ động được nước sinh hoạt. Trên đảo, cán bộ, chiến sĩ và người dân đều có ý thức tiết kiệm đến từng giọt quý giá, do đó, nước sau sử dụng được tận dụng để tưới cây.
Được biết, tổng giá trị sản lượng tăng gia trên đảo mỗi năm đạt gần 300 triệu đồng, một con số thật đáng tự hào và là minh chứng sống động cho sức sống dẻo dai, sáng tạo của những con người nơi đầu sóng. Rau xanh, thịt, đậu phụ, giá đỗ - những sản phẩm tưởng như chỉ có ở đất liền thì nay đã trở thành thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của các chiến sĩ và cư dân đảo.
Thu Hường
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/da-dong-b-da-tay-a-ban-hung-ca-giua-bien-khoi-389621.html