Các Đại sứ Áo dài của Lễ hội Áo dài TP Đà Lạt
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA ÁO DÀI
Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP Đà Lạt 2024 - một trong các hoạt động trong chuỗi sự kiện Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X. Đồng thời là một sự kiện văn hóa đặc biệt nhằm tôn vinh áo dài Việt Nam và nét đẹp thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ Đà Lạt nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung.
Chương trình với sự tham dự của ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; bà Ngô Thị Mỹ Lợi – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Lạt; ông Đăng Quang Tú - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND TP; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc thành phố, các cơ quan, đơn vị trường học; lãnh đạo Đảng ủy, UBND các phường, xã thuộc TP Đà Lạt; các nhà tài trợ và cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố cùng đông đảo người dân, du khách.
Ông Đặng Quang Tú - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt phát biểu khai mạc chương trình
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Quang Tú - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt nhấn mạnh: Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, áo dài Việt Nam không đơn thuần là một trang phục mà còn là biểu tượng sống động của bản sắc văn hóa, là "đại sứ văn hóa" không lời mang đậm tính thẩm mỹ và nhân văn của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, áo dài vẫn luôn giữ được vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa và tâm hồn của người Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Lạt Ngô Thị Mỹ Lợi trao hoa và thư cảm ơn của Ban Tổ chức cho các Đại sứ Áo dài
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành một nhiệm vụ chiến lược của đất nước. Và áo dài, với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể, đang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này. Đây chính là minh chứng cho khả năng chuyển hóa di sản văn hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế, đúng như định hướng của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trao hoa và thư cảm ơn của Ban Tổ chức cho các nhà thiết kế và các đạo diễn tham gia chương trình
Việc bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài không chỉ là trách nhiệm với quá khứ mà còn là sự đầu tư cho tương lai. Khi áo dài được đặt trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta đang thực hiện song hành hai nhiệm vụ quan trọng: vừa gìn giữ bản sắc dân tộc, vừa tạo ra những giá trị kinh tế - văn hóa mới.
Trao hoa và thư cảm ơn của Ban Tổ chức cho các đơn vị đồng hành
Lễ hội Áo dài TP Đà Lạt 2024 đang hiện thực hóa những định hướng quan trọng đó. Với quy mô đầu tư chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, sự tham gia của những tên tuổi hàng đầu trong làng thời trang Việt Nam, Lễ hội không chỉ là một sự kiện văn hóa đơn thuần mà còn là minh chứng cho khả năng phát triển bền vững của công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng di sản.
Trao hoa và thư cảm ơn cho các nhà tài trợ
“Việc phát triển và quảng bá hình ảnh áo dài tại Đà Lạt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp của trang phục truyền thống với khung cảnh thơ mộng của TP Đà Lạt, tạo nên một sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, không chỉ góp phần tạo dựng bản sắc riêng cho thành phố mà còn trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp văn hóa khác như nhiếp ảnh, điện ảnh, thời trang và du lịch trải nghiệm.
Qua đó lan tỏa vẻ đẹp của áo dài đến với đông đảo du khách, không chỉ góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới mà còn tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho cộng đồng doanh nghiệp, các nghệ nhân và người dân địa phương, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch và kinh tế.
Lễ hội Áo dài TP Đà Lạt 2024 là một mô hình điển hình về việc phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng di sản, góp phần khẳng định vị thế của Đà Lạt như một trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước”, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt khẳng định.
Hình ảnh tà áo dài truyền thống hòa quyện cùng vẻ đẹp lãng mạn của TP ngàn hoa
KẾT HỢP VẺ ĐẸP TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI
Tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật Áo dài TP Đà Lạt với chủ đề “Đà Lạt Hoa và Em”, dưới bàn tay tài hoa của các nhà thiết kế, hình ảnh tà áo dài truyền thống hòa quyện cùng vẻ đẹp lãng mạn của thành phố ngàn hoa mang đến cho khán giả một không gian nghệ thuật đậm chất thơ.
Hình ảnh người phụ nữ Đà Lạt dịu dàng, thướt tha trong tà áo dài hiện lên đầy sống động và tinh tế, tựa như một bức tranh nên thơ giữa núi rừng Đà Lạt.
Các Đại sứ áo dài, Hoa khôi, Á khôi Duyên dáng Áo dài Đà Lạt năm 2022, 2023 trình diễn tại chương trình
Siêu mẫu Thanh Hằng trình diễn tại chương trình
Câu chuyện Đà Lạt Hoa và Em dưới sự dẫn chuyện của MC Trác Thúy Miêu
Với sự đồng hành của các Đại sứ Áo dài như: siêu mẫu – diễn viên – hoa hậu Thanh Hằng, Siêu mẫu Lan Khuê, Hoa hậu Miss World Vietnam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi, Á Hậu Miss Grand International 2023 - Miss Grand Viet Nam Lê Hoàng Phương, Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2023 Bùi Xuân Hạnh, Á Hậu Miss Universe Viet Nam 2023 Hương Ly, Á Hậu 1 Miss Grand Vietnam 2022 Quỳnh Châu cùng các Hoa khôi, Á khôi và Top 20 Duyên dáng Áo dài Đà Lạt năm 2022, 2023, hội viên, phữ nữ và nữ sinh TP Đà Lạt duyên dáng trong tà áo dài, câu chuyện Đà Lạt Hoa và Em dưới sự dẫn chuyện của MC - Tác giả Trác Thúy Miêu với show thực cảnh tại Khu Hòa Bình - một địa điểm mang tính lịch sử và văn hóa của TP Đà Lạt được kết hợp với hệ thống ánh sáng và âm thanh hiện đại đưa khán giả đi qua hành trình của tà áo dài từ truyền thống đến hiện đại mang thông điệp "Áo dài cho tất cả".
Cuộc sống của người Đà Lạt xưa gắn liền với tà áo dài truyền thống
Tái hiện cuộc sống lao động của người Lạch ở Đà Lạt những ngày xa xưa
Chương trình được chia thành 3chương chính, mỗi chương kể một câu chuyện đặc biệt về sự phát triển của Đà Lạt gắn với chiếc Áo dài. Mở đầu chương trình là hình ảnh Bác sĩ Yersin - người đã nhìn thấy tiềm năng của cao nguyên Lâm Viên không chỉ là một tiểu thiên đường giữa lòng Đông Dương, mà còn là mảnh đất màu mỡ cho những đóa hoa tuyệt đẹp.
Hình ảnh những người Kinh đầu tiên đến Đà Lạt từ ba miền Bắc - Trung - Nam
Chương đầu tái hiện hình ảnh những người Kinh đầu tiên đến Đà Lạt từ ba miền Bắc - Trung - Nam, mỗi nhóm mang theo sắc màu trang phục đặc trưng của quê hương. Khán giả được chứng kiến sự giao thoa văn hóa độc đáo giữa người Việt với nhiều nền văn hóa.
Điểm nhấn của chương là sự xuất hiện của các loài hoa đặc trưng như lan rừng, lay ơn và hồng, được thể hiện qua những tà áo dài tân thời với khăn choàng, găng tay và các chi tiết độc đáo khác.
Tà áo dài được những người mẹ ở Đà Lạt truyền cho con gái
Theo thời gian, các bé gái lớn lên và duyên dáng trong bộ áo dài nữ sinh Đà Lạt
Đà Lạt - Thành phố của giáo dục và văn hóa
Chương thứ hai đưa khán giả trở về với Đà Lạt - thành phố của giáo dục và văn hóa. Những tà áo dài nữ sinh xưa được tái hiện sống động, cùng với đó là câu chuyện về sự hình thành của Khu Hòa Bình và hình ảnh các tiểu thương ngày trước.
Đặc biệt, phần này còn tái hiện không khí sôi động của cuộc sống thời bấy giờ.
Thành phố của tình yêu với các bộ sưu tập áo dài cưới từ truyền thống đến hiện đại
Trong câu chuyện về tà áo dài Việt, có cả những cô dâu đợi mãi đến tuổi ngũ tuần mới được khoác lên mình tà áo dài cưới khi người chồng từ chiến trường trở về
Chương cuối cùng mang đến cái nhìn hiện đại về Đà Lạt qua ba góc độ: thành phố du lịch với những tà áo dài xứ lạnh đặc trưng, thành phố của tình yêu với bộ sưu tập áo dài cưới lộng lẫy, các mẫu áo dài phù hợp cho mọi độ tuổi và vóc dáng.
Ca sĩ Tùng Dương với ca khúc Một vòng Việt Nam
Trình diễn drone light
Chương trình còn có sự góp mặt của ca sĩ Tùng Dương, ca sĩ Đông Quân với các ca khúc làm sôi động thêm bầu không khí Lễ hội. Tại chương trình, khán giả được chiêm ngưỡng bộ sưu tập áo dài với phần trình diễn drone light thắp sáng bầu trời Đà Lạt, tạo nên một trải nghiệm thị giác độc đáo.
Cán bộ, hội viên phụ nữ TP Đà Lạt tham dự chương trình trong tà áo dài Việt Nam
Đông đảo người dân, du khách tham dự chương trình
Các người mẫu chuyên và không chuyên gửi lời cảm ơn đến khán giả đã theo dõi chương trình
Với 3 cung bậc cảm xúc "Tự hào – Giao thoa – Cảm xúc", Lễ hội Áo dài TP Đà Lạt 2024 và Chương trình Biểu diễn nghệ thuật Áo dài Đà Lạt Hoa và em không chỉ đơn thuần là một show trình diễn thời trang mà còn là một lễ hội áo dài xuống phố gắn liền với cuộc sống và con người Đà Lạt qua sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật và công nghệ.
Qua đó, tôn vinh và lan tỏa vẻ đẹp của trang phục truyền thống Việt Nam, hướng đến việc phát huy phong cách người Đà Lạt "Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách" đến du khách và bạn bè quốc tế.
Một số hình ảnh tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật Áo dài với chủ đề “Đà Lạt Hoa và Em":
TUẤN HƯƠNG