Theo đó, tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng sáp nhập thành một tỉnh mới, có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới đặt tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
TP Đà Lạt hiện nay đã có Trung tâm hành chính tập trung, trên đường Trần Phú, phường 4, TP Đà Lạt. Đây là nơi làm việc của các sở, ban, ngành, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân giải quyết các thủ tục hành chính và thuận lợi trong việc triển khai nhiệm vụ, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 30km về phía Nam là Cảng hàng không Quốc tế Liên Khương, được kết nối bằng cao tốc Liên Khương – Prenn.
Tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích tự nhiên 24.233,1km2, quy mô dân số đạt 3.324.400 người.
Như vậy, sau khi sáp nhập, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước và nằm trong top 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam. Theo trục Đông - Tây, tỉnh này vừa có đường biên giới với Campuchia và vừa giáp biển.
Một phần TP Đà Lạt nhìn từ trên cao.
Tỉnh Lâm Đồng mới có thế mạnh đặc biệt về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng chủ lực là rau, cà phê, hồ tiêu, thanh long… Đây cũng là vùng đất có trữ lượng khoáng sản bauxite lớn nhất cả nước, hiện đang được Tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam khai thác với nhà máy chế biến Alumin ở Tân Rai và Nhân Cơ. Sau khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ hình thành vùng khai thác bauxite gắn liền với chế biến, vận chuyển xuống cảng Kê Gà để đưa đi tiêu thụ…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương phối hợp với tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận xây dựng đề án sáp nhập; chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận cán bộ, công chức tới làm việc.
Khắc Lịch