Đây được xem là một bước đi chiến lược nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên biển và sông ngòi, đồng thời tạo thêm điểm nhấn mới cho du lịch thành phố.
Phát huy tiềm năng, tạo đột phá cho du lịch biển và sông
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, phương án này được xây dựng với mục tiêu cụ thể nhằm phát huy các lợi thế về tài nguyên biển và Sông Hàn để phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch.
Thông qua đó, thành phố kỳ vọng thu hút du khách trong và ngoài nước, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân địa phương, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Du khách khám phá biển Đà Nẵng trên cao với dịch vụ ca nô kéo dù bay
Cũng theo nội dung phương án, việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước sẽ được triển khai từ năm 2025 đến năm 2030.
Trong quá trình thực hiện, tùy theo nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, người dân và du khách, UBND thành phố sẽ tiến hành rà soát, bổ sung và điều chỉnh phù hợp để bảo đảm hiệu quả, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành.
Phương án định hướng rõ ràng các loại hình phương tiện được phép hoạt động. Cụ thể, nhóm phương tiện có động cơ bao gồm: môtô nước, ca nô kéo dù, ca nô kéo phao chuối, ca nô kéo lướt ván, ván phản lực và một số loại hình có động cơ khác phù hợp với quy định hiện hành.
Đối với các phương tiện không động cơ, bao gồm: lướt ván, lướt ván buồm, lướt ván diều, chèo thuyền kayak, ván chèo đứng (SUP), ván tập bơi cá nhân và các loại hình tương tự khác.
Các phương tiện này khi đưa vào sử dụng đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Không gian tổ chức các hoạt động cũng được định hướng cụ thể, tập trung vào các khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi và ít ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như an ninh – quốc phòng.
Các khu vực bao gồm: Tuyến biển đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa; tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành; biển ven đèo Hải Vân; biển ven bán đảo Sơn Trà; vùng nước Sông Hàn đoạn từ cầu Sông Hàn đến cầu Trần Thị Lý.
Đây đều là những vị trí đã và đang được quy hoạch phát triển du lịch, đồng thời có hạ tầng hỗ trợ tương đối hoàn chỉnh, thuận tiện cho việc triển khai và quản lý hoạt động.
Mục đích của phương án nhằm phát huy các lợi thế tiềm năng của biển Đà Nẵng và Sông Hàn cho phát triển các hoạt động du lịch
Quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn và bền vững
Một trong những nội dung trọng tâm của phương án là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động vui chơi dưới nước.
UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện nghiêm túc việc giám sát, kiểm soát phương tiện, đảm bảo an toàn cho người tham gia và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường biển và sông.
Cụ thể, các phương tiện hoạt động trong khu vực phải được đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật định kỳ; các tổ chức, cá nhân vận hành phải có đủ năng lực chuyên môn, trang bị phương tiện cứu hộ và cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách.
Đồng thời, phương án cũng nhấn mạnh việc không làm ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh, đặc biệt là ở các khu vực biển giáp ranh hoặc gần các vị trí quân sự.
Ngoài ra, công tác bảo tồn tài nguyên biển, duy trì đa dạng sinh học, giữ gìn cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên cũng được đặt lên hàng đầu trong quá trình triển khai.
Thành phố cũng yêu cầu quá trình thực hiện phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền tự do di chuyển của các phương tiện phục vụ các mục đích công vụ, nghiên cứu, bảo tồn, tổ chức sự kiện hoặc hoạt động cộng đồng. Điều này nhằm tạo sự hài hòa giữa phát triển du lịch và các hoạt động xã hội khác.
Định hướng tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước khu vực Sông Hàn, phạm vi vùng nước từ cầu Sông Hàn đến cầu Trần Thị Lý
Kỳ vọng một diện mạo mới cho du lịch biển – sông Đà Nẵng
Với việc ban hành phương án này, Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái du lịch theo hướng trải nghiệm, bền vững và đa dạng hóa sản phẩm.
Các hoạt động vui chơi dưới nước – từ cảm giác mạnh như môtô nước, kéo dù, ván phản lực, đến nhẹ nhàng như kayak, SUP – sẽ tạo nên chuỗi trải nghiệm phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách hiện đại.
Đặc biệt, khi kết hợp với định hướng phát triển kinh tế đêm và khai thác không gian ven sông, ven biển, các hoạt động giải trí dưới nước hứa hẹn sẽ góp phần làm "sống dậy" các khu vực vốn trước đây chưa được khai thác hết tiềm năng.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch cụ thể các vùng hoạt động còn giúp quản lý tập trung, hạn chế các hoạt động tự phát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và tác động xấu đến môi trường. Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến thân thiện, năng động và đáng tin cậy.
Phương án tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước được xem là một trong những bước đi thiết thực trong chiến lược phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với việc kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên môi trường, thành phố kỳ vọng sẽ mở ra một diện mạo mới cho du lịch biển – sông, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
ĐỨC HOÀNG