Đà Nẵng đã giải bài toán ngập úng đến đâu?

Đà Nẵng đã giải bài toán ngập úng đến đâu?
8 giờ trướcBài gốc
Một điểm khu vực nội thị Đà Nẵng ngập sâu trong trận mưa ngày 5-11.
Khoảng mười năm trước, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng khẳng định: với các giải pháp công trình và phi công trình đang triển khai thì đến năm 2018, thành phố sẽ cơ bản xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng đô thị. Thực tế thì một vài điểm “rốn ngập” đã được khắc phục, nhưng với tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa quá nhanh, kèm diễn biến phức tạp của thời tiết đã khiến nhiều điểm ngập mới xuất hiện. Vậy thành phố đang triển khai các giải pháp nào để tăng “khả năng chống chịu” khi có mưa lớn kéo dài?
Xóa ngập nhiều điểm…
Mùa mưa này, gia đình chị Nguyễn Thị Hoài Thân và hàng chục hộ dân tại các tổ dân phố 13, 14, P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ đã thoát cảnh phải kê cao đồ và thon thót giật mình mỗi khi dự báo thời tiết có mưa. Dự án kênh thoát nước Khe Cạn đi qua khu vực hoàn thành đã cùng lúc xử lý hai bài toán là nâng cấp mặt đường và thông nút cổ chai, mở rộng khẩu độ cống đủ khả năng thu gom nước mặt, tiêu thoát nhanh chóng. Kiệt hẻm được mở rộng, nhiều gia đình được đền bù, hỗ trợ cũng đã kết hợp sửa chữa lại nhà cửa khang trang. Nỗi bức xúc bao năm được giải tỏa nên người dân rất phấn khởi, không còn phải “chạy lụt giữa lòng đô thị”. “Trước đây nhà nào cũng có cái vạch trên tường là dấu vết mức ngập để lại sau mỗi mùa mưa, tài sản vật dụng bị hư hỏng nhiều, đều phải kê lên rất cao. Giờ mùa nắng thì đường sạch sẽ, trẻ con vui chơi thoải mái, mùa mưa thì nước thoát xuống cống rút nhanh. Bà con như được đổi đời thực sự”, chị Thân phấn khởi.
Mới đây, Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng nhận được thư cảm ơn của các hộ dân ở hai bên đường Phan Đăng Lưu đoạn từ đường Lê Thanh Nghị đến Ngô Tất Tố (Q. Hải Châu) khi cả khu vực dân cư được “xóa ngập” sau các đợt mưa lớn. Theo người dân, nhiều năm qua, đoạn đường Phan Đăng Lưu hay bị ngập nước sâu gần 1m do đoạn đường này bị trũng, võng, lại tiếp nhận lượng nước từ các đường nhánh khác đổ dồn về. Trước mùa mưa 2024, cơ quan chức năng đã lắp đặt 8 cửa thu nước mưa trên mặt đường vừa có khẩu độ rộng để tăng cường thu nước, vừa có cơ cấu ngăn mùi hôi và động vật, côn trùng từ dưới cống xâm nhập lên. Tại các cửa thu có tấm song chắn rác lớn, dễ tháo dỡ khi ngập nước và có đường dẫn nước rộng từ cửa thu nước mưa xuống cống. “Trong quá trình thi công, công ty bố trí xe vận chuyển, máy móc, vật tư, công nhân rất đồng bộ, nhịp nhàng, làm gọn gàng và thi công chuyên nghiệp. Trong các trận mưa lớn từ đầu tháng 11 đến nay, đoạn đường Phan Đăng Lưu vẫn còn ngập sâu, nhưng so với trước đây thì nước thoát nhanh”, người dân cho biết. Trước đó, bà con nhân dân ở kiệt 96 đường Điện Biên Phủ (Q. Thanh Khê) cũng vui mừng, gửi lời cảm ơn Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng và các đơn vị liên quan vì sau khi hoàn thành thi công hệ thống thoát nước, kiệt này đã giảm ngập nước khi có các trận mưa “cùng cấp” so với các năm trước đây. Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, kiệt này không còn bị ngập trong trận mưa lớn xảy ra vào ngày 5-11.
Cơ quan chức năng Q. Hải Châu hỗ trợ người dân ra khỏi vùng ngập sâu.
Nhưng cũng thêm nhiều điểm ngập mới
2 “điểm đen” ngập úng đã trở thành “điểm sáng” cho hiệu quả của việc triển khai các giải pháp mà Đà Nẵng đang thực hiện, nhưng có thể nói đây mới chỉ là những kết quả khiêm tốn khi bản đồ ngập lụt lại phát sinh những điểm mới. Đáng lo là một số điểm có xu hướng ngập sâu hơn. Trong khoảng thời gian từ 3 giờ đến 12 giờ ngày 5-11 vừa qua, trên địa bàn thành phố xuất hiện trận mưa có cường độ rất lớn, số liệu được ghi nhận ở tất cả 31/31 trạm đo mưa đều lớn hơn 100mm/9 giờ, cao nhất tại trạm đo P. Hòa Cường Nam (Q. Hải Châu) là 281.0mm... Ghi nhận tại các trạm đo khu vực trung tâm thành phố đều có cường độ mưa rất lớn, tuy chưa bằng trận mưa vào tháng 10-2022 nhưng cũng đã gây ngập úng nhiều khu vực. Qua rà soát, một số khu vực ngập sâu khoảng 1m như đường Nguyễn Trác (kiệt 640 đường Trưng Nữ Vương); một số khu vực ngập cục bộ thuộc các phường: Hòa Phát, Hòa An, Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây (Q. Cẩm Lệ) được xác định là do đang vướng mắc về đấu nối hạ tầng, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ.
Đối với các khu vực ngập sâu, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, trong đợt mưa vừa qua, khu vực đường Mẹ Suốt ngập khoảng 90cm. Đây là khu vực thấp trũng, có cao trình thấp hơn mực nước của kênh Hòa Mỹ trên 1m, hạ tầng kỹ thuật đầu tư không đồng bộ do người dân xây dựng nhà trái phép, cao trình xây dựng nhà quá thấp so với khu vực xung quanh. Để khắc phục tình trạng ngập tại khu vực này, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp: phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến cống thoát nước dọc đường Phùng Hưng nhằm thoát nhanh ra biển, giảm tải cho lưu sông Phú Lộc; triển khai dự án Cải tạo kênh Phú Lộc và lưu vực từ hồ Trung Nghĩa ra kênh Phú Lộc; cải tạo hệ thống kênh Hòa Mỹ, cầu Đa Cô về hướng kênh Phú Lộc và cống trên đường Phùng Hưng. Khu vực đường Nguyễn Trác (khu vực kiệt 640 đường Trưng Nữ Vương, Q. Hải Châu) lại tập trung nước từ hồ Ba Sen Vàng vào tuyến cống Tây Nam Hòa Cường, có địa hình thấp nhưng nhận lưu vực rất lớn từ sân bay. Việc vận hành của phai hồ điều tiết Ba Sen Vàng đã phát huy hết hiệu quả điều tiết của hồ và khả năng thoát nước của tuyến cống. Tuy nhiên, nước mưa trong sân bay quá lớn, nhanh, cường độ mưa quá lớn khoảng 75mm/h, nước đã tràn bờ hồ, chảy vào tuyến đường Nguyễn Trác gây ngập sâu. Đối với điểm ngập này, thành phố sẽ triển khai dự án thoát nước trong phạm vi sân bay Đà Nẵng. Dự án này sẽ phân lưu kết hợp hồ điều tiết trong sân bay, bổ sung cống cho phù hợp với thực trạng hệ thống thoát nước, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Trước mắt, vẫn duy trì vận hành linh hoạt cửa phai đã phát huy rất hiệu quả trong thời qua.
Công Khanh
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/da-nang-da-giai-bai-toan-ngap-ung-den-dau-post304937.html