Đà Nẵng đẩy mạnh thương mại điện tử tại chợ truyền thống

Đà Nẵng đẩy mạnh thương mại điện tử tại chợ truyền thống
18 giờ trướcBài gốc
Một phiên livestream bán hàng được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Xuân 2025 thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN TRÚC
Với mong muốn sản phẩm tiếp cận nhiều khách hàng hơn, chị Nguyễn Thị Minh Hiếu, tiểu thương quầy hàng chăn, ga, gối, nệm (chợ Đống Đa) đã sử dụng mạng xã hội facebook và ứng dụng thương mại điện tử để livestream bán hàng gần 2 năm qua. Nhờ đó, doanh số cửa hàng của chị được cải thiện và duy trì hoạt động ổn định. Theo chị Hiếu, người bán phải livestream và tương tác trên mạng xã hội thường xuyên, tích cực để trang cá nhân cũng như các sản phẩm được “viral” (lan tỏa).
Tuy nhiên chị cho rằng, khi khách đến quầy thấy chủ cửa hàng đang livestream thì sẽ ngại hỏi mua; do đó chị chỉ livestream khi rảnh và chủ yếu bán cho khách mua trực tiếp. “Mặt hàng chăn, ga, gối, đệm đóng gói gửi đi được tính phí vận chuyển cao, một bộ ga thường sẽ có phí vận chuyển từ 90.000-100.000 đồng. Khách hàng thường có tâm lý muốn miễn phí ship (vận chuyển), nhưng cửa hàng đã bán giá cạnh tranh trên thị trường mà tiếp tục miễn phí thì sẽ lỗ vốn, đây cũng là một hạn chế khi bán hàng qua mạng”, chị Hiếu chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Phương, tiểu thương quầy hàng đồ lưu niệm, đồ mỹ nghệ (chợ Hàn) cho biết, chị cùng nhiều tiểu thương ở chợ cũng đăng bài bán hàng trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử trong nhiều năm. Nhận thấy các sản phẩm đăng bán có nhiều lượt mua, chị Phương cũng tích cực tìm tòi, học hỏi để tạo các phiên livestream bán hàng. Theo chị Phương: “Nhiều người hiện nay thích mua hàng online vì tiện lợi, giá bán có nhiều ưu đãi. Nếu không theo kịp xu hướng mua sắm này thì chắc cửa hàng cũng sẽ khó tồn tại. Do đó, tôi và nhiều tiểu thương khác cũng triển khai việc chạy quảng cáo, quay và dựng video đăng tải trên nhiều nền tảng để quảng bá quầy hàng đến với nhiều người tiêu dùng hơn”.
Để thích nghi và phát triển, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đang từng bước kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong thời đại số hóa. Song, qua tìm hiểu, mức độ tiếp cận và hiệu quả mang lại sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố và vẫn còn một số khó khăn, thách thức mà tiểu thương phải đối mặt. Đơn cử, hiện tại hộ kinh doanh tại chợ truyền thống đa phần là những hộ kinh doanh lớn tuổi, hạn chế trong việc sử dụng điện thoại thông minh; các trang mạng xã hội cá nhân của hộ kinh doanh đều không có lượt tương tác hoặc lượt theo dõi cao.
Đặc biệt, một số tiểu thương không đủ vốn đầu tư vào việc xây dựng kênh bán hàng trực tuyến để quảng cáo, giao hàng hoặc duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Cũng theo các ban quản lý chợ và phòng kinh tế các quận, huyện, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của nền tảng bán hàng là những thách thức không dễ giải quyết; cùng với đó, các lô quầy tại chợ bố trí nhỏ sẽ không thuận tiện cho việc bán hàng và livestream…
Thời gian qua, Ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu triển khai nhiều phương thức hỗ trợ, hướng dẫn các tiểu thương trên địa bàn tiếp cận thông tin, cập nhập kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử cũng như livestream bán hàng.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Ban quản lý các chợ quận Liên Chiểu cho hay: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về lợi ích của thương mại điện tử để giúp tiểu thương từng bước mở rộng thị trường, tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí. Ban quản lý đã trang bị mã QR cho người tiêu dùng thực hiện thanh toán, đạt tỷ lệ 90% tiểu thương thực hiện; từ đây sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm. Ngoài ra, chợ cung cấp hạ tầng kỹ thuật với những điểm wi-fi miễn phí truy cập internet để tiểu thương dễ dàng quản lý đơn hàng…
Về phía Sở Công Thương, thời gian qua đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ nhằm thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố. Theo đó, Sàn thương mại điện tử thành phố Đà Nẵng (danangtrade.com.vn) tiếp tục được vận hành hiệu quả, đến nay đã có 1.948 doanh nghiệp với 2.738 sản phẩm/dịch vụ đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, việc sử dụng các phương thức thanh toán số, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt với mô hình Chợ 4.0 được nhân rộng trên địa bàn thành phố. Hiện đã có hơn 15.000 tiểu thương tại các chợ được trang bị mã QR với tổng số tiền giao dịch của tiểu thương trên 50 tỷ đồng; giao dịch thanh toán của khách hàng hơn 13 tỷ đồng.
Thời gian đến, sở tiếp tục triển khai các chương trình, giải pháp để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các hàng hóa, dịch vụ chủ lực của Đà Nẵng như đăng tải, xây dựng thông tin, hình ảnh, video quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, đặc trưng,… trên các nền tảng. Mặt khác, tổ chức lớp tập huấn về quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua hình thức livestream bán hàng trên tiktok hoặc các nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã; tập huấn về văn minh thương mại, ứng dụng chuyển đổi số và livestream bán hàng cho các tiểu thương…
Theo TRẦN TRÚC - MAI LY (Báo Đà Nẵng)
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/da-nang-day-manh-thuong-mai-dien-tu-tai-cho-truyen-thong-2370253.html