Thành phố Đà Nẵng vừa có đề nghị Bộ Chính trị liên quan đến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam.
Theo đó, thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị, chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và cần có tư duy, quan điểm vượt qua các quy định hiện nay để thể chế hóa tại Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam với các chế đặc thù, đột phá.
TP. Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch trên đường Võ Văn Kiệt để xây Trung tâm tài chính.
Theo đó, TP. Đà Nẵng đề nghị, áp dụng Luật thông lệ Anh để điều chỉnh các hoạt động tài chính, thương mại trong phạm vi Trung tâm tài chính. Cho phép thành viên trong Trung tâm tài chính được đầu tư, chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài khi thành viên trung tâm tài chính tuân thủ quy định chế độ báo cáo.
Bên cạnh đó, cho phép các cơ quan quản lý và giám sát Trung tâm tài chính được áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt.
TP. Đà Nẵng đề xuất cho phép thí điểm giao dịch trong Trung tâm tài chính các tài sản mã hóa, đồng tiền mã hóa phổ biến trên thị trường, vốn hóa lớn, tính thanh khoản cao; thí điểm giao dịch, thanh toán một số dịch vụ du lịch, thương mại bằng tiền mã hóa…
Theo TP. Đà Nẵng, như vậy sẽ giúp Trung tâm tài chính Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của tài chính thế giới và tạo được sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, thu hút nguồn lực qua Trung tâm tài chính…
Thành phố Đà Nẵng sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành Trung tâm tài chính khu vực. Đà Nẵng kết nối trực tiếp với 35 thành phố thuộc 11 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều trung tâm kinh tế - tài chính toàn cầu của khu vực châu Á thông qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Ngoài ra, có cảng Đà Nẵng hiện là cảng biển container lớn nhất miền Trung và bến Liên Chiểu được quy hoạch là cảng trung chuyển quốc tế, có thể tiếp nhận tàu đến 18.000 TEU (200.000 DWT).
Đà Nẵng cũng có tốc độ mạng băng rộng di động và cố định cao nhất cả nước, kết nối trạm cáp quang biển cập bờ với 2 tuyến cáp quang biển quốc tế SWM3 và APG).
Thành phố Đà Nẵng cũng được đánh giá cao về môi trường sống và kinh doanh, Thành phố có chất lượng môi trường không khí và ô nhiễm (AQI) ở mức tốt, đang dẫn đầu trong bảng xếp hạng Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI 2022). Đà Nẵng còn là một thành phố du lịch có danh tiếng trong khu vực.
Về vị trí xây dựng Trung tâm tài chính, TP. Đà Nẵng cho biết, đã đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần tại khu lõi gồm các Lô đất A12, A13, A14, A15 trên đường Võ Văn Kiệt và Lô đất A giáp đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt.
Đà Nẵng đã bố trí 2 quỹ đất sạch với diện tích lần lượt là 6,17ha và 9,7ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để thiết lập khu phức hợp, văn phòng, nghỉ dưỡng cao cấp và khu dịch vụ công nghệ tài chính nằm liền kề Khu Công viên phần mềm số 2.
Trong dài hạn, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tạo quỹ đất mới mở rộng thêm 62 ha để gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược và thu hút các nhà đầu tư khác vào Trung tâm tài chính Đà Nẵng…
Hoàng Anh