Đà Nẵng giữ vững vị thế là 'Thành phố thông minh Việt Nam 2024'

Đà Nẵng giữ vững vị thế là 'Thành phố thông minh Việt Nam 2024'
17 giờ trướcBài gốc
Giải thưởng chính của chương trình “Thành phố thông minh Việt Nam 2024” tiếp tục thuộc về thành phố Đà Nẵng.
Giải thưởng chính của chương trình bình chọn “Thành phố thông minh Việt Nam 2024” tiếp tục thuộc về thành phố Đà Nẵng. Địa phương này còn được vinh danh ở 3 hạng mục thành phần: Thành phố điều hành, quản lý thông minh; thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch. Đây là lần thứ 5 Đà Nẵng được vinh danh đơn vị xuất sắc trong xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa cho biết: “Các thành phố lớn, tiên phong trong xu hướng Smart City như Singapore, Amsterdam, Seoul… đều đang đầu tư mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia và 2 quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Các thành phố tiên phong tại Việt Nam như Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng cũng bắt đầu thực hiện theo xu hướng này"
Ông Khoa kỳ vọng những chính sách, phương thức, công nghệ sẽ được nhanh chóng đưa vào thực thi để các thành phố của Việt Nam nhanh chóng trở lên thông minh hơn, bền vững hơn, đem lại cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân”.
Đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của Châu Á. Đô thị hóa đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Việt Nam đang vươn mình trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà quản lý đang định hướng đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đät trên 50%, Số lượng đô thị từ 1.000 – 1.200 đô thị. Đến năm 2045, hệ thống đô thị có mức liên kết, thống nhất, có khả năng chống chịu, thích ứng cao và đặc biệt là xanh, hiện đại, thông minh.
Theo ban tổ chức, các tỉnh triển khai tốt đô thị thông minh qua mỗi năm đều có sự tiến bộ. Trong đó, Đà Nẵng luôn giữ vững vị trí tiên phong trong công cuộc xây dựng thành phố thông minh, tích cực, chủ động tham gia giải thưởng từ năm đầu tổ chức.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa trao giải cho đại diện các địa phương giành giải 'Thành phố thông minh Việt Nam 2024" - Ảnh VINASA
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng được ghi nhận về sự tiên phong đổi mới dịch vụ công và hạ tầng thông minh với danh hiệu Thành phố Dịch vụ Công thông minh; Thành phố Hạ tầng thông minh
Hà Nội đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Thành phố, đạt 99,99%. Mạng di động 4G và hạ tầng cáp quang đã triển khai đến 100% tại các xã/phường/thị trấn; tỷ lệ điện thoại thông minh đạt 90%; số thuê bao di động là băng rộng đạt tỷ lệ 121%. Về 5G, dự kiến đến hết năm 2024 các doanh nghiệp triển khai lắp đặt khoảng 2000 trạm 5G trên địa bàn Hà Nội.
Thành phố Hồ Chí Minh – đầu tàu kinh tế năng động của cả nước và Thành phố Thủ Đức, Thành phố Tây Ninh là những “ngôi sao đang lên” được vinh danh tại hạng mục: Thành phố Điều hành, quản lý thông minh (IOC). Đây là các thành phố đang không ngừng mở rộng hệ sinh thái đô thị thông minh, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phục vụ đời sống cho người dân.
Thành phố Cao Lãnh trong năm đầu tiên tham gia giải thưởng đã đạt danh hiệu Thành phố Giáo dục thông minh khi triển khai thành công nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số tới 100% cơ sở giáo dục. Thành phố Cao Lãnh cũng đạt tỷ lệ 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; trên 80% cuộc họp của Phòng GDĐT với các cơ sở giáo dục được tổ chức theo hình thức hội nghị trực tuyến.
Riêng thành phố Đà Nẵng, không chỉ dẫn đầu trong việc quản lý và điều hành thông minh với Trung tâm IOC với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình cao nhất cả nước đạt 95% (trung bình tỉnh thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh thành là 17%).
Đà Nẵng còn là hình mẫu trong quản lý mội trường thông minh với 36 trạm quan trắc kết nối trực tiếp đến thiết bị di động, hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất 33700 mét khối trên ngày đêm. Trong đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp với gần 9000 doanh nghiệp mới thành lập từ 2022-2023; tổ chức thành công Hội thảo quốc tế đầu tư mạo hiểm và thiên thần Đà Nẵng năm 2024 - DAVAS 2024, thu hút 30 dự án tham gia gọi vốn và kết nối 1:1 với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư.
Hạ Chi
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/da-nang-giu-vung-vi-the-la-thanh-pho-thong-minh-viet-nam-2024.htm