Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Ngày 9/7, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Ban Chỉ đạo 57) thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai -NQ/TW và Quyết định số 204-QĐ/TW trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 93 điểm cầu xã, phường, đặc khu trên toàn thành phố Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng chủ trì.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 57 thành phố Đà Nẵng, hiện nay tất cả nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Trung ương giao cho các cơ quan, địa phương được tổng hợp, báo cáo qua Hệ thống giám sát đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Văn phòng Trung ương Đảng (https://nq57.vn).
Nhiều đề xuất, kiến nghị của các xã vùng sâu, vùng xa của thành phố Đà Nẵng được tháo gỡ tại hội nghị, ngày 9/7. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Cụ thể, thành phố Đà Nẵng được giao 75 nhiệm vụ; đến nay đã hoàn thành 32 nhiệm vụ (tỷ lệ 42,7%), đang triển khai 43 nhiệm vụ, trong đó có 2 nhiệm vụ quá hạn (tỷ lệ 2,7%).
So với toàn quốc có 802 nhiệm vụ, đã hoàn thành 240 nhiệm vụ (tỷ lệ 29,9%), đang triển khai 562 nhiệm vụ, trong đó 135 nhiệm vụ quá hạn (tỷ lệ 16,8%); thành phố Đà Nẵng thuộc tốp 5 cơ quan, địa phương triển khai có tỷ lệ nhiệm vụ hoàn thành cao nhất cả nước.
Các nhiệm vụ tại các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 57 thành phố được cập nhật, theo dõi qua Phần mềm theo dõi tiến độ công việc Thành ủy Đà Nẵng tại địa chỉ https://tdcvtu.danang.gov.vn. Theo đó, tổng cộng 62 nhiệm vụ, đến nay đã hoàn thành 19 nhiệm vụ (tỷ lệ 30,6%), đang triển khai 43 nhiệm vụ, trong đó có 2 nhiệm vụ quá hạn (tỷ lệ 3,2%)
Tính đến nay, tổng số tài khoản định danh điện tử mức 2 đối với công dân thường trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được thu nhận là 732.449 tài khoản, trong đó đã kích hoạt là 703.574 tài khoản.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Về chỉnh lý, số hóa hồ sơ, tài liệu các cơ quan đảng tính đến nay, toàn Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã thực hiện chỉnh lý hoàn chỉnh 1.154/1.601 mét tài liệu (72%), đang chỉnh lý 381/1.601 mét tài liệu (24%), còn 66/1.601 mét chưa chỉnh lý (4%); đã số hóa 1.326.132/2.827.927 trang (47%), đang số hóa 546.045/2.827.927 trang (19%), còn 945.750/ 2.827.927 trang chưa số hóa (34%).
Về chuyển đổi số trong khối chính quyền, hiện Đà Nẵng xây dựng Trợ lý số DaNangAI dựa trên nền tảng công nghệ ChatGPT và đưa lên Cổng dịch vụ công thành phố, App DaNang Smart City để người dân sử dụng;
Các cơ quan, đơn vị triển khai sử dụng trợ lý số giải đáp văn bản pháp luật, phân cấp, phân quyền, thủ tục hành chính. Đến nay, tỷ lệ số hóa toàn thành phố đạt 60,5%, trong đó khối phường/xã đạt 92,7%; khối quận/huyện đạt 80,4%; khối sở, ngành đạt 14,7%.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hợp - Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng phát biểu thông tin thêm về việc khớp nối cơ sở dữ liệu, cấp con dấu cho các địa phương, đơn vị. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 57 thành phố Đà Nẵng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như hạ tầng hiện nay nhiều khu vực miền núi lõm sóng, trắng sóng, cơ sở hạ tầng khó khăn. Tiến độ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu còn chậm, nhất là cần phải hợp nhất, chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của thành phố Đà Nẵng (cũ) và tỉnh Quảng Nam.
Tiềm lực hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của thành phố còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang trong quá trình đầu tư phát triển. Trong khi nhiều phường, xã chưa đảm bảo các tiêu chí hoạt động theo quy định, thiếu nguồn nhân lực…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng ghi nhận, đánh giá cao một số kết quả nhất định trong triển khai các nghị quyết, quyết định của Trung ương và thành phố. Đặc biệt biểu dương các phường, xã đã đạt 100% theo 16 tiêu chí của Ban Chỉ đạo Trung ương; lưu ý các địa phương chưa đạt, cần sớm hoàn thành các tiêu chí còn lại theo quy định.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Quảng, chuyển đổi số là nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững, vì vậy, yêu cầu lãnh đạo các địa phương chủ động trong công tác triển khai, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền thì các đồng chí phải báo cáo, đề xuất bằng văn bản gửi lãnh đạo thành phố xem xét, giải quyết kịp thời.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố đồng hành trong việc triển khai, không thể để thực trạng một thành phố thông minh là lại thiếu thốn về các điều kiện trang thiết bị cho anh em trong quá trình triển khai công vụ.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai Phong trào "Bình dân học vụ số". Trước mắt triển khai ngay lớp học Nâng cao nhận thức về AI có chủ quyền, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết thế nào là AI và các giá trị ứng dụng của AI phục vụ vào công việc.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng lưu ý các địa phương tập trung hoàn thiện hạ tầng để bảm đảm thông suốt các hoạt động của chính quyền 2 cấp; đồng thời đối với các xã, phường vùng sâu, xa, khó khăn thường xuyên gặp các sự cố về cúp điện, đề nghị mua ngay máy phát điện dự phòng để bảo đảm không bị ngắt kết nối trong triển khai, điều hành công việc.
Người dân được hướng dẫn các bước khi làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Hòa Xuân (Ảnh: ANH ĐÀO)
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng khẳng định: Chuyển đổi số là nhiệm vụ mang tính trọng tâm, đột phá của quốc gia, trong đó thành phố Đà Nẵng xác định lấy chuyển đổi số làm nền tảng để phát triển bền vững. Vì vậy, đề nghị các cấp ủy đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu phải nhận thức được đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết tâm, quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất.
Đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Danh mục các chương trình, dự án sự nghiệp công nghệ thông tin năm 2025 với 55 dự án và tổng kinh phí 53,7 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết về danh mục chuẩn bị đầu tư kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2025 với 66 dự án và tổng vốn đầu tư dự kiến 2.348 tỷ đồng; đồng thời xúc tiến, huy động nguồn lực đầu tư xã hội với 5 dự án đã/chuẩn bị khởi công trong năm 2025 với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng.
ANH ĐÀO