Theo số liệu thống kê tính đến giữa tháng 7/2025, TP Đà Nẵng (mới) - sau khi hợp nhất hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng (cũ), đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Toàn thành phố đã xử lý xong 12.290/12.340 căn nhà tạm, đạt tỷ lệ 99,6%.
50 căn đang trong quá trình hoàn thiện, chủ yếu thuộc các hộ nghèo ở vùng núi xa xôi của Quảng Nam (cũ).
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đà Nẵng, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ số nhà còn lại trước ngày 15/8 - sớm hơn nửa tháng so với thời hạn trong Công điện 84 của Thủ tướng.
Trong số 50 căn đang thi công, có 4 căn thuộc hộ gia đình người có công được đặc biệt ưu tiên thi công, nhằm kịp bàn giao đúng dịp 27/7.
Lãnh đạo phường Ngũ Hành Sơn bàn giao nhà tình thương cho hộ khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Như Ý
Đồng lòng hợp lực
Trước khi sáp nhập, cả Quảng Nam và Đà Nẵng (cũ) đều đạt được những kết quả ấn tượng trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tại Quảng Nam, địa phương có số lượng nhà cần can thiệp lớn nhất miền Trung, tổng số nhà cần xử lý là 10.303 căn. Đến thời điểm sáp nhập, tỉnh đã hoàn thành 10.253 căn, đạt 99,51%.
Tổng nhu cầu kinh phí hơn 500 tỷ đồng, trong đó nguồn từ các nghị quyết của HĐND tỉnh chiếm 274,5 tỷ. Để tháo gỡ khó khăn tài chính, Quảng Nam chủ động vận động khoảng 100 tỷ từ các tổ chức, cá nhân; tạm ứng 25 tỷ từ ngân sách và ủy thác 50 tỷ qua Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân vay xây nhà.
Đặc biệt, mô hình “tổ đội xung kích tình nguyện” tại các xã miền núi đã phát huy hiệu quả rõ nét - hỗ trợ vận chuyển vật liệu, góp ngày công, sát cánh cùng chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ.
Lực lượng xung kích tình nguyện hỗ trợ xây nhà tại xã Đắc Pring. Ảnh: N.X
Tại Đà Nẵng (trước sáp nhập), chương trình được triển khai đồng bộ từ thành phố đến phường, xã. Tính đến tháng 6/2025, địa phương đã xóa 2.037 căn nhà tạm - về đích sớm hơn kế hoạch 2 tháng.
Tổng kinh phí thực hiện khoảng 82 tỷ đồng, gồm 53 tỷ từ ngân sách, 17 tỷ từ Quỹ Vì người nghèo và hơn 12 tỷ từ Quỹ Xóa nhà tạm. Ngoài ra, thành phố còn huy động được hơn 24 tỷ đồng từ xã hội hóa cùng 5.500 ngày công tình nguyện từ thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, dân quân và lực lượng vũ trang.
Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Cửa khẩu cảng Đà Nẵng giúp dân xóa nhà tạm. Ảnh: T.T
Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở các mức hỗ trợ cơ bản từ chương trình quốc gia (60 triệu đồng xây mới, 30 triệu đồng sửa chữa), Đà Nẵng còn áp dụng chính sách đặc thù: Hỗ trợ đến 100 triệu đồng cho hộ người có công, thân nhân liệt sĩ nếu xây mới nhà; 40 triệu nếu sửa chữa. Hộ nghèo được hỗ trợ 80 triệu đồng (xây mới) và 30 triệu đồng (sửa chữa).
Để tiết kiệm chi phí và bảo đảm chất lượng, Sở Xây dựng Đà Nẵng còn công bố bộ thiết kế nhà cấp 4 đạt chuẩn “3 cứng” (nền, tường, mái bê tông). Mặt trận Tổ quốc các cấp còn hỗ trợ vật dụng sinh hoạt thiết yếu, giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, nay là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (mới) cùng khởi công xây dựng nhà cho hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: N.X
Đáng chú ý, Đà Nẵng (cũ) đã hỗ trợ Quảng Nam 16 tỷ đồng để cùng hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm - thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự chuẩn bị nghiêm túc cho tiến trình hợp nhất.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tích cực đồng hành, góp phần hiện thực hóa những mái ấm kiên cố cho người dân. Gần đây nhất, ngày 18/7, Tập đoàn FVG đã trao tặng 600 triệu đồng để xây dựng 10 căn nhà cho các hộ khó khăn tại ba xã miền núi: Đức Phú, Sông Kôn và Bến Hiên...
Không ai bị bỏ lại phía sau
Niềm vui như vỡ òa với bà Nguyễn Thị Thạnh (thôn Tam Thạnh, xã Đức Phú) - một trong những hộ được hỗ trợ. Bà xúc động: “Sau 14 năm sống trong căn nhà cũ dột nát, nay được xây nhà mới là điều mà hai mẹ con tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới".
Những mái ấm vững chắc được dựng lên từ sự chung tay của cộng đồng và doanh nghiệp. Ảnh: N.X
Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một chương trình an sinh xã hội, mà còn là thước đo cụ thể cho sự quan tâm, trách nhiệm của chính quyền đối với người dân. Từ đồng bằng đến miền núi, từ phố thị đến bản làng, hàng chục nghìn hộ nghèo đã có được mái ấm kiên cố - nền tảng để an cư, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Ngay sau sáp nhập, TP Đà Nẵng (mới) đã duy trì sự liền mạch trong triển khai nhiệm vụ cấp thiết này. Các địa phương phối hợp đồng bộ, khẩn trương hoàn tất những phần việc còn lại. Nhân lực và vật tư được huy động tối đa nhằm bảo đảm tiến độ.
Nhiều hộ nghèo đã có nhà ở kiên cố nhờ sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Ảnh: N.X
Chỉ trong ít ngày tới, những căn nhà cuối cùng sẽ được bàn giao - không chỉ là thành tích về con số, mà là kết quả của sự đồng lòng: Từ chủ trương đúng đắn của Chính phủ, chỉ đạo quyết liệt của địa phương, đến những đóng góp thầm lặng của cộng đồng.
Bởi hơn cả một chính sách an sinh, xóa nhà tạm, nhà dột nát là khởi đầu cho một cuộc sống an cư - nền móng của một đô thị đáng sống, nơi không ai bị bỏ lại phía sau, nơi mỗi người dân đều có quyền sống trong một ngôi nhà an toàn, ấm áp và đầy hy vọng.
Hà Nam
Nguyễn Hiền