Đủ mánh khóe để moi tiền bệnh nhân…
Như Báo CAND đã thông tin ban đầu, vào ngày 15/7 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng là quản lý, nhân viên Phòng khám Đa khoa quốc tế Đà Nẵng (180 Trần Phú, phường Hải Châu, Đà Nẵng) về hành vi "Lừa dối khách hàng". Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam đối với: Trương Thị Hạ Liên, Nguyễn Thị Mỵ, Nguyễn Kim Hoàng Yến và Lê Thị Nhung; 3 đối tượng còn lại gồm Trương Thị Kim Lụa, Võ Thành Trung và Bùi Thị Thuận bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Phòng An ninh Chính trị nội bộ phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Cảnh sát cơ động Công an TP Đà Nẵng và các đơn vị nghiệp vụ của Sở Y tế kiểm tra tại Phòng khám đa khoa Miền Trung và Phòng khám đa khoa Hữu Nghị.
Theo kết quả điều tra bước đầu, Phòng khám này tuyển dụng nhiều nhân viên không có bằng cấp, không có chứng chỉ hành nghề y, thậm chí có người chưa tốt nghiệp phổ thông, nhưng vẫn bố trí những người này thăm khám, tư vấn, thực hiện thủ thuật y tế và kê y lệnh điều trị cho bệnh nhân. Để để đối phó với cơ quan chức năng chuyên ngành, phòng khám đã xác lập một lối đi riêng từ tầng trệt xuống tầng hầm để các bác sĩ rởm kịp tháo chạy, ẩn nấp khi có đoàn kiểm tra đến bất ngờ. Một vài bác sĩ hợp pháp (được thuê đứng tên trên giấy phép, nhưng hầu như không có mặt hàng ngày) sẽ được "điều động" khẩn cấp lên thay thế nhằm hợp thức hóa quy trình. Chính kịch bản này đã giúp phòng khám nhiều lần thoát "lưới" thanh tra, tiếp tục hoạt động trái phép trong thời gian dài.
Thủ đoạn tiếp theo của phòng khám là vẽ bệnh, kích giá để moi tiền bệnh nhân. Ban đầu, nạn nhân được tư vấn chi phí khám chữa bệnh chỉ từ 199.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi được thăm khám bởi các bác sĩ rởm, bệnh nhân được thông báo mắc các bệnh lý nghiêm trọng, phải điều trị theo các gói dịch vụ có giá từ 10 đến 50 triệu đồng. Nếu bệnh nhân tỏ ra nghi ngờ hoặc chọn gói rẻ, nhân viên phòng khám lập tức đe dọa biến chứng, cố tình gây đau, buộc họ chuyển sang gói dịch vụ đắt hơn. Kết quả điều tra ban đầu xác định, ít nhất 17 nạn nhân đã bị chiếm đoạt tổng cộng gần 376 triệu đồng theo thủ đoạn nêu trên.
Không chỉ vụ án trên, sau khi Báo CAND phản ánh, Công an TP Đà Nẵng xử lý nghiêm đối với các phòng khám: Hữu Nghị (291 Điện Biên Phủ) và Hữu Thọ (nay đổi tên thành Miền Trung - 280 Nguyễn Hữu Thọ). Dù đã bị xử phạt, thu hồi giấy phép, các cơ sở vẫn tráo tên, đổi pháp nhân để hoạt động trở lại, thuê bác sĩ Việt Nam làm bình phong, còn toàn bộ quy trình điều hành thực chất do các bác sĩ người Trung Quốc thao túng. Một số cơ sở dù bị tước giấy phép vẫn lén lút hoạt động bằng cách tráo người đại diện pháp lý, thuê bác sĩ có chứng chỉ làm bình phong, thực chất do người nước ngoài điều hành.
Cách nay chưa lâu, TAND TP Đà Nẵng cũng đã tuyên án 24 năm tù đối với 8 bị cáo trong vụ án phòng khám chuyên… vẽ bệnh, trong đó 2 đối tượng người Trung Quốc cầm đầu lãnh án 8 năm tù.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Ngày 22/7, lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng khẳng định: Không dung thứ cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng lĩnh vực y tế để trục lợi, xâm phạm sức khỏe cộng đồng. Chỉ đạo này được phát đi sau khi cơ quan Công an phát hiện và bóc gỡ một đường dây tổ chức khám chữa bệnh trái phép, núp bóng phòng khám tư nhân, có yếu tố tổ chức, xuyên quốc gia.
Cùng ngày, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động hành nghề của cơ sở khám chữa bệnh gửi UBND các xã, phường, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết đã ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng như: Sử dụng chứng chỉ hành nghề, văn bằng chuyên môn, chứng nhận đào tạo giả để hành nghề KBCB; hành nghề không có giấy phép; hoạt động vượt phạm vi cho phép; mạo danh bác sĩ để cung cấp dịch vụ KBCB… Một số cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp đã lợi dụng hình thức quảng cáo trên mạng xã hội để đánh lừa người bệnh, tổ chức thực hiện các kỹ thuật chuyên môn y tế khi chưa được cấp phép. Các hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến Y khoa, biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở Y tế TP Đà Nẵng yêu cầu các cơ sở KBCB, cá nhân hành nghề trên địa bàn thực hiện nghiêm Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Nghị định 96/2023/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan. Cụ thể, cơ sở KBCB chỉ được phép hoạt động khi đủ điều kiện theo quy định, được Sở Y tế hoặc Bộ Y tế phê duyệt về phạm vi kỹ thuật chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; Người hành nghề chỉ được thực hiện kỹ thuật phù hợp với chứng chỉ, giấy phép hành nghề và trong khung thời gian đăng ký hành nghề tại cơ sở; Rà soát toàn bộ hồ sơ hành nghề, bằng cấp, chứng chỉ của đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên.
Nếu phát hiện nghi vấn sử dụng giấy tờ giả, phải báo cáo ngay để kiểm tra, xác minh; Tăng cường quản lý việc hành nghề ngoài giờ của viên chức y tế công lập, không để xảy ra tình trạng "bác sĩ công" hành nghề tại các cơ sở không phép; Tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về quảng cáo, chỉ được quảng bá đúng phạm vi kỹ thuật và dịch vụ đã được phê duyệt.
Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng đã đề nghị UBND các xã, phường phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động KBCB, dịch vụ thẩm mỹ tại địa phương. Trong đó, chú trọng tuyên truyền để người dân chỉ lựa chọn dịch vụ tại các cơ sở KBCB có tên trong danh sách công bố chính thức tại https://opendata.danang.gov.vn. Khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cần kiểm soát chặt chẽ việc đặt tên cơ sở, tránh gây nhầm lẫn với cơ sở y tế đã được cấp phép; đồng thời yêu cầu chủ cơ sở cam kết thực hiện đúng quy định pháp luật về lĩnh vực hoạt động.
Tăng cường hậu kiểm sau cấp phép; công khai kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm để người dân biết và chủ động phòng tránh. Lực lượng chức năng địa phương được giao phối hợp với Công an và Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu hoạt động trái phép. Đặc biệt, cần kiên quyết xử lý các cơ sở núp bóng làm đẹp để thực hiện kỹ thuật y tế trái phép, quảng cáo sai lệch gây hiểu lầm, lôi kéo người bệnh.
Với tinh thần "ngăn chặn từ gốc, xử lý đến nơi", lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết sẽ tiếp tục cung cấp định kỳ dữ liệu về hệ thống cơ sở hành nghề KBCB cho các địa phương. Trên cơ sở đó, các xã, phường chủ động rà soát, xử lý các cơ sở không có giấy phép hoạt động, cơ sở ngừng hoạt động kéo dài, hoặc có người phụ trách chuyên môn đã mất nhưng chưa thực hiện thủ tục pháp lý với cơ quan quản lý. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, chính quyền địa phương và lực lượng Công an được xác định là yếu tố then chốt để xây dựng môi trường khám chữa bệnh an toàn, minh bạch, đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và từng bước lành mạnh hóa hoạt động hành nghề trong lĩnh vực y tế trên địa bàn.
Hoài Thu