Mới đây, tàu biển Noordam (quốc tịch Hà Lan) cập cảng Tiên Sa đã đưa 2.000 hành khách quốc tế đến tham quan Đà Nẵng. Đây là một trong những đoàn khách du lịch lớn đến từ châu Âu, châu Mỹ bằng đường biển.
Du thuyền tàu rồng sông Hàn với sức chứa 250 khách ăn tối hàng đêm. Ảnh: ĐN
Trong thời gian lưu lại TP, du khách sẽ trải nghiệm các tour ngắn như tham quan Công viên APEC, Bảo tàng Chăm, chợ Hàn, Khu di tích danh thắng quốc gia Ngũ Hành Sơn…
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Sở Du lịch TP đang tiếp tục phối hợp cùng các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng trong quy trình đón khách tàu biển, trong đó có việc bảo đảm môi trường du lịch, an ninh an toàn trong các thời điểm đón khách du lịch tàu biển, quy trình đón và phục vụ tàu biển đưa khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng.
Với sự hỗ trợ của các đơn vị Biên phòng thành phố và cảng Đà Nẵng, khi tàu cập cảng, các thủ tục nhập cảnh cho khách được thực hiện nhanh chóng, thân thiện, tạo điều kiện cho du khách đi tham quan, mua sắm.
Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trong dự thảo chương trình kích cầu thu hút khách năm 2024 có kế hoạch tổ chức tour thưởng trà ở đỉnh Bàn Cờ nằm trên bán đảo Sơn Trà. Đây là một sản phẩm mới lạ, cần thiết để thành phố khai thác tốt tiềm năng sẵn có nhằm thu hút phân khúc khách hạng sang.
Ngoài tour trên, trong kế hoạch xúc tiến thị trường khách quốc tế năm 2025, Sở Du lịch TP Đà Nẵng chú ý tới thị trường khách Ấn Độ. Đối tượng khách ở thị trường này chủ yếu ở phân khúc chất lượng cao gồm: khách du lịch MICE, du lịch cưới, nghỉ dưỡng biển.
Trong đó, phân khúc mới ở thị trường này được Đà Nẵng hướng tới là thanh niên, vợ chồng có 2 nguồn thu nhập nhưng không có con, khách du lịch nữ độc thân, du lịch chăm sóc sức khỏe. Vừa qua, Đà Nẵng đã khai thác trở lại đường bay trực tiếp đến Ấn Độ.
Thời gian qua, ngành Du lịch Đà Nẵng cùng cộng đồng doanh nghiệp cũng đang nỗ lực làm mới các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch tàu biển, với kỳ vọng dòng khách này sẽ có sự tăng trưởng bứt phá trong những năm tiếp theo.
Theo các doanh nghiệp khai thác khách du lịch tàu biển, một trong những sản phẩm được nhiều du khách lựa chọn là mua sắm tại chợ Hàn và trải nghiệm city tour (tham quan quanh thành phố) bằng xích lô.
Mỗi tour xích lô thường có thời gian từ 30-45 phút, sẽ đưa khách đi thưởng ngoạn, khám phá cuộc sống của người dân TP, đi qua một số điểm nổi bật của Đà Nẵng tại các tuyến đường trung tâm như sông Hàn, cầu Rồng, cầu Sông Hàn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Công viên vườn tượng APEC, chợ Hàn, Nhà thờ Chánh Tòa (nhà thờ Con Gà)…
Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch xích lô, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng đã tổ chức các khóa bồi dưỡng ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng ứng xử văn minh trong phục vụ du khách.
Nhờ vậy, một số tài xế có thể giao tiếp cơ bản, giới thiệu về các điểm du lịch trong hành trình tham quan của du khách…
Theo số liệu thống kê của ngành Du lịch Đà Nẵng, trong 10 tháng đầu năm 2024, TP đã đón 27 chuyến tàu biển với 32.550 lượt khách, tăng 5 chuyến và 14.450 lượt khách so với tổng số của cả năm 2023. Dự kiến năm 2024, TP sẽ đón hơn 40.000 lượt khách tàu biển đến tham quan, du lịch, tăng 120% so với năm 2023.
Thủy Tiên