Đà Nẵng mới có diện tích lớn nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Như Minh.
Nhiều tín hiệu vui
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, sau khi hợp nhất cùng tỉnh Quảng Nam trước đây để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất (hơn 11.859 km²), dân số hơn 3 triệu người, thành phố Đà Nẵng mới đã ngay lập tức triển khai hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1-7-2025 theo hướng tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực quản lý và đặt mục tiêu phục vụ nhân dân lên trên hết.
Trước ngày 1-7, thành phố Đà Nẵng đã cập nhật cơ sở dữ liệu hơn 2.000 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, phường, xã lên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm bảo đảm cho việc đồng bộ, liên thông, không gián đoạn thông tin, dữ liệu. Một đường dây nóng phục vụ tiếp nhận, giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính cho người dân đã được thiết lập.
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hải Châu hoạt động thông suốt, các vấn đề phát sinh được giải quyết kịp thời. Ảnh: Vũ Anh.
Đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hải Châu, bà Lê Thị Giao Chi nhận xét: Cán bộ hướng dẫn chu đáo, các thắc mắc được giải đáp kịp thời, công việc được triển khai nhanh...
Theo Chủ tịch UBND phường Hải Châu Nguyễn Văn Duy, với sự hướng dẫn từ Trung ương đến thành phố, phường Hải Châu đã tập huấn kỹ cho cán bộ, chuyên viên vận hành hệ thống. Các vị trí ở các khâu trong quy trình xử lý thủ tục hành chính cho người dân đã thành thạo, thuần thục, bước đầu đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trên toàn thành phố, ngành Bưu điện đã cử cán bộ hỗ trợ trực tiếp tại 94 Trung tâm phục vụ hành chính công, giúp quá trình giải quyết thủ tục diễn ra liên tục, hiệu quả. Tại nhiều xã, phường, có từ 5 đến 10 đoàn viên, thanh niên trong Tổ xung kích thường xuyên túc trực, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ.
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng phục vụ người dân. Ảnh: Anh Phương
Từ giữa tháng 7-2025, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thành phố bảo đảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận, trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi toàn thành phố kể từ ngày 1-9-2025; bảo đảm 100% thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận, trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi toàn thành phố kể từ ngày 1-11-2025. Tất cả nhằm mục tiêu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Nhận diện điểm vướng để tháo gỡ
Qua 20 ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại Đà Nẵng, khó khăn nổi bật là nhiều địa phương miền núi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, nhân lực… trong triển khai các thủ tục hành chính. Thông tin liên lạc một số nơi còn chưa thông suốt, ảnh hưởng đến quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Xã La Dêê còn thiếu cơ sở vật chất và nhân lực khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Phan Toàn
Đơn cử, xã La Dêê (thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũ) là xã biên giới với nước bạn Lào, cách trung tâm hành chính Đà Nẵng khoảng 130km, hiện là một trong những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất thành phố. Hiện, xã có 57 cán bộ, công chức, viên chức, nhưng còn khuyết 5 chức danh chủ chốt tại các phòng chuyên môn.
Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ hành chính công tại xã còn thiếu và yếu. Xã đang phải sử dụng tạm Nhà văn hóa làm Trung tâm phục vụ hành chính công, do trụ sở xã nhỏ hẹp. Hệ thống họp trực tuyến được đầu tư với hai điểm cầu đã kết nối thông suốt với thành phố, nhưng chất lượng đường truyền đôi lúc không ổn định...
Tại xã Trà Linh (cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 200km về phía Tây), UBND xã đang phải tận dụng toàn bộ thiết bị máy móc của hai bộ phận một cửa (xã Trà Nam và xã Trà Linh cũ) để thực hiện giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, dẫn tới chất lượng phục vụ chưa cao.
Đoàn viên, thanh niên xã Trà Linh hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Hồ Đấu.
Chủ tịch UBND xã Trà Linh Trịnh Minh Hải thông tin, Trung tâm phục vụ hành chính công mới chỉ có 2 công chức chuyên trách làm việc trực tiếp (1 Phó Giám đốc và 1 chuyên viên). Xã hiện không đủ quỹ phòng để bố trí cho các cơ quan, đơn vị của xã; nhiều cán bộ, công chức cùng làm việc trong phòng với diện tích nhỏ, tận dụng hội trường để làm việc. Phòng họp trực tuyến, địa điểm tiếp công dân vẫn chưa được bố trí…
Tại nhiều địa phương miền núi khác của thành phố Đà Nẵng, sóng 4G vẫn chưa phủ tới, khiến thông tin liên lạc nhiều lúc khó khăn, đứt đoạn. Hạ tầng giao thông nhiều nơi còn yếu, di chuyển khó khăn...
Đà Nẵng nỗ lực xây dựng bộ máy hành chính tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: Minh Thanh.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, thành phố không né tránh thực tế mà nhìn thẳng vào những tồn tại, khó khăn và bắt tay hành động. Đà Nẵng xác định các cấp chính quyền không được từ chối người dân bất cứ điều gì. Địa phương đã, đang và sẽ tập trung cao nhất để hoàn thiện và nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, bảo đảm phục vụ người dân chu đáo và phát huy hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Nhóm phóng viên