Một nhà máy điện rác đang vận hành. Ảnh: Hoàng Anh.
Sở Nông nghiệp và môi trường TP. Đà Nẵng có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm, đăng ký thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.000 tấn/ngày. Dự án sẽ được thực hiện tại khu liên hợp xử lý rác thải rắn, bãi rác Khánh Sơn, theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
Nhà máy xử lý rác theo hình thức phát điện, với công suất phát điện đạt 20MW trên diện tích đất là gần 54 nghìn m2.
Dự kiến, hình thức hợp đồng PPP được lựa chọn sẽ là xây dựng – thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT), với tổng mức đầu tư lhơn 2.777 tỷ đồng, do nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp từ vốn chủ sở hữu, không sử dụng vốn nhà nước.
TP. Đà Nẵng sẽ bố trí ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng cung cấp dịch vụ xử lý rác, căn cứu vào khối lượng rác thực tế và đơn giá được quy định trong hợp đồng, dự kiến ở mức 19,5USD/tấn.
Thời gian thực hiện đầu tư dự án từ nay đến năm 2028, sau đó được nhà đầu tư vận hành trong 25 năm, không bao gồm hời gian hoàn tất các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư và xây dựng công trình.
Được biết, dự án xử lý rác phát điện với công suất 20MW điện và 1.000 tấn rác/ngày đã được Đà Nẵng thông qua chủ trương đầu tư từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, chính quyền Đà Nẵng đã bãi bỏ chủ trương đầu tư này do không đảm bảo một số yêu cầu.
Trong khi đó, một dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn được khởi công từ đầu năm 2025 với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng, công suất 650 tấn rác/ngày và 18MW điện.
Tuy nhiên dự án xuất hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường, dẫn đến chỉ huy trưởng công trình cùng hai cấp dưới bị khởi tố.
Điện rác là một trong những loại hình năng lượng được khuyến khích tại quy hoạch điện VIII, với ưu điểm là vừa xử lý chất thải rắn, vừa tận dụng được nguồn năng lượng sạch. Theo quy hoạch được điều chỉnh mới nhất, tổng công suất điện rác của Việt Nam sẽ đạt từ 1.444 – 2.137 MW đến năm 2030.
Hoàng Đông