Đà Nẵng nhìn từ... Thơ

Đà Nẵng nhìn từ... Thơ
15 giờ trướcBài gốc
Hạnh phúc (ảnh Lê Minh Tấn)
Từ tiếng gọi thiêng liêng trong chiến tranh “Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con/ Như người yêu gọi người yêu xa cách” (Thu Bồn - Đà Nẵng gọi ta), nhiều nhà thơ đã hồ hởi viết về không khí náo nức niềm vui ngày giải phóng tháng Ba năm 1975 của thành phố. Nhà thơ Hoàng Tư Thiện gọi đó là “Thành phố tháng Ba” lừng lững “bầu trời thành phố mênh mông” với những câu thơ tuyệt hay, đẹp đẽ, sâu lắng và tràn ngập cảm xúc về Đà Nẵng quê hương: “Tháng ba tháng ba/ Ơi tháng ba/ Khi con tu hú gọi mùa rôm rả/ Những tấm lưới sãi lòng mình quanh Bến Đá/ Cá khơi luồng tấp nập bãi Thanh Khê... / Từ chiếc nôi nhỏ của một thời tấm bé/ Đến bầu trời thành phố mênh mông”... Đà Nẵng đã kiên cường vượt qua một giai đoạn chiến tranh đau thương với những tấm gương chiến đấu bất khuất mà biểu tượng chói ngời là sự hy sinh dũng cảm của Mẹ Nhu Lê Thị Dãnh và 7 dũng sĩ Thanh Khê: “Thành phố như một cánh buồm/Bàn tay Mẹ vẫy về phương mặt trời... Lắng trong gió biển con nghe/ Tiếng ngàn năm, Mẹ Thanh Khê thì thầm...” như nhà thơ Đông Trình đã xúc động ca ngợi trong Trường ca “Từ chiếc tao đời mẹ ru”.
Các nhà thơ Đà Nẵng luôn yêu mến, gắn bó với đất và người Đà Nẵng và hầu hết đều có những trang viết sâu đậm ân tình, phóng khoáng đẹp đẽ và cũng không ít những trở trăn suy nghĩ về Đà Nẵng, đặc biệt dành một tình yêu lớn lao với biển, với huyện đảo Hoàng Sa đang bị xâm chiếm.
Những ngày đầu hòa bình xây dựng, nhà thơ Lưu Trùng Dương đã cất lên “Bài ca Đà Nẵng” khi Quảng trường 29 Tháng Ba bắt đầu hình thành từ một bãi rác khổng lồ “Đất dưới chân anh, đất đau thương, đất anh hùng... Bây giờ thành một vườn hoa” (Giữa Công viên 29/3). Ngân Vịnh gọi tên “Đà Nẵng mến yêu” như để thấu tỏ lòng: “Nơi đây không sinh ra tôi/ Vẫn để cho lòng tôi thấu tỏ”. Thu Bồn nhìn dòng sông Hàn thật lạ khi “Qua quê mẹ”: “Sông cứ chảy vòng quanh sông bỗng hóa sông Hàn”. Thanh Quế bồi hồi bên “Mé biển chỗ ta ngồi” nghĩ về một “Đà Nẵng - người lính đi đầu” với những dòng trường ca hùng tráng ca ngợi cuộc chiến đấu những ngày đầu quân dân Đà Nẵng chống thực dân Pháp xâm lược. Bùi Công Minh gợi tên “Sông Hàn tuổi 18” với mơ ước sớm có một cây cầu bắc nhịp đôi bờ, điều không lâu sau đó sẽ trở thành hiện thực: “Rồi một ngày nhịp cầu mới sẽ bắc qua/ Đường Bạch Đằng sóng đôi cùng sông Hàn tình tự”. Nguyễn Nhã Tiên vừa hùng tráng viết “Sử thi Sông Hàn”: “Có một sông Hàn ngày ngày ra biển/ Lại trăm sông Hàn chảy thấm vào thơ” vừa dịu dàng rưng rưng “Nghe em hát bên bờ sông Cổ Cò”. Phan Hoàng Phương suy tư chiêm nghiệm khi xao xuyến về “Quê người” Đà Nẵng: “Thành phố nhỏ vẫn chật căng sóng nước/ ngày vẫn qua tươi mới một vầng trăng/ nhớ gương mặt bồn chồn theo năm tháng/ nhớ mùa sen chụm lại những yêu thương”. Đinh Thị Như Thúy tinh tế với “Chùm thơ viết bên dãy núi Răng Cưa” sau những “Ban mai đi dọc sông Hàn” đón “Ngọn gió ăm ắp ánh mặt trời”. Bùi Xuân “cảm nhận Đà Nẵng những lúc đi xa” khi “em nhìn tôi đôi mắt Tiên Sa”. Nguyễn Ngọc Hạnh chiêm nghiệm một “Đà Nẵng khác” se lòng, trinh bạch dịu dàng bước ra từ cổ tích như một “Bài thơ trên cao” từ đỉnh Bà Nà: “Đà Nẵng nơi này thức cùng tôi/ Để tường tận về một Đà Nẵng khác/ Trăng Bà Nà mong manh trôi dạt/ Giữa rừng sao lấp lánh sông Hàn”. Nguyễn Minh Hùng nhìn thành phố về phía biển đảo với “Những quả trứng nở ra” từ truyền thuyết linh thiêng nên “tình yêu nào ở đây cũng hóa thành tình yêu Tổ quốc”. Nguyễn Kim Huy có “Đêm Hàn giang” “Hàn giang đêm, em và anh/ Hai bờ ngoảnh mặt cho mình lứa đôi”. Hồ Sĩ Bình rót chén khuya dâu bể tìm tri âm cùng “Sóng sông Hàn” “chén khuya ta rót vào dâu bể/ người có cùng ta một tấc lòng”. Nguyễn Nho Khiêm gởi tình yêu phố vào “Bài thơ tình gởi em gái nhỏ Thanh Khê: “Cả một chiều ươm đầy thương mến/ Biển Thanh Khê tròn phố và núi vây quanh.”... Mai Hữu Phước tha thiết “Mời em về thăm phố biển”: “Cùng anh một lần ngắm biển Thanh Bình, Mỹ Khê, Non Nước”. Trần Trình Lãm “Chạm phải Hòa Bắc” nghe “Tay em mềm dòng Cu Đê chạm phải lòng anh lắng lại”. Nguyễn Đức Nam ngỡ ngàng nhận ra “Đà Nẵng” mới lạ từng ngày: “Bao lần ngỡ ngàng trước con đường ngày ngày tôi qua/ ngỡ ngàng đầm lầy, bãi hoang bỗng thênh thang phố mới/thành phố rộng dài, lòng người cởi mở/ sắc thu thấm dần tim tôi”. Lê Hưng Tiến nhìn Đà Nẵng một cách nhìn khác: “Thành phố không thành phố”: “Thành phố biết ưu tư hơn/ Thành phố biết làm mình thay đổi hơn cái khác biệt thay đổi.”. Nguyễn Đông Nhật nhận ra người Đà Nẵng từ đôi mắt, giọng nói, từ “Đôi mắt quê hương”: “một câu nói thoáng nghe giữa chốn đông người, lẫn trong nhiều giọng khác... Tất cả những gì xao xuyến trong tôi/ rung lên bằng tiếng nói lâu bền, giản dị”. Bách Mỵ cũng cảm thấu giọng Đà Nẵng ấy, đậm đà dễ say như đặc sản thuốc lá Cẩm Lệ trong một “Chiều Phong Lệ” khi “Giọng của những người trai xứ Quảng/ Trầm vang tiếng nước xuống đồng xa”. Phụng Lam phác họa nét đẹp phố mới trong hồn quê kiểng qua hình ảnh “Khúc lưu vong của bầy chim sẻ”: “Bay về đậu mái phố chóp lầu/ thả lời vui hàng cây đường hẻm nhỏ”. Nguyễn Minh Khôi “Gởi người vẽ thành Điện Hải” lời nhắn nhủ tâm huyết đừng bao giờ quên lịch sử giữ nước oanh liệt đầy máu của cha anh: “Nếu có thể vắt khô từng viên gạch/ Anh sẽ thấy rất nhiều giọt máu/ Nếu có thể đem soi từng tấc đất/ Anh sẽ thấy hiện lên hàng vạn dấu chân người”. Bùi Văn Tiếng đau đáu bi hùng hướng về “Hoàng Sa”: “Và Hoàng Sa của tôi ơi/ Chân mây sáng quắc như lời thanh gươm!”...
Người Quảng, người Đà Nẵng xa quê càng nhìn quê hương với tất cả lòng nhớ thương tự hào tha thiết: “Mây lãng đãng qua rừng buông cánh thấp/ Choàng áo màu tuyết nhẹ xuống hàng cây” (Tường Linh - Mây sớm Hải Vân), “thành lục diệp điểm tô vùng cẩm thạch/ cho đẹp thêm một Đà Nẵng mến yêu...” - (Trinh Đường - Bên vú đá Ngũ Hành Sơn)...
Và nhiều thi sĩ xưa nay, từ minh quân Lê Thánh Tông đến vua Minh Mạng, Chu thần Cao Bá Quát, Phạm Hầu, Khương Hữu Dụng và các nhà thơ hiện đại từ mọi miền đất nước cũng đã rất say đắm đề thi cùng đất thơ Đà Nẵng...
Nhưng, dường như Đà Nẵng đẹp tươi thơ mộng vẫn còn đang chờ những bài thơ, những trường ca đỉnh cao xứng với tầm vóc, tinh thần, vẻ đẹp Đà Nẵng...
Đà Nẵng tháng 11 năm 2024
NGUYỄN KIM HUY
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/da-nang-nhin-tu-tho-post308003.html