Đã Nẵng: Nửa thế kỷ đồng hành cùng dân tộc

Đã Nẵng: Nửa thế kỷ đồng hành cùng dân tộc
3 ngày trướcBài gốc
TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao...
Đà Nẵng sau giải phóng đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”: vừa tiếp quản thành công toàn bộ lãnh thổ Đà Nẵng trên đất liền, vừa tiếp tục phát huy ưu thế của một căn cứ quân sự lớn được tiếp quản gần như nguyên vẹn từ tay đối phương để trở thành nơi xuất kích của quân đội cách mạng trong cuộc hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn. Trong đó, đáng chú ý là cuộc xuất kích từ cảng biển Đà Nẵng để giải phóng quần đảo Trường Sa - được xem là “mũi tiến công thứ sáu” của cánh quân trên biển trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, với kết quả là đã kịp thời giải phóng Trường Sa trước khi giải phóng Sài Gòn.
Đáng chú ý nữa là cuộc xuất kích từ sân bay Đà Nẵng để ném bom sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều ngày 28/4/1975, tạo thành “mũi tiến công thứ bảy” của cánh quân trên không, để cùng với “mũi tiến công thứ sáu” của cánh quân trên biển và 5 cánh quân trên bộ như 5 mũi tiến công vây chặt Sài Gòn, góp phần kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với hình ảnh lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc lập.
*
Từ ngày Nam - Bắc sum họp một nhà, Đà Nẵng tiếp tục đồng hành cùng dân tộc với nhiều đổi thay đáng kể. Trong đó, thay đổi dễ nhận ra nhất là địa giới hành chính, nhất là đối với địa bàn huyện Hòa Vang.
Từ chỗ có 16 xã, gồm Hòa Châu, Hòa Khánh, Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Minh, Hòa Nhơn, Hòa Phát, Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Quý, Hòa Sơn, Hòa Thọ, Hòa Tiến, Hòa Xuân, Hòa Hải, Hòa Hiệp - bao gồm cả hòn Sơn Trà Con thuộc xã Hòa Hiệp và quần đảo Hoàng Sa vẫn thuộc xã Hòa Hải chưa được nâng cấp thành huyện đảo, đến năm 1981, Hòa Vang có 18 xã (do xã Hòa Liên được chia thành xã Hòa Bắc và xã Hòa Liên; xã Hòa Sơn được chia thành xã Hòa Sơn và xã Hòa Ninh).
Thế mạnh nổi trội nhất của Đà Nẵng trong nửa thế kỷ đồng hành cùng dân tộc vẫn nằm ở bản thân con người Đà Nẵng với
“thương hiệu nụ cười”.
Năm 1982, quần đảo Hoàng Sa thuộc huyện Hòa Vang được nâng cấp thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến năm 1986, Hòa Vang có 19 xã (do xã Hòa Phong được chia thành xã Hòa Phong và xã Hòa Phú).
Khi thành phố tỉnh lỵ Đà Nẵng và huyện Hòa Vang cùng huyện đảo Hoàng Sa được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997, huyện Hòa Vang được điều chỉnh địa giới hành chính: tách 2 xã Hòa Hải và Hòa Quý để góp phần thành lập quận Ngũ Hành Sơn; tách 3 xã Hòa Hiệp, Hòa Khánh và Hòa Minh để thành lập quận Liên Chiểu. Đến năm 2005, tiếp tục tách 3 xã Hòa Phát, Hòa Thọ và Hòa Xuân để góp phần thành lập quận Cẩm Lệ, theo đó, huyện Hòa Vang chỉ còn 11 xã như hiện nay.
Một thay đổi nữa cũng rất dễ nhận ra ở Đà Nẵng trong nửa thế kỷ qua là diện mạo đô thị. Đà Nẵng đã quyết tâm “quay ra biển”, biến một số con đường ven Biển Đông và ven vịnh Đà Nẵng thành bao lơn ngắm biển, thành những “vọng hải đài dưới đất”. Có lẽ, đây là đổi thay rõ nét nhất của diện mạo đô thị Đà Nẵng khoảng hơn 2 thập niên trở lại đây, khởi đầu từ việc hình thành 2 tuyến đường Liên Chiểu - Thuận Phước (nay là đường Nguyễn Tất Thành) và Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa).
Diện mạo đô thị Đà Nẵng cũng thay đổi đáng kể dọc theo các bờ sông, mà rõ nhất là bờ sông Hàn và bờ sông Cẩm Lệ. Ở đây, người Đà Nẵng ngày nay cũng không ngừng hướng ra sông để tạo thêm ngày càng nhiều những “vọng giang đài dưới đất”. Trên các dòng sông, trong một phần tư thế kỷ qua, nhiều cây cầu lần lượt được xây dựng, nối liền hai bờ, góp phần tạo nên thương hiệu “Đà Nẵng - thành phố của những cây cầu”. Diện mạo đô thị Đà Nẵng còn thay đổi đáng kể dọc theo hàng ngàn đường phố - đường qua cầu, đường ven biển, đường ven sông, đường ven đô và đường nội thành.
Đặc biệt, sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng tiếp tục vươn mình ngoạn mục qua một số động thái nổi bật của các cấp có thẩm quyền.
Đầu tiên, là việc phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Phan Diễn giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từ năm 2000 đến năm 2002.
Thứ hai, vào năm 2003, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến năm 2019, Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ ba, cũng vào năm 2003, Đà Nẵng được công nhận đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách các đô thị loại I.
Thứ tư, là chủ trương cho Đà Nẵng cùng 9 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường từ năm 2008. Sau 4 năm từ khi dừng việc thí điểm này vào giữa năm 2016, cùng với Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng, Đà Nẵng tiếp tục được chọn thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Đến đầu năm 2025, Đà Nẵng được chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị (sau TP.HCM và cùng thời điểm với Hà Nội).
Nửa thế kỷ Đà Nẵng đồng hành cùng dân tộc cũng được thể hiện qua nhiều dấu ấn trong công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa giàu bản sắc. Tuy chưa có di sản văn hóa được vinh danh ở tầm cỡ thế giới như Huế và Hội An, nhưng Đà Nẵng cũng sở hữu rất nhiều “độc bản”.
Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn nằm sát Biển Đông với tấm bia đá Vọng hải đài và toàn bộ ma nhai trên vách núi - được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2022 - là một ví dụ. Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà trưng bày Hoàng Sa, bãi biển Mỹ Khê quyến rũ nhất hành tinh, Lễ hội Pháo hoa quốc tế là một số ví dụ khác…
Đó là một số thế mạnh mà trong những năm qua, Đà Nẵng đã tập trung phát huy nhằm khẳng định thương hiệu của thành phố bên sông Hàn. Đương nhiên, thế mạnh nổi trội nhất của Đà Nẵng trong nửa thế kỷ đồng hành cùng dân tộc vẫn nằm ở bản thân con người Đà Nẵng với “thương hiệu nụ cười” .
*
Một thay đổi khác cũng rất đáng kể của Đà Nẵng trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là năng lực hội nhập quốc tế ngày càng được thừa nhận.
Về vận tải đường hàng không, sân bay quốc tế Đà Nẵng được xem là sân bay quốc tế lớn thứ ba của đất nước (sau sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất). Về vận tải đường biển, cảng Đà Nẵng đã chuyển mình thành cảng biển lớn nhất miền Trung và đang đóng vai trò là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) - cũng là mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết vùng.
Năng lực hội nhập quốc tế đặc biệt được bộc lộ khi Thành phố được tham gia tổ chức các sự kiện ngoại giao quan trọng của đất nước. Khi Hà Nội trở thành nơi đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2006, cùng với Hội An, Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ ba (SOM III). Đây cũng là tiền đề để một lần nữa Đà Nẵng được chọn và được giao giữ vị trí trung tâm khi Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Năng lực hội nhập quốc tế của Đà Nẵng còn được thừa nhận thông qua chủ trương cho Đà Nẵng được thành lập Khu thương mại tự do và Trung tâm Tài chính khu vực từ năm 2025, tạo điều kiện để Đà Nẵng tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.n
(*) Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP. Đà Nẵng
Bùi Văn Tiếng (*)
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/da-nang-nua-the-ky-dong-hanh-cung-dan-toc-d259749.html