Đà Nẵng quan tâm đào tạo nghề cho đối tượng chính sách

Đà Nẵng quan tâm đào tạo nghề cho đối tượng chính sách
9 giờ trướcBài gốc
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thành phố về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, địa phương, đơn vị từ thành phố đến cơ sở theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, hướng dẫn số 167-HD/BTGTW và kế hoạch này phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, địa phương, đơn vị mình.
Nhiều lao động của Đà Nẵng được đào tạo nghề thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo. Ảnh: Thu Cúc
Trong đó, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của thành phố và Kế hoạch số 244-KH/TU ngày 24.9.2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 37-CT/TW đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chú trọng rà soát, bổ sung các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 37-CT/TW và các văn bản liên quan, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề và trình độ sản xuất tại khu vực nông thôn; quảng bá, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả và điển hình tốt sau học nghề.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, sửa đổi, cập nhật bổ sung nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế từng địa phương; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đào tạo nghề; chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cho lao động nông thôn; chú trọng đào tạo thực hành cho lao động nông thôn, nhất là từ thực tiễn sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo.
Tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát huy tính chủ động của người học, gắn kết đào tạo nghề với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở nông thôn.
Đổi mới công tác hướng nghiệp, thực hiện tốt phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn nghề; tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa khu vực nông thôn. Triển khai thực hiện tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với người học và tình hình thực tiễn tại địa phương.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân; phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế của địa phương. Nghiên cứu, triển khai chương trình, ban hành chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030 gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Triển khai chính sách đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể khu vực nông thôn; các chương trình, đề án đào tạo, đào tạo lại phục vụ chuyển đổi nghề cho người dân do biến đổi khí hậu, tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề và trình độ sản xuất tại khu vực nông thôn.
Thành ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về đào tạo nghề; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn. Tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất quy mô lớn.
Triển khai các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động; chính sách trong phát triển nhân lực, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế; chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, nhất là lao động trong các khu công nghiệp, bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khỏe có nhu cầu tham gia thị trường lao động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động sự tham gia, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tập trung triển khai các chương trình, chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người mất đất sản xuất do ảnh hưởng của các dự án. Đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề, khuyến khích vừa tổ chức học nghề kết hợp học văn hóa phổ thông để nâng cao kiến thức văn hóa và kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động.
Nghiên cứu, tham gia ý kiến hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm sau học nghề. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có chất lượng; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, các nghệ nhân, doanh nhân, người sản xuất giỏi, lao động có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề.
Thành ủy đề nghị Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân thành phố chỉ đạo nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường giám sát, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW và kế hoạch này...
Dương Lê
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/da-nang-quan-tam-dao-tao-nghe-cho-doi-tuong-chinh-sach-post396371.html