Khai thác tiềm năng sông, biển để phát triển du lịch
Theo quyết định do ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký ban hành, phương án tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước nhằm phát huy tiềm năng của biển và sông Hàn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phục vụ người dân và thu hút du khách. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh – quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước được quy hoạch theo hướng đảm bảo tuân thủ pháp luật, không gây ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quốc phòng, bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát chặt chẽ các loại phương tiện, phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời. Tất cả nhằm hạn chế rủi ro cho du khách và giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ sinh thái biển và sông.
Người dân và du khách tắm biển tại thành phố Đà Nẵng.
Phạm vi điều chỉnh phương án bao gồm toàn bộ khu vực biển ven bờ – từ tuyến Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, đường Nguyễn Tất Thành, khu vực đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà – đến vùng nước từ cầu Sông Hàn đến cầu Trần Thị Lý.
Theo đó, các khu vực được phân định rõ ràng giữa vùng tắm biển và vùng dành cho các phương tiện vui chơi dưới nước.
Dọc tuyến Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, có 4 phân khu (V1 đến V4) với tổng diện tích gần 1.000 ha, cho phép triển khai cả phương tiện có động cơ (mô tô nước, ca nô kéo dù, flyboard...) và không động cơ (SUP, kayak, lướt ván...).
Tuyến biển Nguyễn Tất Thành gồm hai phân khu (V5, V6), trong đó khuyến nghị sử dụng các phương tiện có và không động cơ, trừ khu vực ghềnh Nam Ô không tổ chức hoạt động có động cơ để bảo tồn cảnh quan tự nhiên.
Khu vực biển đèo Hải Vân với ba khu (V7 đến V9), trong đó có các vị trí tiềm năng như Làng Vân, Súng Cỏ, Mã Đà... sẽ được triển khai sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Bán đảo Sơn Trà được chia làm 5 khu (V10 đến V14), đặc biệt lưu ý đến các vùng rạn san hô như Bãi Bụt, Bãi Nơm để tổ chức các hoạt động lặn ngắm, nhưng giới hạn tối đa các phương tiện gây ảnh hưởng môi trường.
Ca nô kéo dù được quy hoạch phát triển dọc tuyến Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa.
Vùng sông Hàn từ cầu Sông Hàn đến cầu Trần Thị Lý sẽ ưu tiên các phương tiện không động cơ như chèo SUP, kayak. Các hoạt động có động cơ chỉ được phép tổ chức trong dịp lễ hội, sự kiện lớn khi có sự cho phép của cấp có thẩm quyền.
Đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường, và kiểm soát chặt chẽ
UBND thành phố nhấn mạnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, đảm bảo an toàn cho du khách, bảo vệ môi trường biển và phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại các khu vực biển ven bờ và sông Hàn được thành phố Đà Nẵng quy hoạch rõ ràng.
Các doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, mua bảo hiểm cho khách, ký cam kết trách nhiệm và duy trì ứng xử văn minh, chuyên nghiệp trong quá trình phục vụ.
Phương án tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước được áp dụng từ năm 2025 đến 2030. UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì thực hiện, phối hợp các cơ quan liên quan như Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà, các quận huyện để hướng dẫn, kiểm tra, cấp phép hoạt động.
Tùy vào thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp, người dân và du khách, phương án sẽ được cập nhật, bổ sung phù hợp. Kinh phí triển khai sẽ được phân bổ theo dự toán hàng năm.
Việc quy hoạch bài bản hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước là điều cần thiết trong chiến lược phát triển du lịch biển và đô thị sông nước của Đà Nẵng.
Với quy định rõ ràng, lộ trình cụ thể, thành phố kỳ vọng sẽ tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thân thiện với môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách.
Nguyễn Duy Cường