Đà Nẵng, sau 50 năm giải phóng

Đà Nẵng, sau 50 năm giải phóng
8 giờ trướcBài gốc
Khi còn là đô thị cấp 3, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với cơ sở hạ tầng thấp kém. Ven sông Hàn là nơi sinh sống của nhiều tầng lớp dân cư, với những ngôi “nhà chồ” tạm bợ. Cuộc sống người dân bấp bênh theo những chiếc đò ngang. Nối đôi bờ sông Hàn, ngoài những chuyến phà chỉ có 2 cây cầu Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý đã xuống cấp trầm trọng. Dọc bờ biển từ Non Nước đến cảng Tiên Sa còn hoang sơ, vắng vẻ...
Trong bối cảnh khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng không ngừng nỗ lực vươn lên bằng ý chí quyết tâm và khát vọng phát triển. Nhờ sự lãnh đạo sâu sát của Trung ương, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, sự giúp đỡ của các địa phương cùng sự hợp tác của các tổ chức nước ngoài, Đà Nẵng nhanh chóng tái thiết và xây dựng thành phố. Trong gian khó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân TP Đà Nẵng cùng cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy truyền thống cách mạng anh dũng, kiên cường, đoàn kết, bản lĩnh, với những cách làm sáng tạo, nhờ đó đạt được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: Kinh tế TP Đà Nẵng tăng trưởng khá qua các năm; tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 9%/năm; so với năm 1997, quy mô nền kinh tế tăng khoảng hơn 45 lần, thu ngân sách trên địa bàn tăng hơn 25,6 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; khu vực dịch vụ dẫn đầu cả nước về tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, kinh tế số đã đóng góp 24,7% trong tổng sản phẩm xã hội của thành phố. Đà Nẵng đứng đầu cả nước về chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và có 5 năm liên tiếp nhận giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, hình thành nên thương hiệu có sức cạnh tranh mang tầm quốc tế. Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.
Một góc TP Đà Nẵng hôm nay.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, TP Đà Nẵng chú trọng phát triển đồng bộ, hài hòa lĩnh vực văn hóa, xã hội với những thành tựu quan trọng về văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, thể dục-thể thao, văn học-nghệ thuật... TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách đột phá mang đậm tính nhân văn, vượt trội, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, trở thành “thương hiệu” của thành phố, như: Chương trình Thành phố “5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có giết người cướp của), “3 có” (có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa-văn minh đô thị), “4 an” (an ninh, trật tự; an toàn giao thông; an toàn, vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội); thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi vượt trội đối với người có công với cách mạng và các đối tượng yếu thế trong xã hội; thực hiện miễn học phí cho tất cả các cấp học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, Đà Nẵng dành nguồn lực đầu tư lớn cho hạ tầng y tế từ cơ sở đến thành phố để chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe của nhân dân thành phố và các tỉnh trong khu vực.
Sự thay đổi ngoạn mục có thể nhìn thấy rõ nét nhất của TP Đà Nẵng từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chính là đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và không gian đô thị. Với quan điểm lấy đầu tư hạ tầng là khâu đột phá, làm cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của thành phố, hàng loạt dự án, khu đô thị, khu dân cư mới, trung tâm hành chính, tuyến đường giao thông mới được hình thành và mở rộng. TP Đà Nẵng đã thành công trong việc xây dựng một diện mạo đô thị hiện đại với các công trình nổi bật như: Cầu quay sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp quốc tế.
Từ một đô thị nhỏ hẹp, hạ tầng thấp kém sau chiến tranh, đến nay, TP Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,2%, cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại đã tạo nên sự thay đổi cả về tầm vóc, quy mô và diện mạo của thành phố.
Những ngày này, trên khắp các ngả đường, góc phố ở Đà Nẵng đều trang hoàng cờ, hoa, băng rôn rực rỡ. Những ai sinh ra, lớn lên hay từng có thời gian công tác ở đây đều dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi, phát triển của thành phố bên sông Hàn. Với những thành tựu vượt trội trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng trở thành một thành phố có thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, xứng đáng là “Thành phố đáng sống, là nơi đáng đến”.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/da-nang-sau-50-nam-giai-phong-826233