Doanh nghiệp được tiếp sức mở rộng thị trường xuất khẩu
Năm 2024, Công ty TNHH Mỹ Phương Food có thêm các đơn hàng và mở rộng được nhiều thị trường xuất khẩu mới như Đài Loan, Nga, Ba Lan… thông qua các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại xuất khẩu của Bộ Công Thương và Sở Công Thương Đà Nẵng.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại qua các hội chợ giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, mở rộng thị trường
“Các chương trình xúc tiến thương mại xuất khẩu thông qua các hội chợ rất hiệu quả, đặc biệt là các hội chợ chuyên ngành. Tại đó, cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các đối tác mới sẽ nhiều hơn. Cùng với đó, với nhiều sản phẩm cùng loại, bản thân doanh nghiệp cũng sẽ học hỏi được những đơn vị làm tốt hơn về các yếu tố như bao bì, cách tiếp cận thị trường…”, bà Mai Thị Ý Nhi - Giám đốc Công ty chia sẻ và cho rằng, để hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu hiệu quả, ngoài việc được Bộ Công Thương hay Sở Công Thương địa phương hỗ trợ tham gia hội chợ chuyên ngành phù hợp, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện sản phẩm chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu để có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Chế biến, Kinh doanh, Xuất nhập khẩu Hương Quế cho biết, đến thời điểm hiện tại ông vẫn mãi ấn tượng với các chương trình xúc tiến thương mại chuyên sâu do Bộ Công Thương chủ trì từ năm 2016, 2017.
“Tổ chức xúc tiến thương mại chuyên sâu là rất quan trọng. Từ các chương trình đó, chúng tôi đã tìm kiếm được các đối tác xuất khẩu rất hiệu quả. Những khách hàng đó đến giờ vẫn đặt hàng của chúng tôi”, ông Sơn nói và đề xuất thành phố Đà Nẵng cần lồng ghép các chương trình để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu chuyên sâu hơn.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại thành phố như Công ty CP Vinatex Đà Nẵng, Công ty CP Vinafor Đà Nẵng… cũng mong muốn được tiếp cận chính sách xúc tiến xuất khẩu để đa dạng hóa, mở rộng thị trường.
Thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp xúc tiến thương mại xuất khẩu
Theo ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, các doanh nghiệp tại thành phố đa phần nhỏ, siêu nhỏ, kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế, nhất là khi tham gia các hội chợ nước ngoài.
“Qua theo dõi tôi thấy chi phí hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại còn ít, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đi giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ nước ngoài còn rất hạn chế. Thành phố cần quan tâm hơn đến việc tăng kinh phí xúc tiến thương mại và nên đặt ra KPI về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ đi quảng bá sản phẩm ở hội chợ nước ngoài mỗi năm, và năm sau phải nhiều hơn năm trước. Trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ”, ông Phạm Bắc Bình đề xuất.
Đề xuất tăng phân bổ kinh phí xúc tiến xuất khẩu
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hằng năm, Bộ Công Thương đều có nguồn kinh phí và các chương trình xúc tiến thương mại trong nước, quốc tế và được giao cho Cục Xúc tiến thương mại chuyên trách. “Tuy nhiên, ngoài nguồn kinh phí trung ương phân bổ cho các địa phương, mong rằng thành phố sẽ dành nhiều hơn sự quan tâm trong phân bổ kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại nói chung, xúc tiến xuất khẩu nói riêng để doanh nghiệp mở rộng thị trường”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nói.
Nhiều doanh nghiệp đề xuất thành phố Đà Nẵng phân bổ thêm nguồn kinh phí cho xúc tiến thương mại xuất khẩu
Theo bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, thời gian qua, nhất là năm 2024, 2025, Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng (trực thuộc Sở Công Thương Đà Nẵng) đã có nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, nổi bật là xây dựng chương trình để giúp doanh nghiệp xúc tiến thương mại xuất khẩu, tăng số lượng các hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài nhiều hơn. “Với mỗi chương trình xúc tiến thương mại xuất khẩu , Sở Công Thương đều có kế hoạch và thông báo rộng rãi để doanh nghiệp đăng ký tham gia. Đối với các doanh nghiệp không có điều kiện kinh phí tham gia, Sở cũng mang theo các catalogue và sản phẩm mẫu của đơn vị đưa đi hỗ trợ quảng bá tại các hội chợ.", Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho hay và thông tin thêm, thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và mở rộng thị trường. Trong đó, tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ra nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử toàn cầu. Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng và các quy định xuất nhập khẩu của từng quốc gia.
Song song với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đầu mối của Bộ Công Thương kịp thời cập nhật thông tin đến doanh nghiệp về các quy định thuế quan, rào cản thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm để giúp doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng với bối cảnh thị trường biến động; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả FTA, tìm kiếm, phát triển thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường cụ thể.
Ngoài ra, tham mưu, đề xuất xây dựng các chính sách mang tính đột phá hơn, nhất là chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại.
Các chương trình xúc tiến thương mại xuất khẩu, trong đó có xúc tiến thương mại chuyên sâu theo ngành hàng đã hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp Đà Nẵng quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các doanh nghiệp đề xuất mong muốn thành phố Đà Nẵng sẽ có thêm nguồn kinh phí phân bổ cho hoạt động xúc tiến thương mại, gồm xúc tiến thương mại xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn tiếp cận các thị trường mới.
Vũ Lê