Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Ngày 20/12, tại buổi Họp báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội Quý IV/2024 do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã thông tin về kế hoạch xây dựng Trung tâm tài chính khu vực, Khu thương mại tự do; công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính; các vấn đề “nóng” trên địa bàn thời gian qua…
Theo ông Trần Chí Cường, thành phố đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng kế hoạch và đề án cụ thể để triển khai Trung tâm tài chính khu vực theo định hướng của Bộ Chính trị. Cụ thể, Đà Nẵng sẽ xây dựng Trung tâm tài chính khu vực vừa đảm bảo thu hút nhà đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa phải cạnh tranh được với các trung tâm tài chính khác trên thế giới như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore… Trên cơ sở điều kiện, thế mạnh thực tiễn của địa phương, cũng như vị trí địa lý, Trung tâm tài chính khu vực của Đà Nẵng được định hướng sẽ tập trung chuyên sâu về ứng dụng công nghệ, phát triển công nghệ tài chính.
Đối với việc xây dựng Khu thương mại tự do, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường thông tin, thành phố đã có Tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước được Trung ương lựa chọn để nghiên cứu đầu tư, xây dựng khu thương mại tự do trong thời gian thí điểm 5 năm.
Về đề xuất phương án lấn biển để có thêm diện tích xây dựng Khu thương mại tự do, ông Trần Chí Cường cho rằng, thành phố đã đưa đề xuất này vào Đề án sau khi nghiên cứu, trao đổi, ghi nhận ý kiến các chuyên gia. Đề án thành lập khu thương mại tự do đang xin chủ trương của Trung ương, khi Thủ tướng phê duyệt mới cho phép nghiên cứu để hình thành khu lấn biển. Vì vậy, không phải chỉ trong 5 năm thí điểm đã triển khai hình thành khu vực lấn biển. Có thể trong giai đoạn 2035 - 2040, khi thành phố đã đủ các điều kiện về khoa học kỹ thuật mới tính toán triển khai khu vực lấn biển. Trước mắt, quan điểm của thành phố là ưu tiên triển khai những vị trí có sẵn, giải phóng mặt bằng nhanh, để sớm hình thành cơ sở hạ tầng, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược. Thành phố ưu tiên các khu gắn với cảng biển Liên Chiểu, sân bay để hình thành được ba phân khu chính trong Khu thương mại tự do: phân khu sản xuất hàng hóa, logistics và thương mại – dịch vụ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Võ Tấn Hà phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Về sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo định hướng của Trung ương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, tỷ lệ số lượng xã, phường thuộc diện sắp xếp của thành phố không nhiều, đã cơ bản hoàn thành. Còn về sắp xếp bộ máy các sở ngành, thành phố thực hiện theo quan điểm Trung ương không chờ tỉnh, tỉnh không chờ huyện, cơ sở.
Đà Nẵng sẽ tiếp tục tinh gọn trong các sở, ngành không nằm trong diện sáp nhập như: Sở Y tế, Sở Nội vụ, Thanh tra, Văn phòng Ủy ban… với mục tiêu giảm 15-20% đầu mối, phòng ban. Các đơn vị sự nghiệp có chức năng trùng lặp khi sáp nhập cũng sẽ được tính toán. Việc sáp nhập tạo ra nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng Đà Nẵng sẽ quyết liệt làm, hoàn thành trong quý I năm 2025 theo yêu cầu của Trung ương.
Đối với số cán bộ dự kiến dôi dư sau khi sắp xếp, ông Trần Chí Cường cho biết, thành phố chưa thống kê con số cụ thể. Thành phố đang làm khung, từ khung đó mới tính toán lộ trình, có các chính sách mạnh để khuyến khích các cán bộ gần đến tuổi, còn ít tuổi hoặc những cán bộ cảm thấy mình không còn khả năng đáp ứng được nữa thì xin nghỉ công tác. Quá trình tinh giản diễn ra có lộ trình, không phải cắt đứt ngay lập tức, vì liên quan đến con người, cuộc sống của từng cá nhân và các gia đình ở phía sau…
Quốc Dũng/TTXVN