Những trận mưa lớn gây ngập lụt tại nhiều nơi trong nội đô và cả khu vực vùng ven đô Đà Nẵng đã cho thấy sự bất cập về cao trình và hệ thống thoát nước trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Đơn cử, trong trận mưa vào ngày 5/11/2024, khu vực đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) ngập khoảng 90cm. Đây là khu vực thấp trũng, có cao trình thấp hơn mực nước của kênh Hòa Mỹ trên 1m, hạ tầng kỹ thuật đầu tư không đồng bộ, nhiều người dân xây dựng nhà trái phép, cao trình xây dựng nhà quá thấp so với khu vực xung quanh. Tại khu vực đường Phan Đăng Lưu đoạn trước cổng Trường PTTH Nguyễn Hiền, đoạn đường Lê Thanh Nghị đoạn chợ đầu mối nước ngập hơn 0,5m.
Đường Phan Đăng Lưu đoạn trước Trường PTTH Nguyễn Hiền thường xuyên bị ngập trong các đợt mưa lớn
Hay như khu vực đường Nguyễn Trác, đoạn kiệt 640 đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu) tập trung nước từ hồ Ba Sen Vàng vào tuyến cống Tây Nam Hòa Cường, có địa hình thấp nhưng nhận lưu vực nước lớn từ sân bay. Việc vận hành của hồ điều tiết Ba Sen Vàng đã phát huy hết hiệu quả điều tiết và khả năng thoát nước của tuyến cống. Song nước mưa trong khu vực sân bay đó ra quá lớn, nhanh, cường độ mưa lớn khiến nước đã tràn bờ hồ, chảy vào tuyến đường Nguyễn Trác gây ngập lụt…
Trận mưa vào ngày 5/11/2024 được cho là khá lớn, nhưng không gây ra nhiều thiệt hại như trận mưa vào tháng 10/2022. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong, nhờ có sự chủ động và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Sở Xây dựng, sự triển khai nghiêm túc của các đơn vị, địa phương nên dù mưa lớn làm ngập sâu một số đoạn, tuyến đường và khu vực dân cư nhưng không kéo dài, nước rút trong thời gian ngắn sau khi dừng mưa.
Đường Lê Duẫn cùng là một trong những tuyến đường thường xuyên bị ngập...
Để đảm bảo thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả, tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.
Sở Xây dựng theo dõi, kiểm tra và đôn đốc tình hình thực hiện công tác khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước trên toàn thành phố, kịp thời tham mưu UBND thành phố chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp chậm triển khai hoặc triển khai không đạt yêu câu, dẫn đến ngập úng.
Đồng thời, rà soát hiện trạng hạ tầng thoát nước tại các khu vực đô thị cũ, khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng khi mưa lớn để tham mưu kế hoạch đầu tư, nâng cấp, cải tạo hằng năm và theo từng giai đoạn phù hợp.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng trực tiếp kiểm tra tình hình mưa ngập tại đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu)
Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu xảy ra chậm trễ trong việc khơi thông, nạo vét cống thoát nước, dẫn đến ngập úng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Lãnh đạo thành phố cũng mong muốn người dân chung tay cùng chính quyền trong việc khơi thông hệ thống thoát nước, tuyệt đối không đổ chất thải vào hệ thống thoát nước gây tắc nghẽn dòng chảy.
Theo ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố, để giải quyết “bài toán” bất cập về cao trình, hệ thống thoát nước trên địa bàn, một trong những giải pháp trọng tâm là lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mặc dù có sự chuẩn bị kỹ trước mỗi mùa mưa bão, song tình trạng ngập lụt ở một số khu vực đô thị của Đà Nẵng cần giải pháp căng cơ hơn mới giải quyết triệt để
Đồ án sẽ xác định các giải pháp quy hoạch cao độ nền, thoát nước mặt hợp lý và xác định cao trình xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng cụ thể, các đường phố chính cấp đô thị có xét đến tác động biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng theo quy hoạch chung được duyệt.
Trong đó, xác định chỉ tiêu, thông số cơ bản, các lưu vực thoát nước; mạng lưới thoát nước cấp 1, cấp 2, kênh, hồ điều hòa và các nguồn tiếp nhận khác; vị trí, quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát chính; các giải pháp phòng chống thiên tai có lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng...
Thái Hòa