Đà Nẵng: Tìm nguồn lực đa phương cho hai mô hình kinh tế đặc biệt

Đà Nẵng: Tìm nguồn lực đa phương cho hai mô hình kinh tế đặc biệt
9 giờ trướcBài gốc
Khu vực cảng Liên Chiểu - Đầu mối quan trọng trong quy hoạch và hình thành Khu thương mại tự do của Đà Nẵng
Hoàn thiện cơ chế đầu tư khu thương mại tự do
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thông tin, Đà Nẵng đang phấn đấu hoàn thành các thủ tục để Thủ tướng Chính phủ thành lập khu thương mại tự do trong tháng 4/2025, không chờ đến việc sáp nhập tỉnh (sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam).
Khu thương mại tự do góp phần thúc đẩy tăng trưởng của thành phố
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, khu thương mại tự do được dự báo có thể đóng góp 8 - 9% GRDP thành phố vào năm 2030 và tăng lên tới 25% vào năm 2050, góp phần thúc đẩy tăng trưởng hàng năm của thành phố thêm 1,7 và 2,4 điểm % lần lượt giai đoạn 2026 - 2030 và cả thời kỳ 2031 - 2050 so với quy hoạch thành phố được phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023.
Theo Sở Công thương Đà Nẵng, cơ sở để Chính phủ có quyết định thành lập là khu thương mại tự do hiện đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ 10 khu chức năng, tổng diện tích hơn 2.317 ha kết nối với cảng biển Liên Chiểu, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Theo tờ trình, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển Khu Thương mại tự do Đà Nẵng sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, đến năm 2029 sẽ xây dựng mới khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng đảm bảo tiếp nhận tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn; hoàn thành việc giải phóng mặt bằng cho 10 vị trí. Trong giai đoạn này, dự kiến tổng mức đầu tư bên trong khu khu thương mại tự do gần 36.000 tỷ đồng. Bao gồm: Chi phí giải phóng mặt bằng 20.755 tỷ đồng (chiếm 58% tổng vốn) và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng 15.132 tỷ đồng (chiếm 42% tổng vốn).
Cũng theo Sở Công thương Đà Nẵng, bên cạnh hoàn thiện cơ chế hoạt động, là hoàn thiện chính sách đầu tư theo phương án nhà nước sẽ cân đối phân bổ ngân sách cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đến ranh giới khu thương mại tự do hoặc địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, sau đó khấu trừ tiền thuê đất trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Thực hiện theo phương án này, Đà Nẵng tăng cường thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng bên trong khu thương mại tự do như đường, cấp thoát nước, điện và các cơ sở hạ tầng dùng chung khác.
Đồng thời, Khu Thương mại tự do Đà Nẵng cũng sẽ thu hút một lượng lớn lao động và chuyên gia trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao: Năm 2030 có khoảng 41.000 lao động; năm 2050 có khoảng 137.000 lao động.
“Khu Thương mại tự do Đà Nẵng được tích hợp các chức năng logistics cảng biển, sân bay gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp là đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý vận hành” - bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương cho hay.
Tiếp cận đa phương với nhiều mô hình trung tâm tài chính
Song hành cùng tiến độ thành lập khu thương mại tự do, Đà Nẵng chủ động tăng cường tiếp xúc với các nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế, đại diện các quốc gia có mô hình trung tâm tài chính, đơn vị tư vấn hỗ trợ, cung cấp một số mẫu hình trung tâm tài chính trên thế giới gắn với các đặc điểm mô hình, lĩnh vực trọng tâm, các chính sách và chiến lược phát triển cơ bản… để xây dựng Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Công ty Ernst & Young Việt Nam (EY).
Đại diện các tổ chức này gợi ý, trung tâm tài chính hình thành và phát triển tùy thuộc rất lớn vào khung thể chế của quốc gia. Đà Nẵng cần phối hợp với các bên liên quan, các đơn vị tư vấn và xin ý kiến Trung ương về mức độ thí điểm phù hợp.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với Đà Nẵng rất quan trọng để định lượng được mức độ thành công. Vì vậy, trong chuyến tham gia cùng đoàn công tác của Chính phủ tại Anh, Luxembourg và Đức trong tháng 3/2025 vừa qua, Đà Nẵng thu nhận được rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ Trung tâm tài chính London, như: Định hướng phát triển những sản phẩm, dịch vụ tài chính quốc tế mà phát huy, khai thác được lợi thế cạnh tranh của Thành phố; các dịch vụ tài chính quốc tế gắn với khu thương mại tự do; các dịch vụ liên quan đến fintech, ngân hàng số, các sản phẩm tài chính gắn với tài sản số, tài sản mã hóa blockchain, và trí tuệ nhân tạo (AI).
“Cũng trong chuyến công tác này, Đà Nẵng làm việc với Hội Trí thức người Việt Nam tại Anh hướng đến mục tiêu thu hút trí thức người Việt với trình độ chuyên môn, năng lực cao đang làm việc tại các tổ chức, các ngân hàng Anh về làm việc cho Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng trong thời gian tới” - ông Hồ Kỳ Minh cho hay.
Bên cạnh tiếp cận thị trường châu Âu, tại Dubai của khu vực Trung Đông thuộc châu Á, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng có chuyến công tác làm việc với Ban Lãnh đạo Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai (DIFC) tìm hiểu kinh nghiệm, kết quả DIFC đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, làm việc với Ban lãnh đạo Công ty Luật Al Tamimi & Co tìm kiếm, học tập những giải pháp tối ưu trong xây dựng mô hình, chiến lược phát triển dài hạn, bền vững Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Theo thông báo từ đoàn công tác, phía DIFC đánh giá cao tiềm năng và cơ hội của Đà Nẵng trong phát triển Trung tâm tài chính khu vực. Qua đó, DIFC gợi mở một số ý tưởng đóng góp cho Đà Nẵng, trong đó đặc biệt lưu ý Đà Nẵng cần xác định thế mạnh riêng biệt so với các mô hình hiện có trong khu vực để huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực. Về phía Công ty Luật Al Tamimi & Co cũng đã trao đổi với lãnh đạo Đà Nẵng các nội dung liên quan đến việc xây dựng khung pháp lý thuận lợi và hiệu quả cho hoạt động của Trung tâm Tài chính quốc tế.
Ông Hồ Kỳ Minh cho biết, việc xây dựng cũng như đưa vào hoạt động Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng đòi hỏi thời gian dài, chí ít là 5 năm. Để có thể lựa chọn mô hình phù hợp cũng như vận hành hiệu quả, cần phải nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau./.
Bài và ảnh: Hà Minh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/da-nang-tim-nguon-luc-da-phuong-cho-hai-mo-hinh-kinh-te-dac-biet-175463.html