Đa phương hóa quan hệ quốc tế, chuyện không của riêng ai

Đa phương hóa quan hệ quốc tế, chuyện không của riêng ai
7 giờ trướcBài gốc
Đây là cơ hội lớn để khẳng định giá trị không thể thay thế của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương trước các thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn có những chuyển dịch trái chiều, gợi lên câu hỏi, phải chăng nước lớn là tâm điểm, đa phương hóa là chuyện của các nước đang phát triển, nước nhỏ?
Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là cơ hội lớn để khẳng định giá trị không thể thay thế của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương trước các thách thức toàn cầu. (Nguồn: UN Foundation)
Xu thế không thể đảo ngược
Cùng với biến đổi khí hậu, đói nghèo, bất bình đẳng, thì đối đầu, xung đột, chia rẽ đang diễn ra ở nhiều khu vực. Xung đột bùng phát ở Ukraine, ở Dải Gaza, Trung Đông; nguy cơ bất ổn tiềm ẩn ở Biển Đông… Đối đầu Đông - Tây, một bên do Mỹ đứng đầu cùng một số nước phương Tây chi phối và bên kia do Trung Quốc, Nga dẫn dắt, ngày càng căng thẳng, phức tạp.
Hàng ngìn lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây với Nga, Trung Quốc và một số nước khác, khiến nguồn lực thế giới bị chia tách sâu sắc. Cuộc chiến kinh tế, thương mại giữa các nước lớn nóng bỏng bởi đòn tấn công, đáp trả liên tục như cấm vận công nghệ cao, chip, bán dẫn, đất hiếm, áp thuế xe điện Trung Quốc…
Cùng với đó là những động thái có chiều hướng ngược lại. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và người đứng đầu chính phủ Na Uy Jonas Gahr Store gần như cùng lúc đến Trung Quốc, tìm kiếm hợp tác trong khác biệt. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên lâu năm của NATO vẫn duy trì quan hệ kinh tế, mua bán vũ khí với Nga và có dự định gia nhập BRICS.
Mỹ đặt trọng tâm chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tìm cách chinh phục “trái tim” châu Phi. Ngày 12/9, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Lind Thomas-Greenfield tuyên bố ủng hộ thêm hai ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho các quốc gia châu Phi (nhưng hạn chế quyền phủ quyết!).
Châu Á cũng vậy. Ngày 6/9, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thăm Hàn Quốc, có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 12 trong vòng 2 năm qua, với Tổng thống Yoon Suk Yeol, tiếp tục gác lại mâu thuẫn lịch sử, cải thiện quan hệ song phương, đối phó với thách thức chung. Trong những ngày đầu nhiệm kỳ thứ ba, Thủ tướng Ấn Độ Narendar Modi liên tục các chuyến công du nước ngoài, đến Áo, Ba Lan, Nga, Ukraine, Singapore, Brunei, Mỹ... Đáng chú ý, các điểm đến của Thủ tướng Ấn Độ có những nước đang đối đầu, là đối thủ của nhau như Nga, Ukraine, Mỹ…
Thực tiễn quan hệ quốc tế nổi lên mấy vấn đề đáng chú ý sau:
Một, EU mâu thuẫn, căng thẳng với Moscow nhưng về lâu dài, châu Âu không thể thiếu Nga. EU và Trung Quốc nhiều mâu thuẫn nhưng vấn rất cần nhau. Washington xác định Bắc Kinh là đối thủ toàn diện, cạnh tranh nghiêm trọng nhất, đe dọa ngôi vị quyền lực số một. Cạnh tranh kinh tế, thương mại, công nghệ, chính trị và sức ảnh hưởng giữa hai cường quốc hàng đầu chưa có lối thoát, nhưng cả Mỹ và Trung Quốc không thể không hợp tác với nhau.
Hai, quan hệ giữa các nước đan xen phức tạp, đa tầng nấc; vượt khuôn khổ tổ chức, liên minh, sự khác biệt để hợp tác vì lợi ích chung; hình thành tập hợp lực lượng mới thông qua thể chế “đa phương nhỏ”, đa dạng, linh hoạt.
Ba, dù thế giới tồn tại nhiều xung đột, mâu thuẫn, chia rẽ, phân phe, nhóm phức tạp, nhưng đa phương hóa quan hệ quốc tế vẫn là xu thế lớn, không thể đảo ngược.
Bốn, không chỉ những nước đang phát triển, nước vừa và nhỏ mà các nước lớn, nước phát triển cũng không thể đứng ngoài, vẫn cần đa phương hóa quan hệ quốc tế. Có điều, nước lớn luôn tìm cách chi phối, dẫn dắt các thể chế, diễn đàn đa phương, trước hết vì lợi ích quốc gia, ít hoặc không tính tới lợi ích chung, lợi ích chính đáng của các nước khác.
Việt Nam nâng tầm đa phương hóa
Độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế là quan điểm cơ bản, xuyên suốt của Việt Nam. Đối ngoại đa phương là phương thức hữu hiệu để ứng phó với thế giới đầy biến động, đối đầu, chia rẽ; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Trong những năm qua, nhất là từ sau Đại hội XIII của Đảng, đối ngoại đa phương được triển khai mạnh mẽ; thể hiện bản lĩnh vững vàng, tự tin, chủ động đảm nhiệm thành công nhiều vai trò, vị trí quan trọng tại các cơ chế, diễn đàn đa phương; có nhiều sáng kiến, ý tưởng trong hợp tác, tham gia định hình “luật chơi” chung và trật tự kinh tế - chính trị quốc tế. Đối ngoại đa phương đạt nhiều thành tựu lớn, ghi những dấu ấn mới trên các diễn đàn, cơ chế đa phương quốc tế và khu vực.
Bối cảnh thế giới và khu vực những năm tới đặt ra đòi hỏi mới. Đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, với một vị thế, tầm vóc mới. Tất yếu, ngoại giao Việt Nam, trong đó có đối ngoại đa phương phải vươn lên tầm cao mới, để hoàn thành những trọng trách vinh quang mới tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực.
Việt Nam có nền tảng, điểm tựa để nâng tầm đối ngoại đa phương trong giai đoạn mới. Trước hết là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đại hội XIII và bổ sung, phát triển tại Đại hội XIV của Đảng. Thứ hai là đất nước ta chưa bao giờ có dược cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Thứ ba là sự kết hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân và giữa các bộ, ngành địa phương dưới sự quản lý tập trung của Nhà nước. Thứ tư là, truyền thống, văn hóa đối ngoại của dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, có bài phát biểu quan trọng, hướng tới tư duy mới, phương thức hoạt động mới cho tương lai; là biểu tượng mang tính mở đầu của đối ngoại đa phương trong giai đoạn mới.
Trong giai đoạn mới, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh hơn tính chủ động, tích cực, đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho các cơ chế, diễn đàn đa phương, trọng tâm là Liên hợp quốc và ASEAN. Tạo được “thương hiệu” riêng ngày càng mạnh, vị thế cao hơn; xác lập, củng cố và phát huy vai trò dẫn dắt tại một số diễn đàn chủ chốt, lĩnh vực quan trọng, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hoàn tất thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, đồng thời tham gia có lựa chọn các cam kết quốc tế mới. Đẩy mạnh triển khai, phát huy hiệu quả các FTA. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, phù hợp với quan điểm của Đảng, vị thế mới cao hơn của đất nước, tạo “điểm nhấn” về trách nhiệm quốc tế của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 ngày 25/1 tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)
Các nội dung nhiệm vụ trên cần thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, đúng thứ tự ưu tiên, theo tư duy mới, dài hạn, thống nhất. Để hoàn thành tốt các trọng trách, nhiệm vụ đó, cần thực hiện tốt một số biện pháp chính sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và những bổ sung, phát triển, định hướng trong giai đoạn mới. Đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong công tác đối ngoại đa phương. Kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại đa phương và song phương, hỗ trợ lẫn nhau, nâng tầm đối ngoại.
Hai là, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về đối ngoại đa phương; chú trọng chuyển đổi số, bảo đảm thường xuyên tiếp cận kịp thời, đầy đủ, toàn diện các nguồn thông tin liên quan, nắm chắc các xu thế của thế giới, khu vực. Trên cơ sở đó, tham mưu chiến lược cho Đảng và Nhà nước bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách đối ngoại đa phương trong tổng thể đường lối, chính sách đối ngoại; kết hợp chặt chẽ đối ngoại với đối nội và đối sách với các diễn biến, tình huống phức tạp, không để bị động, bất ngờ, tận dụng tốt các cơ hội.
Ba là, tiếp tục chuẩn bị nguồn lực mọi mặt để nâng tầm đối ngoại đa phương. Đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương theo hướng chuyên môn, chuyên nghiệp. Kết hợp giữa đào tạo trong nước với ngoài nước, giữa học tập tại trường và rèn luyện qua thực tiễn; cử cán bộ trẻ thực tập tại các tổ chức quốc tế, khu vực và cơ quan đại diện của Việt Nam bên cạnh tổ chức quốc tế. Tích cực chuẩn bị, tiến cử cán bộ Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn tại các tổ chức quốc tế. Bảo đảm nguồn tài chính phù hợp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng cơ sở dữ liệu, mua sắm phương tiện trang bị và hoạt động đối ngoại đa phương.
Bốn là, chủ động, tích cực vận động, thúc đẩy các tổ chức quốc tế chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trụ sở, văn phòng, chi nhánh và tổ chức sự kiện quốc tế, khu vực quan trọng… Đẩy mạnh công tác chuẩn bị đăng cai, sẵn sàng đảm nhiệm các trọng trách quốc tế mới.
Thực tiễn khẳng định đối ngoại đa phương là xu thế lớn, không thể đảo ngược, ngày càng quan trọng, cần thiết với mọi quốc gia. Việt Nam có đủ cơ sở để nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; phối hợp đồng bộ, hiệu quả công tác đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương trên diễn đàn, cơ chế đa phương; phát huy vai trò tiên phong, góp phần ngày càng to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS. Vũ Đăng Minh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/da-phuong-hoa-quan-he-quoc-te-chuyen-khong-cua-rieng-ai-287224.html