Có một giai đoạn, người ta hoài nghi về bầu Đức. Rằng sau thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, liệu ông còn đam mê bóng đá? Có người khẳng định luôn: Bầu Đức đã chán bóng đá rồi!
Nhưng sự thật là gì? Chỉ cần nhìn vào hiện tại, đủ để thấy tất cả những nhận định ấy đã sai. Sai hoàn toàn.
Một số ý kiến từng đặt dấu hỏi về động lực để bầu Đức tiếp tục cống cho bóng đá sau khi lứa Công Phượng rời đi.
Bầu Đức không lên tiếng phản bác. Ông không cần nói nhiều. Vì với người làm thật, đôi khi sự im lặng là câu trả lời đanh thép nhất.
Ông chủ của HAGL đã làm một loạt hành động khiến ai cũng phải suy nghĩ lại. Đầu tiên là việc đưa hai chuyên gia Brazil về làm việc tại phố Núi - HLV thể lực Hugo Olivera Silva và HLV thủ môn Higor Felliny Cruz. Đây không phải là những bản hợp đồng “cho có”, mà là quyết định mang đậm tính chiến lược của một người vẫn còn đầy tâm huyết với bóng đá.
Không dừng lại ở đó, bầu Đức cho cải tạo toàn diện cơ sở vật chất của HAGL. Từ Học viện đến mặt sân Pleiku, mọi thứ đang được nâng cấp. Đây là điều mà không nhiều đội bóng V.League đủ khả năng và dám làm trong hoàn cảnh tài chính hiện nay.
Bầu Đức vẫn dành tình yêu rất lớn với bóng đá. Ảnh: Linh Hùng
HAGL không “ăn theo” ngân sách địa phương. Họ không có những dự án để gắn cái tên đội bóng như “tấm bảng hiệu vàng”. Không gắn mác đội bóng tỉnh rồi đi xin hỗ trợ kiểu “con khóc thì mẹ cho tiền”... Ở HAGL, mọi thứ đều xuất phát từ tiền túi bầu Đức và doanh nghiệp của ông. Một cách làm bóng đá đậm chất chuyên nghiệp.
Chính vì vậy, việc bầu Đức vẫn duy trì đội bóng trong âm thầm là minh chứng cho tình yêu thật với bóng đá. Thứ tình yêu không cần hô hào, không cần truyền thông tung hô, không cần lấy danh nghĩa “phục vụ địa phương” để tồn tại.
Nếu bóng đá Việt Nam có nhiều ông bầu như bầu Đức, làm bóng đá bằng cái tâm và cái tầm, nền bóng đá nước nhà chắc chắn sẽ cất cánh. Và những ai từng nói rằng bầu Đức hết yêu bóng đá, giờ đã “việt vị”.