Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Đa số ĐBQH tán thành với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.
Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế; khắc phục được các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế…
ĐBQH Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Theo ĐBQH Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang), dự thảo Luật được tiếp thu, sửa đổi theo hướng có lợi cho người dân như mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ. Ví dụ như các xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn không còn nằm trong diện khó khăn, đặc biệt khó khăn vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng…
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ, bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế luôn được đông đảo cử tri quan tâm, bởi đây là chính sách an sinh xã hội rất thiết thực, gắn bó trực tiếp tới quyền lợi của nhân dân trong cuộc sống thường ngày.
Do đó, việc sửa đổi một số nội dung của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri cũng như sự thay đổi trong hệ thống pháp luật và tình hình kinh tế - xã hội so với giai đoạn trước.
Với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là học sinh, sinh viên, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng, để các thầy giáo, cô giáo chuyên tâm cho việc dạy học, thì cần nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi Điều 7b về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành và các quy định có liên quan theo hướng bỏ quy định việc nhà trường thu tiền để thực hiện thủ tục mua bảo hiểm y tế cho học sinh.
ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Đồng thời, nên giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, cơ quan bảo hiểm y tế. Nhà trường chỉ có trách nhiệm cung cấp danh sách học sinh cho cơ quan bảo hiểm và thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh trong việc mua bảo hiểm y tế.
Chỉ ra trong thực tế hiện nay pháp luật đã quy định khá rõ ràng, chi tiết các vấn đề liên quan đến đối tượng là học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, song việc thực thi, chấp hành luật có nghiêm hay không, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này cần tiếp tục rà soát các tồn tại, nghiên cứu để lựa chọn hình thức đóng phù hợp.
Cũng quan tâm tới quy định này, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục - đào tạo mà không để người đóng tự lựa chọn hình thức đóng. Vì điều này sẽ kéo theo khoảng 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia sẽ tham gia bảo hiểm y tế.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Ở khía cạnh khác, đại biểu Châu Quỳnh Giao đề xuất bãi bỏ điểm d, khoản 6, Điều 13 của dự thảo Luật: “Trường hợp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế quy định tại khoản 4, Điều 12, đồng thời buộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 Luật này thì được lựa chọn theo đối tượng đóng phù hợp”, có nghĩa là dự thảo Luật mở cho các em được đóng theo nhóm đối tượng hộ gia đình hoặc học sinh, sinh viên tại nhà trường.
Theo đại biểu Châu Quỳnh Giao, với mức đóng của học sinh, sinh viên bằng 4,6% mức lương cơ sở, đông đảo cử tri cho rằng, vẫn cao so với thu nhập của họ. Do đó, cần cân nhắc giữ theo quy định hiện hành. Đồng thời, kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Bởi, đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.