Đà tăng chững lại, lãi suất huy động cuối năm ra sao?

Đà tăng chững lại, lãi suất huy động cuối năm ra sao?
5 giờ trướcBài gốc
Tháng 9 vừa qua có 12 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, gồm nhiều nhà băng tư nhân như: DongA Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank, NCB, OCB, BVBank, ACB, PGBank và Nam A Bank.
Áp lực vơi bớt, đà tăng chững lại
Sau khi chạm đáy vào đầu năm, mặt bằng lãi suất tiết kiệm liên tục tăng từ tháng 4 đến nay. Cụ thể, trong tháng 4 ghi nhận 15 ngân hàng tăng lãi suất. Con số này tăng vọt lên 20 nhà băng trong tháng 5, trong đó VIB và ABBank có 4 lần điều chỉnh tăng và 8 ngân hàng khác có 2 lần tăng lãi suất tiền gửi.
Xu hướng này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong tháng 6 khi có tới 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, gồm 12 ngân hàng có 2 lần tăng lãi suất.
Còn trong tháng 7, lãi suất tăng tại 19 ngân hàng thương mại, trong đó VietBank tăng lãi suất tới 3 lần. Tháng 8 có 15 nhà băng tăng lãi suất huy động, trong đó 6 ngân hàng có 2 lần điều chỉnh tăng.
Từ tháng 4 đến nay, tháng 9 có ít ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhất.
Đà tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu chững lại trong tháng 9 khi chỉ còn 12 ngân hàng tăng lãi suất, trong đó cũng chỉ có 2 ngân hàng có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất là OceanBank và Dong A Bank.
Theo các chuyên gia, việc lãi suất huy động có xu hướng giảm nhiệt diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu chậm lại sau giai đoạn bứt phá mạnh vào cuối quý II. Số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 17/9 mới đạt 7,38%, sau khi tăng tốc đạt mức 6% vào cuối tháng 6. Mặc dù kết quả này đã tích cực hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 15% của cả năm.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát và động thái hỗ trợ thanh khoản cho thị trường cũng là yếu tố khiến đà tăng của lãi suất huy động chững lại.
Kể từ đầu tháng 8, NHNN đã thực hiện một loạt các biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh áp lực tỷ giá đã vơi bớt. Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, nhà điều hành đã có tới 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO), lần lượt vào các ngày 5/8 và 16/9, lãi suất OMO theo đó đã giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4,25%/năm và hiện còn 4%/năm.
NHNN cũng đã giảm lãi suất tín phiếu tới 3 lần trong tháng 8 với mức giảm tổng cộng là 35 điểm cơ bản xuống mức 4,15%, và dừng phát hành tín phiếu kể từ phiên ngày 26/8.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán MB (MBS), tất cả những động thái trên cho thấy định hướng của NHNN trong việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng mới thấp hơn.
Tuy nhiên, việc nợ xấu tăng cao (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023) đã thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Vẫn còn áp lực tăng nhẹ
Dự báo về mặt bằng chung lãi suất huy động trong quý cuối năm, TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế cho rằng, tháng cuối năm luôn được xem là "mùa" cho vay của các ngân hàng nên để đáp ứng được nhu cầu vốn, các nhà băng có thể phải tăng lãi suất để hút tiền gửi. Tuy nhiên, việc tăng mạnh lãi suất huy động tại các ngân hàng sẽ khó diễn ra.
Tùy theo tính toán, mỗi ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất huy động nhằm tăng sức cạnh tranh thu hút nguồn vốn. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận xét: “Việc tăng lãi suất là một giải pháp để thu hút dòng tiền mới, đảm bảo thanh khoản, nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí vay vốn, vì các ngân hàng cần duy trì biên độ lợi nhuận từ 3 - 4%".
Mặt khác, ngân hàng cũng phải cân bằng với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng trong thời gian vừa qua. Kể từ đầu năm đến nay, vàng ghi nhận tỷ suất sinh lời hơn 22%, trong khi tiền gửi tiết kiệm chỉ khoảng 1,5% (chiếu theo kỳ hạn 12 tháng).
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng sẽ tác động đến thanh khoản hệ thống và quyết định việc tăng hay giảm của lãi suất huy động trên thị trường dân cư.
Như vậy, theo nhận định chung, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong 3 tháng cuối năm. Nhìn vào diễn biến lãi suất thời gian qua, MBS Research dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, Báo cáo ngành ngân hàng quý III/2024 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo xu hướng tăng lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2024 sẽ khó tiếp tục và có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng sẽ đi ngang hoặc thậm chí giảm nhẹ vào cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi các diễn biến thiên tai gần đây.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn còn áp lực tăng nhẹ lãi suất huy động nhằm thu hút vốn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Nhóm ngân hàng có mức độ phụ thuộc lớn vào tiền gửi khách hàng và cơ cấu huy động vốn thiếu linh hoạt sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc duy trì lãi suất.
Vậy, người dân nên chọn các hình thức gửi tiết kiệm tại các ngân hàng như thế nào để có lợi nhất? Theo các chuyên gia, các kỳ hạn ngắn và trung hạn luôn là phân khúc nóng nhất trong bảng lãi suất. Đặc biệt, nếu gửi tiền tiết kiệm qua kênh trực tuyến thì khách hàng còn được cộng thêm 0,1%/năm ở hầu hết các ngân hàng.
Huyền Anh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//ngan-hang/da-tang-chung-lai-lai-suat-huy-dong-cuoi-nam-ra-sao-1102798.html