Đặc điểm biến chủng NB.1.8.1 của SARS-CoV-2 lưu hành tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đặc điểm biến chủng NB.1.8.1 của SARS-CoV-2 lưu hành tại Thành phố Hồ Chí Minh
4 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, số ca Covid-19 tăng từ tuần 16 đến tuần 20 (14/4-18/5), với trung bình 11 ca mỗi tuần, so với 1-2 ca mỗi tuần trong 15 tuần đầu năm. Riêng tuần 20, thành phố ghi nhận 26 ca, tăng 16 ca so với mức trung bình 4 tuần trước đó.
Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 79 ca Covid-19 trong năm 2025, giảm 75,5% so với cùng kỳ năm 2024, với 43 ca nội trú và 36 ca ngoại trú, không có trường hợp nặng cần hỗ trợ hô hấp.
Trước sự gia tăng ca nhiễm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tiến hành giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân nhập viện trong tuần 3 tháng 5/2025.
Kết quả cho thấy 83% mẫu mang biến chủng NB.1.8.1 – một biến thể phụ của XDV.1, được hình thành từ sự tái tổ hợp giữa JN.1 và XDE.
Biến chủng này, được phát hiện vào đầu năm 2025, hiện đã xuất hiện tại 22 quốc gia, bao gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
Hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa xếp NB.1.8.1 vào các nhóm biến chủng nguy cơ. Đây là là một biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2, thuộc dòng Omicron JN.1.
Đột biến đáng chú ý tại vùng RBD protein gai: T478I, A435S, V445H làm tăng khả năng bám dính vào tế bào người. Biến chủng này có thể lây nhanh hơn XEC, dẫn đến lây lan nhanh chóng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện biến thể mới NB.1.8.1 có thể là nguyên nhân gia tăng số ca bệnh Covid-19 tại Thành phố trong những tuần gần đây, tương tự như ở một số nước trên thế giới trong thời gian qua. Đây là hiện tượng thông thường khi xuất hiện một biến chủng mới.
Biến chủng mới chưa đủ nguy hiểm để làm mất hiệu lực vaccine, nhưng có thể làm suy giảm nhẹ miễn dịch.
Triệu chứng phổ biến của biến chủng này là sốt nhẹ, đau họng, ho, mệt mỏi; nghẹt mũi, đau cơ. Ngoài ra, người nhiễm biến chủng này sẽ có triệu chứng bổ sung như sốt kéo dài, chán ăn; rối loạn tiêu hóa, đau đầu.
Tính chất triệu chứng kéo dài, nhẹ, dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường, khiến người bệnh dễ chủ quan, góp phần lây lan âm thầm trong cộng đồng.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga (Bộ Quốc phòng), biến chủng này có tốc độ lây lan nhanh nhưng không gây bệnh nặng. Hiện chưa ghi nhận có ca tử vong hoặc nhập viện nặng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với tốc độ lây mạnh của biến chủng mới có thể gây áp lực hệ thống y tế nếu số ca tăng nhanh trên diện rộng, bác sĩ Hoàng khuyến cáo, mọi người không quá lo lắng, hoang mang nhưng cần cảnh giác chuẩn bị biện pháp ứng phó.
Người dân cần chủ động phòng bệnh
Hiện Bộ Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện, sở y tế, đơn vị y tế bộ/ngành rà soát kế hoạch thu dung, điều trị Covid-19; khu cách ly, thuốc, vật tư; nhân lực và phương án kiểm soát nhiễm khuẩn. Chiến lược hiện tại là tập trung vào quản lý nội viện, giảm nguy cơ bùng phát từ bệnh viện, thay vì phong tỏa diện rộng.
Trong bối cảnh Covid-19 đang quay trở lại, một số nhóm đối tượng dưới đây có nguy cơ cao nếu nhiễm bệnh, cần được điều trị tại bệnh viện: Người từ 65 tuổi trở lên; những người có các vấn đề sức khỏe nhất định, bao gồm hệ miễn dịch suy giảm, mắc các bệnh về thần kinh như đột quỵ hoặc chứng sa sút trí tuệ; những người có bệnh lý về phổi mạn tính, chẳng hạn như hen suyễn nặng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); người mắc bệnh tim; bệnh nhân tiểu đường; người bị bệnh thận mạn tính; phụ nữ đang mang thai; người thừa cân hoặc béo phì.
Ngành y tế cần tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người già, bệnh nền, phụ nữ có thai, khoa hồi sức-thận-tim mạch; bảo đảm vệ sinh bệnh viện, quy trình phân luồng khoa phòng hợp lý để tránh lây nhiễm chéo.
Các chuyên gia khuyến cáo cộng đồng tiếp tục tuân thủ thông điệp "5k" gồm: Đeo khẩu trang nơi công cộng và bệnh viện; hạn chế tụ tập không cần thiết; rửa tay sát khuẩn thường xuyên; tăng cường thể lực, miễn dịch tự nhiên; chủ động đi khám khi có triệu chứng dù nhẹ.
Ngoài ra, bác sĩ Hoàng cho rằng, cần khuyến khích tiêm vaccine nhắc lại cho nhóm nguy cơ. Người đi từ vùng dịch (Thái Lan, Trung Quốc...) cần theo dõi sức khỏe sát sao cho bản thân và mọi người tiếp xúc gần, người thân trong gia đình.
Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế:
1. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.
2. Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).
3. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.
5. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…
TRẦN LAM
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/dac-diem-bien-chung-nb181-cua-sars-cov-2-luu-hanh-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-post882298.html