Tỉnh ủy Lâm đồng tặng bức trướng cho Đảng bộ Đặc khu Phú Quý. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Ngày 25/7, Đại hội đại biểu Đảng bộ đặc khu Phú Quý (tỉnh Lâm Đồng) lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 đã diễn ra.
Đây là sự kiện chính trị đặc biệt, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của một địa phương vừa được thành lập và là đặc khu duy nhất của tỉnh Lâm Đồng sau khi sáp nhập.
Phú Quý cũng là đặc khu đầu tiên của cả nước tổ chức Đại hội Đảng bộ sau sắp xếp.
Nằm cách cảng Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 120km) theo hướng Đông Nam, đặc khu Phú Quý được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh, trung tâm hành chính-chính trị đặt tại xã Ngũ Phụng.
Phú Quý được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và đánh bắt hải sản. Tận dụng thế mạnh về hai nguồn nội lực này, Phú Quý đang đẩy mạnh khai thác hiệu quả kinh tế biển, góp phần thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống nhân dân.
Khai thác hải sản luôn là thế mạnh của Phú Quý khi đội tàu hiện có lên đến 1.740 chiếc/7.566 lao động, trong đó, có 634 tàu cá công suất từ 90CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ; sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 30.000 tấn.
Toàn đặc khu có 1 nghiệp đoàn nghề cá gồm 16 chiếc và 80 tổ đoàn kết, với 559 tàu cá/3.820 lao động, hoạt động khá hiệu quả, gắn hỗ trợ cứu nạn cứu hộ và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo ông Lê Hồng Lợi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân đặc khu Phú Quý, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường, toàn đảo lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 591/591 tàu cá (đạt 100% tàu cá trong quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình) và ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Đỗ Thái Dương, Bí thư Đặc khu Phú Quý phát biểu khai mạc Đại hội. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Toàn đảo hiện có 58 hộ dân nuôi lồng bè (4.356 m2) và 10 hộ nuôi hồ chắn diện tích 3.927 m2; sản lượng bình quân đạt khoảng 98 tấn/năm. Khu neo đậu tránh trú bão được đầu tư hoàn thiện (giai đoạn 2), tổng mức đầu tư 446 tỷ đồng quy mô neo đậu 1.000 tàu thuyền công suất 600CV.
Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý sẽ là nơi ngư dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản ngư trường Nam Trung Bộ, Trường Sa, DK1 vào neo đậu, tránh trú bão an toàn.
Du lịch biển cũng là lợi thế của đặc khu Phú Quý, đặc biệt khi nguồn điện được phát 24/24 giờ đã mở ra thời kỳ phát triển mới cho đảo.
Cùng với loại hình du lịch đặc trưng hoang sơ với các điểm Gành Hang, Cột mốc chủ quyền, Dốc Phượt, Mộ Thầy, chùa Linh Sơn… các loại hình mới như du lịch lặn ngắm san hô, chèo sup, khám phá Hòn Tranh… ngày càng được nhiều du khách yêu thích.
Hiện nay, toàn đảo có 69 cơ sở lưu trú với 850 phòng/1.270 giường và hơn 100 cơ sở homestay với 1.500 giường. Trong 6 tháng đầu năm, Phú Quý đón hơn 82.000 lượt (trong đó có 2.600 lượt khách quốc tế) đến tham quan nghỉ dưỡng.
Với phương châm: “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Đổi mới-Phát triển," trong giai đoạn 2025-2030, đặc khu Phú Quý xác định kinh tế biển tiếp tục giữ vai trò chủ lực, là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, gắn với ngành du lịch, thương mại-dịch vụ.
Đặc khu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, gắn với phát triển kinh tế tư nhân phù hợp thực tiễn.
Đồng thời, đặc khu chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường sống an toàn, cảnh quan “xanh-sạch-đẹp," từng bước chuyển đổi xanh. Đặc khu thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Một số chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn đến năm 2030: thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán được giao. Sản lượng hải sản khai thác bình quân hằng năm đạt 30.000-35.000 tấn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,25%. Hằng năm, có trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phát triển 40 đảng viên. Hoàn thành tiêu chí đô thị mới loại V; tiếp cận được với các tiêu chí đô thị thông minh. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đến năm 2030 đạt 77 triệu đồng, so với năm 2025 tăng 22,22% (1,22 lần).
Tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm biểu dương những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đặc khu Phú Quý thời gian qua.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu toàn Đảng bộ đặc khu khẩn trương, ổn định tổ chức, xây dựng đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định hàng đầu để bước vào giai đoạn mới vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Ban Chấp hành Đảng bộ đặc khu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu rộng cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, nhất là sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, khẳng định mạnh mẽ vị trí, vai trò, tầm vóc của đặc khu trong thời kỳ mới.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, xây dựng đặc khu Phú Quý phát triển mạnh mẽ, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng; quốc phòng với kinh tế, là căn cứ hậu phương vững chắc cho Trường Sa; có các ngành kinh tế biển phát triển, nhất là khai thác, chế biến hải sản, thương mại - dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực Đông Nam Tổ quốc và hướng tới của khu vực Đông Nam Á; phát triển dịch vụ vận tải biển, gắn với bảo vệ môi trường và du lịch bền vững.
Trước đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có quyết định chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ đặc khu Phú Quý gồm 29 đồng chí; chỉ định đồng chí Đỗ Thái Dương giữ chức Bí thư Đảng ủy./.
(TTXVN/Vietnam+)