Đặc khu Lý Sơn - xây dựng trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia

Đặc khu Lý Sơn - xây dựng trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia
9 giờ trướcBài gốc
Khai phá tiềm năng di sản độc nhất
Đặc khu Lý Sơn có diện tích 10,390km2, dân số khoảng trên 22.000 người, nằm cách đất liền 15 hải lý. Mất khoảng 40 phút đi tàu từ cảng Sa Kỳ ra đến cảng Lý Sơn, nơi đây sở hữu tiềm năng di sản tự nhiên về địa chất, địa mạo riêng biệt.
Núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất trên đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn có 5 ngọn núi lửa lớn đã tắt, gồm núi Thới Lới (đỉnh núi cao 169m so với mực nước biển), núi Giếng Tiền, hòn Vung, hòn Sỏi, hòn Tai, được hình thành do sự phun trào nham thạch của núi lửa cách đây khoảng 25-30 triệu năm, địa hình núi lửa chiếm tới 70% diện tích đảo. Lý Sơn còn có những miệng núi lửa ngầm, đặc biệt miệng núi lửa dưới nước phía Nam đảo Lý Sơn khá lớn, gần tương đương với đỉnh núi Thới Lới trên mặt đất, núi lửa này nằm dưới mặt nước biển khoảng 40-50m, phía Tây đảo cũng có núi lửa ngầm gần khu vực Giếng Tiền.
Cấu tạo địa chất của các ngọn núi lửa tạo ra các ngấn mài mòn trên vách đá, điển hình là những vách đá ở Hang Câu, Chùa Hang, Giếng Tiền có kích cỡ lớn, dài hàng trăm mét, cao dựng đứng, đồ sộ.
Vách đá trầm tích núi lửa Hang Câu đồ sộ và độc đáo
Vách đá Hang Câu với kiến tạo độc đáo từ tự nhiên dài hàng trăm mét
Vào cuối tháng 1-2018, nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (thời điểm đó thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố kết quả nghiên cứu về di sản cổ sinh độc đáo về "Nghĩa địa" san hô hóa thạch hình cối xay gần khu vực thắng cảnh Hang Cau ở xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn). Bên cạnh đó, còn có các khối san hô hóa thạch đa dạng hoa văn vòng xuyến tuyệt tác. Các chuyên gia nhận định, những khối hóa thạch này có niên đại từ 5.000-6.000 năm trước, được cho là độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà cả phạm vi thế giới.
Các chuyên gia đã công bố phát hiện về san hô hóa thạch trên đảo Lý Sơn
Lý Sơn có 2 di tích Sa Huỳnh nổi tiếng là xóm Ốc và Suối Chình, với niên đại khoảng 3.000-2.500 năm trước Công nguyên. Các di tích này không chỉ là chứng tích văn hóa Sa Huỳnh, mà còn phản ánh quá trình phát triển liên tục, giao thoa văn hóa và thích ứng với môi trường đảo. Nông dân hiện tại tận dụng vùng đất quanh di tích Suối Chình để trồng hành, tỏi, kết hợp cảnh quan rặng dừa xanh và ruộng tầng lớp cát trắng... tạo điểm check-in hấp dẫn cho du khách.
Đặc khu Lý Sơn “sở hữu” hơn 50 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 6 di tích quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh. Như vậy, cứ 1km trên đảo có đến 5 di tích, đây là mật độ hiếm nơi nào có được, kể cả trên đất liền.
Ruộng bậc thang ở đảo Lý Sơn có những viên đá tạo thành từ đá núi lửa
Trong những năm qua, Lý Sơn đã tận dụng thế mạnh của đảo như vương quốc tỏi, quê hương Hải đội Hoàng Sa, thiên đường biển xanh... để làm du lịch cộng đồng. Người dân tự tổ chức tour du lịch trên đảo, có các đội thuyền thúng, tổ vận tải xe điện chở khách đi tham quan các Bãi Hang, Bãi Sau, Bãi Tây… Chỉ sau một thời gian ngắn, từ một vùng đảo có ngư nghiệp làm nguồn thu chính, người dân phát triển dịch vụ, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm, phát triển du lịch... giúp đời sống kinh tế người dân nâng cao.
Trở thành trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia
Lý Sơn đang chuyển mình từ “huyện đảo” trở thành “đặc khu Lý Sơn”, với bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1-7 và vẫn tiếp tục phát triển đảo Lý Sơn theo định hướng trở thành trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia. Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có mục tiêu phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo.
Từ 1-7-2025, nơi đây trở thành đặc khu Lý Sơn
Không chỉ phát huy lợi thế di sản thiên nhiên, văn hóa, Lý Sơn đã tạo dấu ấn bằng việc tổ chức các chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao kích cầu du lịch. Vào tháng 4-2025, Lý Sơn tổ chức Giải bơi vượt biển Lý Sơn Cross Island 2025 với quy mô cấp quốc gia. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, đua thuyền truyền thống Tứ linh, Giải dù lượn hạ cánh chính xác Việt Nam mở rộng, Giải Việt dã “Lý Sơn – Theo dấu chân tiền tiêu....
Giải Bơi vượt biển Lý Sơn Cross Island là giải bơi vượt biển đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Lý Sơn đã đón gần 82.000 lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có hơn 1.170 lượt khách quốc tế, con số khả quan cho thấy sức hút ngày càng lớn của du lịch biển đảo nơi đây.
Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng, hiện nay Lý Sơn có gần 50 homestay phục vụ du khách, không chỉ cung cấp chỗ lưu trú mà còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm độc đáo gắn với đời sống người dân đảo như: một ngày làm nông dân trồng tỏi trên đất núi lửa, làm ngư dân thu hoạch hải sản ven bờ, câu cá, chế biến các món ăn từ cá, lặn ngắm san hô,... giúp du khách khám phá vẻ đẹp của biển đảo và văn hóa bản địa.
Du khách tham quan đảo Lý Sơn trong Tuần lễ du lịch năm 2024
Ông Nguyễn Minh Trí, Bí thư Đảng ủy đặc khu Lý Sơn, cho biết: "Định hướng phát triển du lịch Lý Sơn là phát triển kinh tế lấy du lịch làm trung tâm. Quan trọng nhất, chính quyền đặc khu sẽ sâu sát hơn để chuyển đổi nhận thức của người dân, đặc biệt tư duy về phát triển du lịch trong cộng đồng. Không còn là tuyên truyền, mà phải đi vào các hoạt động, mô hình cụ thể như làm homestay, du lịch trải nghiệm trồng hành, tỏi, quảng bá đặc sản liên quan đến Lý Sơn".
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của Lý Sơn ước đạt 1.300 tỷ đồng đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 50% kế hoạch năm. Trong đó, thương mại - dịch vụ ước đạt hơn 572 tỷ đồng, tăng 7,62%; nông nghiệp đạt gần 515 tỷ đồng, tăng hơn 7%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt gần 212 tỷ đồng, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành nông nghiệp với 2 loại cây trồng chủ lực là hành và tỏi, trong đó, vụ tỏi đông xuân 2024 - 2025 đã thu hoạch 314ha, năng suất hơn 88 tạ/ha, sản lượng đạt gần 2,8 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024.
NGUYỄN TRANG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/dac-khu-ly-son-xay-dung-trung-tam-du-lich-bien-dao-quoc-gia-post802225.html