Đặc khu Phú Quý, tỉnh Lâm Đồng đầu tư hạ tầng kết nối du lịch

Đặc khu Phú Quý, tỉnh Lâm Đồng đầu tư hạ tầng kết nối du lịch
35 phút trướcBài gốc
Tiềm năng phát triển ngành du lịch
Nhận thấy đảo Phú Quý có tiềm năng phát triển ngành du lịch, năm 2019, bà Trà Thị Thanh Xuân quyết định ra đảo kinh doanh dịch vụ lưu trú. Bà Xuân chia sẻ, những năm trước đây, đảo Phú Quý còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng nay đã khác.
"Khi đó mới đặt chân đến Phú Quý thì thấy còn hoang sơ, nhà nghỉ, khách sạn không có nhiều, chỉ lác đác mấy căn. Nhưng qua khảo sát thấy nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch, nên tôi mua đất xây khách sạn. Tỉnh Bình Thuận cũ phát triển du lịch biển, còn ở Lâm Đồng thì du lịch cũng phát triển về núi rừng. Khi sáp nhập cùng nhau, theo tôi thì sau này sẽ phát triển mạnh hơn nữa, kết hợp cho du lịch vừa có rừng núi vừa có biển, đảo..." bà Xuân nói.
Một khu vui chơi trên biển ở đảo Phú Quý
Cách Phan Thiết (thuộc tỉnh Bình Thuận cũ) 56 hải lý, đảo Phú Quý được thiên nhiên ban tặng phong cảnh hoang sơ với các bãi tắm đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng với 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh.
Trên đảo hiện có 68 khách sạn, nhà nghỉ với tổng cộng 1.239 giường và gần 100 homestay với 1.500 giường. Cùng với đó là những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn gắn với biển, nên những năm gần đây, du lịch đang phát triển mạnh trên đảo này.
Lượng du khách đến đảo trung bình 150.000 lượt/năm và con số này dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới. Cộng với dân số ở đảo Phú Quý hiện nay trên 32.268 người, vấn đề điện, nước sinh hoạt và rác thải… đang trở nên cấp bách, cần được quan tâm giải quyết.
Ông Ngô Tấn Lực, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cũ cho biết: "Du lịch phát triển phải kèm theo hạ tầng để đáp nhu cầu. Về nguồn điện hiện tại cơ bản ổn định, nhưng về lâu dài cũng phải tính toán thêm. Hiện tại Phú Quý lo lắng nhất là nước, ở đây xem nguồn nước như vàng trắng. Thời gian vừa qua, đặc biệt trong dịp Tết, một số người dân cũng kêu ca vì nguồn nước không đáp ứng đủ nhu cầu".
Không chỉ có nước ngọt, nhu cầu sử dụng điện vào mùa cao điểm du lịch trên đảo này tăng cao đột biến, áp lực lên nguồn cung cấp điện ngày càng lớn. Cùng với đó, hạ tầng viễn thông kết nối giữa đảo và đất liền lúc cao điểm cũng quá tải.
Một homestay ở đảo Phú Quý được thiết kế khá bắt mắt.
Đầu tư hạ tầng kết nối du lịch
Điện lực Phú Quý quản lý nhà máy điện diesel có tổng công suất lắp đặt là 10 MW cùng với hệ thống điện mặt trời mỗi năm sản xuất gần 40 triệu kWh.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao của đảo Phú Quý, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đã chấp thuận dự án đầu tư mở rộng nguồn điện với kinh phí 240 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Điện lực Phú Quý cho biết, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đã phê duyệt dự án mở rộng nguồn diesel với công suất tăng thêm 6,4MW và hiện đang thực hiện, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Thiếu tá Phạm Hải Dương, Giám đốc Viettel Bình Thuận cũ, cho biết thêm hiện đơn vị đã có 2 tuyến vibar để cung cấp dịch vụ internet cáp quang băng thông rộng cũng như cho mạng di động tốc độ cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng internet của người dân.
"Chúng tôi cũng đã nghiên cứu 3 phương án để đáp ứng băng thông tốt hơn cho đảo Phú Quý trong thời gian tới theo xu hướng phát triển của xã hội. Dự kiến trong thời gian gần nhất sẽ bổ sung thêm 2 tuyến Viba mới đưa vào sử dụng (dung lượng 2.4Gbps). Và nghiên cứu triển khai công nghệ internet vệ tinh tầm thấp LEO (Low Earth orbit); đang phối hợp các đối tác nghiên cứu đánh giá tính khả thi của dự án cáp quang biển cho đảo Phú Quý", Thiếu tá Phạm Hải Dương nói.
Hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, theo đó đảo Phú Quý được tổ chức thành đặc khu trên cơ sở hợp nhất 3 xã hiện hữu gồm: Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải.
Ông Lê Hồng Lợi, Chủ tịch UBND Đặc khu Phú Quý cho biết, kể từ khi chính thức trở thành Đặc khu hành chính - kinh tế thuộc tỉnh Lâm Đồng (mới), địa phương đã khẩn trương kiện toàn bộ máy chính quyền đặc khu và bắt tay triển khai các nhiệm vụ, đảm bảo yêu cầu và phục vụ kịp thời các thủ tục hành chính cho nhân dân.
Đặc khu triển khai quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất vừa được tỉnh Bình Thuận cũ phê duyệt, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư, bố trí không gian phát triển hợp lý, bền vững.
Các công nhân đang vận hành nhà máy điện diesel
Ông Lê Hồng Lợi cũng cho biết thêm, việc chuyển đổi sang đặc khu là bước đi mang tính đột phá, song cũng đặt ra không ít vướng mắc trong giai đoạn đầu triển khai. Tuy vậy, với tinh thần chủ động và quyết liệt, Đặc khu Phú Quý đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh để đảm bảo vận hành bộ máy ổn định, hiệu quả.
Liên quan vấn đề hạ tầng phục vụ phát triển du lịch và đời sống dân sinh, địa phương cũng kiến nghị Trung ương triển khai chủ trương đầu tư tuyến cáp ngầm điện lưới quốc gia ra đảo, để thay thế hoàn toàn nguồn điện hiện tại và tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn.
Cùng với đó, đầu tư hệ thống lọc nước từ các hồ chứa, hướng đến bổ sung một phần lọc từ nước biển, tiếp tục đầu tư hồ chứa dự trữ nước và nâng cấp hệ thống cấp nước cho người dân và cơ sở kinh doanh.
Phát triển hạ tầng là chìa khóa để nâng cao chất lượng sống của người dân và giữ chân du khách. Vì vậy, Đặc khu Phú Quý sẽ tiếp tục kiến nghị tỉnh Lâm Đồng mới và Trung ương hỗ trợ đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hợp pháp để phát triển bền vững, nhất là ngành du lịch.
Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/du-lich/dac-khu-phu-quy-tinh-lam-dong-dau-tu-ha-tang-ket-noi-du-lich-post1213545.vov