Đặc phái viên Ukraine mà ông Trump chọn sẽ đưa Kiev thuận lợi đến bàn đàm phán?

Đặc phái viên Ukraine mà ông Trump chọn sẽ đưa Kiev thuận lợi đến bàn đàm phán?
15 giờ trướcBài gốc
Cuối tháng 11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn tướng Mỹ về hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên về hòa bình Ukraine. Giới phân tích cho rằng đây không phải là lựa chọn lý tưởng nhưng là lựa chọn hợp lý và có thể chấp nhận được đối với Ukraine.
“Sẽ không có việc bổ nhiệm nào hoàn toàn có lợi cho Ukraine dưới thời ông Trump. Chỉ cần người được bổ nhiệm không chống Ukraine là tốt rồi” - nhà phân tích chính trị người Ukraine Volodymyr Fesenko nói với tờ Kyiv Independent.
“Nếu bạn so sánh ông Kellogg với những người khác, ông ấy hoàn toàn có thể chấp nhận được” - vị chuyên gia nói thêm, dẫn chứng rằng hai lựa chọn trước đó của ông Trump là bà Tulsi Gabbard cho vị trí giám đốc tình báo quốc gia và ông Pete Hegseth làm bộ trưởng quốc phòng, đã gây ra sự bất an cho giới lãnh đạo Ukraine.
Tướng về hưu Keith Kellogg - người được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm đặc phái viên về hòa bình Ukraine. Ảnh: GETTY IMAGES
Thành tích của tướng Kellogg
Theo truyền thông Mỹ, ông Kellogg là một trung tướng đã nghỉ hưu, từng phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh vùng Vịnh.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, ông Kellogg là Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia giai đoạn 2017- 2018 và là Cố vấn an ninh quốc gia cho Phó Tổng thống Mike Pence từ năm 2018 đến 2021.
“Tướng Kellogg rất tận tụy với Tổng thống Trump vì đã đồng hành cùng ông trong cả ba chiến dịch tranh cử và cộng thêm thời gian ông Trump tại nhiệm” - ông Michael O'Hanlon, chuyên gia tại Viện chính sách Brookings (Mỹ), nhận xét.
Ông Daniel Hamilton - cũng là một chuyên gia tại Viện chính sách Brookings - mô tả tướng Kellogg là “một nhà lãnh đạo quân sự giàu kinh nghiệm” và “là người ủng hộ mạnh mẽ với Tổng thống Trump”.
“Ông Kellogg thân cận với ông Trump, đây là điều kiện tiên quyết đối với một đặc phái viên. Ông ấy cũng được coi là người chu đáo, thận trọng và giàu kinh nghiệm” - theo ông Peter Rough, Giám đốc Trung tâm Châu Âu và Á-Âu tại Viện Hudson (Mỹ).
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Charly Salonius-Pasternak tại Trung tâm Chính trị và Quyền lực Mỹ thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan cho rằng “điều quan trọng là bất kỳ đặc phái viên nào cũng phải được ông Trump lắng nghe và ngược lại phải được coi là đại diện phát ngôn thực sự cho tổng thống”.
Tướng Kellogg có kế hoạch gì cho cuộc chiến ở Ukraine?
Tướng về hưu Kellogg hiện là đồng chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ thuộc Viện Chính sách Nước Mỹ Trước tiên (Mỹ).
Vào tháng 5, ông Kellogg cùng một cố vấn khác của ông Trump là ông Frederick Fleitz, đã công bố báo cáo mang tên Cách tiếp cận Nước Mỹ Trước tiên đối với An ninh Quốc gia Mỹ. Báo cáo này phác thảo tầm nhìn của hai cố vấn này về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ông Keith Kellogg tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida (Mỹ) ngày 20-2. Ảnh: AFP
Tháng 6 vừa qua, hãng Reuters đưa tin rằng ông Kellogg và ông Fleitz đã đề xuất với ông Trump một kế hoạch ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine nếu Kiev không đồng ý tổ chức đàm phán hòa bình với Nga.
Theo chuyên gia Charles Kupchan - thành viên cấp cao của viện Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ông Kellogg sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa cam kết của ông Trump trong việc đưa Moscow và Kiev đến bàn đàm phán.
“Với tư cách là người từng tham gia xây dựng đề xuất tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến, ông Kellogg sẽ quyết liệt thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông Trump” - chuyên gia Charles Kupchan nêu quan điểm.
Kế hoạch của ông Kellogg nêu trong báo cáo bao gồm việc đóng băng đường ranh giới hiện tại ở Ukraine. Theo đó, việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ bị gác lại trong “một thời gian dài”.
Chiến lược này cũng đề xuất giảm bớt một phần các lệnh trừng phạt phương Tây đối với Nga để khuyến khích Điện Kremlin thực hiện các bước hướng tới hòa bình.
Khi trả lời phỏng vấn hồi tháng 7, ông Kellogg từng nhấn mạnh: “Nếu Ukraine không muốn đàm phán, không sao, nhưng hãy chấp nhận rằng bạn sẽ chịu tổn thất lớn ở các TP, phải chứng kiến con em mình hy sinh. Không phải 130.000 người chết mà sẽ là 230.000-250.000”.
Báo cáo của ông Kellogg và ông Fleitz cũng lặp lại quan điểm rằng việc NATO mở rộng là nguyên nhân khiến Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Quan điểm khớp với phát ngôn mà ông Trump đưa ra một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6.
Điểm tích cực với Ukraine
Ở khía cạnh tích cực, kế hoạch của ông Kellogg bao gồm việc áp thuế đối với năng lượng nhập khẩu từ Nga để tài trợ tái thiết Ukraine.
Theo kế hoạch, nếu Ukraine đồng ý đàm phán hòa bình, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ quân sự để ngăn chặn Nga tấn công. Nếu Nga không chấp nhận thỏa thuận hòa bình, Mỹ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Chiến lược của ông Kellogg cũng kêu gọi một “thỏa thuận hòa bình toàn diện, kèm theo các đảm bảo an ninh”, đồng thời cho rằng phải đưa Ukraine vào vị thế thuận lợi trước khi bắt đầu đàm phán.
Tuy nhiên, ông Kellogg lưu ý rằng việc Ukraine có thể mất nhiều thời gian để giành lại toàn bộ lãnh thổ là “thực tế không thể phủ nhận”. Ông nhấn mạnh rằng không thể yêu cầu Ukraine từ bỏ mong muốn giành lại các vùng lãnh thổ nhưng nên sử dụng các biện pháp ngoại giao để đạt được mục tiêu.
Vị tướng Mỹ chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden vì đã không cung cấp đủ và kịp thời các khí tài như tiêm kích F-16, xe tăng và vũ khí tầm xa, đồng thời không cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
“Bạn cần phải cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine vì không thể tin tưởng vào Nga. Đôi khi, cần có tầm nhìn dài hạn – đó là đảm bảo an ninh, hỗ trợ tài chính và quân sự” - theo báo cáo của ông Kellogg.
Để đảm bảo an ninh cho Ukraine, ông Kellogg đề xuất ký kết một “thỏa thuận phòng thủ” với Kiev tương tự các thỏa thuận của Mỹ với Hàn Quốc.
Ông Kellogg khẳng định các yêu cầu của Nga về việc Ukraine phải giải giáp quân sự và giảm quy mô quân đội là “không thể chấp nhận được”.
Phản ứng Ukraine: Sự lựa chọn hợp lý?
Chính quyền Ukraine đã phản ứng tích cực với việc ông Trump chọn ông Kellogg.
“Ông Keith Kellogg không phải là người mới đối với Ukraine. Đại sứ quán Ukraine tại Mỹ đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ông ấy, đặc biệt là trong khuôn khổ ngoại giao chuyên gia trong những năm gần đây” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi nói hôm ngày 28-11.
Chuyên gia Max Bergmann tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói với Kyiv Independent rằng ông Kellogg “nên nhận ra cách duy nhất để đàm phán thành công là khiến Ukraine trở nên mạnh mẽ nhất có thể theo cách hòa bình thông qua sức mạnh”.
“Điều đó có nghĩa là tiếp tục viện trợ và yêu cầu quốc hội Mỹ thông qua thêm các gói hỗ trợ khác” - ông Bergmann nói.
Còn theo GS Roland Paris tại ĐH Ottawa (Canada), tướng Kellogg là lựa chọn hợp lý cho vị trí đặc phái viên tổng thống Mỹ về hòa bình Ukraine.
“Ông ấy đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đàm phán khi Ukraine ở vị thế mạnh mẽ. Ông ấy dường như hiểu được mối đe dọa mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ra, và ông ấy đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp cho Ukraine những đảm bảo an ninh vững chắc” - GS Paris nhận định.
Tương tự, ông Michael O'Hanlon, một nhà phân tích chính sách quốc phòng, chia sẻ rằng ông “lạc quan” khi ông Trump chọn ông Kellogg thay vì ông Richard Grenell, cựu đại sứ tại Đức, người từng nằm trong danh sách ứng viên cho vị trí này.
Chuyên gia Fesenko cũng tin rằng ông Grenell “cực đoan hơn và có xu hướng gây áp lực mạnh lên Ukraine, trong khi ông Kellogg thực tế hơn”.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/dac-phai-vien-ukraine-ma-ong-trump-chon-se-dua-kiev-thuan-loi-den-ban-dam-phan-post822494.html