Theo nhiều nghệ nhân tại làng nghề gốm Gia Thủy, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan (nay là xã Gia Tường, tỉnh Ninh Bình), gốm Gia Thủy được khởi nguồn vào năm 1959 do một số thợ gốm ở Thanh Hóa đã di cư về đây và mở ra các lò gốm chuyên làm các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt cho bà con nhân dân như chum, vại, nồi, niêu… Sau đó, những người con ven sông Bôi đã không ngừng trau dồi, học hỏi và phát triển nghề đến ngày nay.
Đất làm gốm Gia Thủy được tuyển chọn và sàng lọc kỹ lưỡng qua nhiều công đoạn
Đặc trưng từ chất đất
Ông Trịnh Văn Dũng, thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống lâu đời gắn bó với gốm, hiện là Giám đốc HTX gốm Gia Thủy cho biết: “Nghề gốm Gia Thủy không phải nghề bản địa, tuy nhiên do nguồn nguyên liệu sẵn có và đặc biệt ở địa phương, kết hợp những bàn tay tài hoa, lòng yêu nghề của những người thợ đã tạo nên sức sống mãnh liệt của gốm Gia Thủy”.
Gốm Gia Thủy có nét riêng, độc đáo và khác lạ so với nhiều loại gốm nổi tiếng khác là do chất đất nơi đây vô cùng đặc biệt khi được pha trộn ba màu đất nâu, xanh, vàng, có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt.
Đất sau khi được tuyển chọn kỹ lưỡng sẽ được đem phơi khô, sau đó đập nhỏ và cho vào bể ngâm 5 – 7 giờ. Tiếp đó được người thợ nguấy đều, rồi lọc qua sàng để chọn lấy mộng đất, chất đất tốt nhất đem phơi ra sân hoặc dán lên tường.
Nhìn đơn giản là vậy, tuy nhiên công đoạn phơi đất này nếu khô quá hoặc ẩm quá đều rất khó làm gốm. Vì vậy, người thợ khi phơi phải thường xuyên quan sát độ ẩm của đất nhằm đảo bảo độ dẻo. Sau đó, đất được chuyển vào xưởng, khi đó người thợ đạp nhuyễn đất thêm ba lần nữa, lúc đó đất mới sẵn sàng để tạo hình.
Các nghệ nhân của làng nghề gốm Gia Thủy luôn miệt mài chăm chút cho từng sản phẩm
Tùy vào từng sản phẩm mà người thợ sẽ lăn đất tạo thành những hình khối khác nhau. Đối với chum, vại, người thợ sẽ nặn ra những thớ đất dài, tròn để khi đưa lên bày xoay sẽ được khớp lại một cách được dễ dàng. Những người thợ lành nghề của làng sẽ tạo hình được 20 sản phẩm cỡ lớn/ngày và khoảng 50 – 60 sản phẩm kích cỡ nhỏ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Mai cho biết: “Chị bén duyên với nghề gốm khi chỉ là một cô bé theo chân ông cha tới xưởng, đến nay trải qua 35 năm gắn bó, tình yêu với đất với gốm vẫn không ngừng chảy trong huyết quản của chị. Hiện chị phụ trách khâu tạo hình (trong nghề gọi là chuốt). Khi chuốt cần con mắt thẩm mỹ cao và độ khéo léo, uyển chuyển của đôi tay vừa tạo hình vừa tạo độ dầy, mỏng đồng nhất cho sản phẩm”.
Nghệ nhân Đinh Ngọc Hà, người chuyên trang trí họa tiết chia sẻ: “Gốm Gia Thủy chủ yếu dùng họa tiết phổ thông, mang đậm văn hóa của dân tộc như tranh tứ quý, hoa sen… Khi trang trí, ngoài bàn tay khéo léo, yêu nghề, kiên trì, nghệ nhân cần phải am hiểu nét văn hóa dân tộc Việt Nam nhằm tránh đưa những hình ảnh, văn hóa lai tạp lên sản phẩm gốm truyền thống”.
Họa tiết, hoa văn trên gốm Gia Thủy luôn mang đậm nét văn hóa của dân tộc
Sau khi tạo hình hoàn chỉnh, sản phẩm được phơi nắng để khô tự nhiên, sau đó đưa vào lò nung truyền thống bằng củi đến nhiệt độ 1.200 – 1.500 độ trong vòng 3 ngày 3 đêm. Gốm thành phẩm hóa sành có nước da nâu bóng (người dân thường gọi là men da lươn), chứa nước không bị thấm, đựng rượu thì thơm, êm.
“Giữ lửa” nghề truyền thống
Trước kia ở thời hoàng kim của nghề, cả làng có trên 40 xưởng sản xuất gốm, trong đó có nhiều xưởng có hàng trăm lao động thường xuyên. Tuy nhiên, do những biến động của thời gian và thị trường nên giờ đây hầu hết các nghệ nhân của làng nghề tập trung sản xuất tại HTX gốm Gia Thủy để cùng nhau phát triển làng nghề.
Hơn 60 năm trôi qua nhưng gốm Gia Thủy vẫn giữ được nét riêng có, đây là dòng gốm không tráng men mà để mộc đem nung. Các sản phẩm gốm Gia Thủy nhìn thô ráp, đơn sơ không nhiều họa tiết cầu kỳ, hay mạ vàng… như nhiều sản phẩm gốm khác, nhưng vẫn đảm bảo tính hài hòa, tinh tế, mộc mạc và giá trị sử dụng cao.
Gốm Gia Thủy được phơi khô tự nhiên dưới nắng trước khi đem nung
Để đáp ứng nhu cầu cao hơn nữa của thị trường, ngoài các dòng sản phẩm chính như chum, vò, vại, ấm trà…làng nghề hiện đã cho ra nhiều dòng sản phẩm mỹ nghệ được thị trường đón nhận.
Nghệ nhân Trịnh Văn Dũng cho biết: Trong HTX hiện có hơn 60 thợ lao động với 10 nghệ nhân, không ít người có thâm niên trong nghề hàng chục năm. Mỗi năm làng nghề cho ra lò hàng nghìn sản phẩm, hàng ra đến đâu hết đến đó. Đặc biệt là vào dịp cận Tết, khác thập phương đổ về khiến HTX làm việc không ngơi tay để cung ứng cho thị trường.
Hơn 60 năm qua, gốm Gia Thủy được thị trường trong và ngoài nước đón nhận và đánh giá cao nhớ nét riêng, đặc sắc của mình
“Tuy đầu ra cho sản phẩm tốt nhưng nguyên liệu lại đang dần khan hiếm từ nguồn đất sét tại chỗ, đến củi đốt. Thêm vào đó HTX cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Được biết, để đảm bảo sản xuất cho làng nghề, chính quyền địa phương đã quy hoạch vùng nguyên liệu rộng 2ha. Cùng với đó, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, HTX huy động vốn để tiến hành xây dựng. Đặc biệt là không ngừng hỗ trợ đào tạo nghề cho thế hệ trẻ để tiếp nối cha ông“giữ lửa” cho gốm Gia Thủy.
Làng nghề gốm Gia Thủy được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2007. Làng nghề đã và đang tạo công ăn việc làm cho hơn 60 lao động. Mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng, riêng những người thợ tay nghề cao từ 15 – 20 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm gốm Gia Thủy còn có mặt ở các thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Nhật Bản.
ANH TÚ