Đặc sắc Lễ hội Phủ Dầy

Đặc sắc Lễ hội Phủ Dầy
2 ngày trướcBài gốc
Quần thể di tích Phủ Dầy ở xã Kim Thái (Vụ Bản) được coi là một trong những trung tâm thờ Mẫu lớn nhất nước ta. Mỗi độ tháng ba âm lịch, mảnh đất linh thiêng Kim Thái lại rộn ràng trong không khí Lễ hội Phủ Dầy với nhiều hoạt động nghệ thuật dân gian phong phú, thu hút đông đảo du khách thập phương hành hương và chiêm bái.
Tháng Ba được xem là “tháng giỗ Mẹ” – tức dịp kỷ niệm ngày hóa của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị thần mẫu quyền năng được nhân dân tôn vinh như một biểu tượng cho khát vọng tự do, đức hiếu nghĩa, tinh thần yêu nước và sự nhân từ độ lượng. Dọc theo những nẻo đường quanh co giữa cánh đồng lúa xanh mát của xã Kim Thái, du khách thập phương có thể bắt gặp hơn 20 di tích khác nhau. Mỗi điểm đều gắn liền với truyền thuyết về công đức Mẫu, từ nơi “giáng trần” đến chốn “lên tiên”, tạo thành một hệ thống di tích đa dạng như Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Chúa Liễu… Sự quần tụ của các kiến trúc tâm linh ấy góp phần tôn vinh Nam Định như một trong những trung tâm tín ngưỡng lớn của cả nước. Điều đặc biệt, Lễ hội Phủ Dầy vừa mang ý nghĩa tôn giáo, vừa phản ánh đời sống văn hóa dân gian phong phú của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng châu thổ sông Hồng.
Đoàn rước kiệu Phủ Chính Tiên Hương.
Ngay từ những ngày đầu tháng ba âm lịch, khắp xã Kim Thái đã rộn ràng trong âm vang của chiêng trống, những lá cờ hội rực rỡ, ánh đèn lồng lung linh, cùng dòng người náo nức đổ về. Nhiều du khách chọn lưu trú trong làng và các khu vực lân cận để được hòa mình trong suốt quá trình diễn ra lễ hội. Đi trên những con đường làng, ai nấy đều cảm nhận được hương lúa non ngan ngát, xen lẫn hương trầm từ phủ, đền, chùa. Mỗi ngôi nhà nơi đây tựa như mở rộng cửa đón khách, thể hiện tấm lòng mến khách, vốn là nét đẹp truyền thống của người dân Nam Định. Suốt hơn một tuần lễ (từ mùng 1 đến mùng 10/3 âm lịch), nhiều nghi thức của tín ngưỡng thờ Mẫu được cử hành trang trọng. Những nghi thức như lễ rước nước “mộc dục” (hay còn gọi là nghi lễ tắm tượng thánh), rước đuốc, rước thỉnh kinh, hoa trượng hội… đan xen với các cuộc thi văn nghệ, trò chơi dân gian. Trong nhiều nghi lễ, nghi thức rước thỉnh kinh, rước đuốc đăng long và màn hoa trượng hội (kéo chữ) được coi là ba “điểm nhấn” đặc biệt, hội tụ đông đảo người tham gia và thu hút sự chú ý của khách thập phương. Rước thỉnh kinh nhằm biểu thị mối liên kết hài hòa giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo. Đây cũng là dịp để mọi người tỏ lòng tôn kính, cầu mong Thánh Mẫu ban phúc và hướng tới sự an lạc trong tâm hồn. Hàng dài người nối nhau trong những bộ trang phục truyền thống đỏ, vàng, xanh rực rỡ, đi kèm đội kèn, trống, cờ hội, lọng… nối đuôi nhau dọc các nẻo đường.
Quang cảnh đoàn rước về Phủ Chính Tiên Hương.
Rước đuốc đăng long lại mang màu sắc lộng lẫy, lung linh trong đêm. Ở Phủ Chính Tiên Hương, khi màn đêm buông xuống, ngọn lửa thiêng được châm từ nơi tôn nghiêm trong cung cấm, rồi trao tay những “tráng sĩ” làm nhiệm vụ tiếp lửa. Từ một ngọn lửa ban đầu, hàng nghìn ngọn đuốc lần lượt bùng sáng, kết thành một “dải lửa” khổng lồ uốn lượn, tượng trưng cho hình rồng. Dẫn đầu đoàn rước là các màn múa rồng, múa sư tử; tiếp đến là mô hình rồng lớn được kết đèn rực rỡ, chiếu sáng cả vùng quê. Ngọn lửa tượng trưng cho sức mạnh và ánh sáng của niềm tin, lan tỏa khát vọng ấm no, an lành. Người dân vùng lân cận kéo đến xem đông như trẩy hội, đứng kín hai bên đường, hòa theo nhịp trống dồn dập, chứng kiến khoảnh khắc vùng quê bừng sáng trong đêm hội. Trong khi đó, hoa trượng hội (kéo chữ) là bức tranh về nghệ thuật diễn xướng tập thể, có nguồn gốc từ tục xưa của dân phu Kẻ Dày. Theo truyền thuyết, khi xưa có cô gái họ Ngô ở Kẻ Dày được tuyển vào phủ Chúa Trịnh, trở thành Vương phi. Thời điểm ấy, dân Kẻ Dày khốn khó vì thiên tai lũ lụt liên miên, song vẫn phải lên kinh thành đắp đê theo lệnh triều đình. Thấy dân phu vất vả, thiếu lương thực, Vương phi đã xin Chúa Trịnh cấp thêm lương rồi cho họ trở về quê lo việc đê điều tại địa phương. Vui mừng khôn xiết, đoàn người trước khi về lại ghé Phủ Dầy tạ ơn Mẫu. Tục rằng, họ bày cuốc, xẻng thành chữ để bày tỏ lòng tri ân. Từ đó, lễ hội kéo chữ trở thành một phần không thể thiếu tại Phủ Dầy. Ngày nay, người dân dùng gậy dài quấn giấy sặc sỡ, đầu gậy buộc chùm lông gà, xếp đội hình vài trăm người, tuân theo hiệu lệnh của “tổng cờ”, “đốc cờ” cùng nhịp trống để tạo nên những chữ Hán: “Thánh Cung Vạn Tuế”, “Thiên Hạ Thái Bình”, “Quốc Thái Dân An”... Cứ xếp xong chữ, ban giám khảo cao niên sẽ duyệt, chấm điểm, rồi lại tiếp tục xếp chữ khác. Cả một không gian khoáng đạt, tràn đầy sự hào hứng, phấn khởi, tiếp nối truyền thống “kéo chữ” suốt nhiều thế kỷ.
Rước đuốc tại Phủ Chính Tiên Hương.
Không thể thiếu trong Lễ hội Phủ Dầy là nghi lễ hầu đồng, hát văn – một biểu đạt tinh túy trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Khách hành hương đến Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát không khỏi say đắm trước những giá đồng lung linh, từng lớp trang phục thay đổi tương ứng với mỗi vị thánh giáng đàn. Giọng hát văn vang lên dìu dặt, khơi gợi cảm xúc linh thiêng, dẫn dắt người nghe trở về cội nguồn. Sự hòa quyện của trống, phách, đàn nguyệt, tiếng nhị và giọng hát cung văn tạo nên không khí thiêng liêng. Qua mỗi giá đồng, người xem được chiêm nghiệm nét đẹp tâm linh, thấy được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Những ngày hội còn trở nên đa dạng hơn nhờ các cuộc thi và trò chơi dân gian: đánh cờ người, múa rồng, múa lân, đấu võ, đấu vật, thổi cơm thi… Tất cả tạo bầu không khí sôi nổi như một hội làng mở rộng. Trong cờ người, các nam thanh, nữ tú vào vai “quân cờ”, đội mũ, khoác áo màu sắc khác nhau. Mỗi bước đi, mỗi cú ra đòn đều được “quân cờ” thể hiện một cách sống động, uyển chuyển. Ở đấu võ, đấu vật, các đô vật quấn đai, dàn chân chắc nịch thi đấu gây phấn khích cho khán giả vây quanh.
Xếp chữ "Thiên" trong lễ hội Phủ Dầy.
Nhằm quản lý và tổ chức Lễ hội Phủ Dầy một cách bài bản, chính quyền xã Kim Thái và Ban tổ chức lễ hội hàng năm đều xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông. Theo ông Trần Khắc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Kim Thái: “Từ nhiều tuần trước lễ hội, lực lượng chức năng đã triển khai tuần tra, kiểm soát, phối hợp với các cơ sở tín ngưỡng để duy trì trật tự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hành hương. Về mặt trang trí và cơ sở vật chất, Ban tổ chức thiết lập hệ thống chiếu sáng, treo đèn lồng, cờ hoa, bố trí bãi giữ xe hợp lý, nhắc nhở người dân và khách tránh xả rác bừa bãi…”. Cùng với đó, công tác giáo dục và tuyên truyền ý nghĩa di sản cũng được chú trọng. Nhiều trường học trong xã Kim Thái đã lồng ghép chủ đề “Lễ hội Phủ Dầy” vào giờ ngoại khóa, mời các nghệ nhân hát văn, các bậc cao niên am hiểu lịch sử Thánh Mẫu đến chia sẻ câu chuyện, tập quán tín ngưỡng. Học sinh được tiếp cận thông tin đa dạng, từ truyền thuyết Thánh Mẫu, các giá đồng, tới cấu trúc kiến trúc, điêu khắc trong đền, phủ. Các hoạt động tham quan di tích, tập hát văn, làm đuốc giấy… nuôi dưỡng tình yêu của thế hệ trẻ với di sản quê hương, đảm bảo dòng chảy văn hóa được lưu truyền bền vững.
Biểu diễn văn nghệ dân gian tại Phủ Chính Tiên Hương.
Lễ hội Phủ Dầy không chỉ là sự kiện văn hóa – tâm linh đặc sắc gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, mà còn là dịp để cộng đồng hướng về cội nguồn, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp. Với không gian lễ hội rực rỡ sắc màu, những nghi lễ trang trọng, nghệ thuật hầu đồng – hát văn tinh tế cùng các trò chơi dân gian sôi nổi, Phủ Dầy trở thành điểm hẹn mùa xuân của hàng vạn du khách thập phương. Trong nhịp sống hiện đại, lễ hội vẫn giữ nguyên sức sống bền bỉ, góp phần lan tỏa và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam./.
Bài và ảnh: Viết Dư - Phương Anh
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/multimedia/202504/dac-sac-le-hoi-phu-day-cb47736/