Đặc sắc lễ hội Pơ thi của người Jrai!

Đặc sắc lễ hội Pơ thi của người Jrai!
4 giờ trướcBài gốc
Một số thanh niên bôi bùn, đất hóa trang thành các Pram. Ảnh: Minh họa
Theo quan niệm của người Jrai, sau khi chết linh hồn của người mất (atâu) vẫn ở lại cùng với người thân trong gia đình đến khi tổ chức lễ Pơ thi. Vì vậy sau khi chết, hàng ngày người thân trong gia đình đều phải đem cơm nước ra nhà mồ cho atâu như một thành viên của gia đình còn đang hiện hữu.
Lễ hội Pơ thi là một lễ hội đặc biệt của đồng bào dân tộc Jrai, được tổ chức với mục đích tiễn đưa linh hồn người chết về thế giới của Yang (thần). Đây là dịp gia đình sum họp cuối cùng với người khuất trước khi tiễn biệt họ về với thế giới của thần linh và tái sinh ở một kiếp khác. Người sống không phải chăm lo cơm nước hàng ngày ở nhà mồ nữa. Lúc này, người sống mới được xem là đã hoàn thành bổn phận đối với người chết. Người vợ hoặc chồng chính thức được tự do, có quyền tự do đi bước nữa.
Trong mùa Lễ bỏ mả năm nay, chúng tôi được chứng kiến một câu chuyện vô cùng cảm động của một người phụ nữ Jrai làm Lễ bỏ mả cho chồng. Chồng chị bị bệnh mất cách đây 9 năm, năm nay chị tổ chức Lễ bỏ mả cho chồng. Hàng ngày không kể nắng mưa, chị đều đặn mang cơm ra nhà mồ cho chồng suốt 9 năm dài đằng đẵng. Trong 9 năm đó, chị không hề trang điểm phấn son, không vui chơi ăn uống, hạn chế nói cười như một cách thể hiện lòng thành với người chồng quá cố. Một tấm long trung trinh, một “tiết hạnh khả phong” rất đáng khâm phục!
Lễ bỏ mả được tổ chức cho người chết từ 1 năm trở lên, thường khoảng từ 3 đến 5 năm; nhưng đôi khi đến 10 hoặc 20 năm. Pơ Thi là lễ hội lớn nhất, thể hiện đầy đủ nhất những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Jrai.
Pơ thi không chỉ có ý nghĩa là lễ tiễn biệt người chết về với thế giới thần linh, mà còn là dịp để kết nối tình cảm cộng đồng, là nơi trình diễn những tinh túy nhất của văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của người Jrai. Lễ hội không chỉ có sự tham gia của gia đình người mất mà còn có mặt của cả dòng họ, cộng đồng dân cư trong làng và cả những làng lân cận.
Chuẩn bị cho lễ hội Pơ thi, gia đình người thân cũng như thanh niên trong làng từ nhiều ngày trước, đã phải vào rừng tìm cây gỗ tốt đem về đẽo gọt làm ra những Kra côm (tượng nhà mồ): người canh giữ giấc ngủ cho người chết - thứ không thể thiếu trong lễ Pơ thi. Tượng nhà mồ là nơi kết tinh nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của đồng bào Jrai. Từ những cây gỗ vô tri qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nó trở thành những tác phẩm nghệ thuật vô cùng sống động, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách, nhất là những người yêu văn hóa bản địa Tây Nguyên.
Lễ hội Pơ thi thường được tổ chức trong 3 ngày đêm, làm cho những người tham gia phải “say mềm” theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; phải “chếnh choáng” trong trong men rượu cần, trong không gian văn hóa cồng chiêng và trong điệu xoang nhịp nhàng của người Jrai.
Nhà mồ được trang trí trước khi tổ chức Pơ thi. Ảnh: Xuân Hiền
Ngày đầu tiên của lễ Pơ thi, mọi người trong làng bắt đầu đổ về khu nhà mồ với những bình rượu ghè đầy ăm ắp bên ánh lửa bập bùng, tiếng cồng chiêng vang vọng. Những làng xung quanh chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng là kéo nhau đến tham dự lễ hội. Lễ hội bắt đầu tưng bừng, náo nhiệt vào lúc chiều tối.
Với người Jrai, Pơ thi là thời điểm chuyển giao giữa ngày buồn vì người mất đã qua và ngày vui của người sống đang đến. Tất cả quây quần bên nhau bên ché rượu nồng nàn, trong điệu xoang say đắm, bên ánh lửa bập bùng.
Một trong những nghi thức quan trọng của Lễ bỏ mả là nghi thức hiến tế trâu, bò cho người chết. Lễ hiến trâu, bò là một hành động tỏ lòng thành kính cho người đã mất. Trâu, bò hiến tế được đưa đến cột vào những cây cọc gỗ sau lưng nhà mồ. Khi mặt trời vừa lấp ló dạng, những trai tráng trong làng bắt đầu giết trâu, bò hiến cho người chết. Thịt trâu, bò được chế biến thức ăn phục vụ cho mọi người trong Lễ bỏ mả.
Ngày thứ hai, già làng tiến hành lễ cúng tế. Ông đổ rượu vào những xâu rượu cho thấm xuống nấm mộ, sau đó đọc những lời khấn chia tay với người đã khuất. Khi già làng cúng xong, người thân trong gia đình vào nhà mồ cùng nhau khóc thương, tiễn biệt người thân lần cuối.
Một số trai tráng trong làng đến nơi có nguồn nước bôi bùn, đất lên người, đeo mặt nạ hóa trang thành các Bram (hồn ma). Theo quan niệm của người Jrai, các Pram đi theo bảo vệ và dẫn dắt atâu về với thế giới của Yang.
Đêm thứ ba đêm trắng. Đây là đêm cuối cùng bên người chết nên tất cả dân làng sẽ thức trắng đêm. Khu nhà mồ bừng sáng bên ngọn lửa trong tiếng cồng chiêng vang vọng và điệu xoang bất tận. Nói như nữ sĩ Đào Phong Lan trong bài thơ “Đêm xoang Tây Nguyên” được nhạc sĩ Nguyễn Cường phổ nhạc: “Cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức!”. Cả cồng chiêng cùng người thức suốt đêm để tiễn biệt người khuất lần cuối, một lần cho vĩnh viễn.
Lễ hội Pơ thi là dịp để người Jrai thể hiện sự gắn kết cộng đồng, cũng là nơi mà những nét văn hóa đặc sắc nhất được trình diễn, lưu truyền. Ở đây, không gian văn hóa cồng chiêng được người Jrai thể hiện một cách tự nhiên và độc đáo nhất.
Nhà rông người Jrai. Ảnh: Xuân Hiền
Ở khu vực Tây Nguyên, rất ít nơi còn bảo tồn được nét nguyên bản của lễ hội Pơ thi truyền thống như ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Lễ hội Pơ thi ở đây thu hút rất đông du khách trong nước và cả khách nước ngoài.
Lễ hội này đã được chính quyền xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah đưa vào mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, với nét đặc sắc của lễ hội Pơ thi ở đây, thiết nghĩ cần “nâng tầm”, phát triển lễ hội Pơ thi ở đây thành một sản phẩm du lịch đặc sắc không chỉ của Gia Lai mà còn của cả khu vực Tây Nguyên.
Ngô Xuân Hiền
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/dac-sac-le-hoi-po-thi-cua-nguoi-jrai-a28375.html