Đặc sắc nghệ thuật hát ngâm Ariya

Đặc sắc nghệ thuật hát ngâm Ariya
một ngày trướcBài gốc
Hát ngâm Ariya không chỉ là một hình thức nghệ thuật dân gian mà còn có vai trò đặc biệt trong việc gìn giữ chữ viết và tiếng nói truyền thống của người Chăm. Chất liệu sáng tác của Ariya bắt nguồn từ chính đời sống sinh hoạt thường ngày, lễ hội, tang ma và các sự kiện có thật trong cộng đồng.
Nghệ nhân Châu Thị Đông (giữa) trao đổi nghệ thuật hát ngâm Ariya.
Theo thạc sĩ Lê Xuân Lợi - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa thời gian qua, địa phương luôn tạo điều kiện, động viên bà con trao truyền nghệ thuật trình diễn nghệ thuật hát ngâm Ariya để làm phong phú đời sống tinh thần. Qua khảo sát, hiện có 147 nghệ nhân thực hành diễn ngâm Ariya ở 22 làng Chăm trên địa bàn 7 xã và 2 phường thuộc tỉnh Khánh Hòa hiện nay.
Trong đó, có các nghệ nhân diễn ngâm Ariya tiêu biểu như Phú Bình Đồn, Kiều Thanh Nhẫn ở xã Thuận Nam; Bá Bình Lợi, Quảng Đại Hùng ở xã Phước Hậu; Châu Thị Đông, Thuận Ngọc Liêm ở xã Ninh Phước… Ariya là những câu thơ, bài thơ có độ dài ngắn khác nhau; có bài chỉ vài chục câu đến vài trăm câu, thường không ghi tên tác giả. Toàn tỉnh Khánh Hòa sưu tầm phổ biến trên 100 bài Ariya chủ yếu sáng tác thế kỷ XVI- XVII đến nay.
Nghệ thuật hát ngâm Ariya hình thành từ lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa của đồng bào Chăm. Các nghệ nhân có thể hát Ariya ở bất kỳ nơi đâu, tùy theo cảm xúc của tâm lý và hoàn cảnh tác động đến tâm hồn, tình cảm người nghệ sĩ dân gian. Người nông dân có thể hát Ariya để xua tan mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả trên đồng ruộng. Hoặc trong những dịp tang ma, bà con thân tộc đến thăm viếng người quá cố ở lại qua đêm, thường hát Ariya để chia sẻ buồn thương, xoa dịu sự mất mát người thân của gia chủ.
Hoặc trong những lúc nông nhàn, khi có lễ hội, các bậc cao niên thường hát Ariya nói về nhân tình, thế thái, việc hay, lẽ thiện ở đời để khuyên răn con cháu và trao truyền nghệ thuật trình diễn Ariya cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, Ariya được “truyền khẩu” từ đời này sang đời khác, từ người này sang người khác.
Sáng 24/7, ông Não Tiên - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phú Nhuận, xã Ninh Phước, đưa chúng tôi đến thăm gia đình nghệ nhân Châu Thị Đông ở khu dân cư Xóm Mới. Bà Đông là nghệ nhân tiêu biểu tâm huyết nghiên cứu, truyền dạy nghệ thuật trình diễn Ariya cho phụ nữ các cháu thiếu niên làng Chăm Phú Nhuận và bà con các làng Chăm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ngồi nghe nghệ nhân Châu Thị Đông hát, thấy bà như sống trong từng giai điệu, từng lời thơ.
Bà Châu Thị Đông giới thiệu cho chúng tôi nội dung cốt lõi của những tập sách Ariya chữ Chăm do cha ông xưa truyền lại. Trong đó có các Ariya nói về phong tục truyền thống quý báu trong đời sống, nghi lễ của đồng bào Chăm; lời răn dạy con cháu làm điều thiện lành, gìn giữ văn hóa tốt đẹp; lời dạy con gái, con trai làm tròn bổn phận trong gia đình, chung tay xây dựng xã hội tốt đẹp…
“Tôi và bà con làng Phú Nhuận rất vui mừng hay tin Nghệ thuật hát ngâm Ariya của đồng bào Chăm được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là kho tàng tri thức dân gian của người Chăm rất quý báu. Còn sức khỏe là tôi còn sưu tầm, tận tâm truyền dạy chữ Chăm cũng như nghệ thuật diễn ngâm Ariya cho con cháu” - nghệ nhân Châu Thị Đông phấn khởi chia sẻ.
Thuận Minh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/dac-sac-nghe-thuat-hat-ngam-ariya-10311217.html