Tiền Giang vốn được mệnh danh là “vùng thủ phủ trái cây”, quanh năm cây trái bốn mùa với nhiều sản vật độc đáo, các nghệ nhân đã tận dụng hoa, quả và các nguyên liệu tự nhiên tạo ra các sản phẩm chưng kết, chưng mâm ngũ quả, tạo nên một “hình ảnh” đặc biệt mang đậm giá trị văn hóa nghệ thuật lâu đời của người dân Nam bộ, thấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của con người.
Đồng thời, còn là “điểm tựa” tinh thần, tăng thêm sức mạnh và ý chí giúp họ vượt qua những thử thách, hiểm nguy trong cuộc sống. Do đó, các tác phẩm chưng nghi, chưng mâm ngũ quả thường được chưng kết trong các dịp lễ, tết với ý nghĩa là thờ cúng tổ tiên, ước mong sự đầy đủ, sung túc và hòa hợp.
Tác phẩm “Cửu Long tranh châu” của đơn vị TX. Cai lậy.
Để mọi thứ hài hòa luôn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ từ bàn tay của các nghệ nhân, người thợ, cùng với vốn kiến thức phong phú, am hiểu về văn hóa, lịch sử đã thể hiện tác phẩm chưng kết có chiều sâu, kết nối được ý tưởng nghệ nhân và cảm xúc người xem. Đối với tác phẩm chưng nghi, căn cứ vào chất liệu được phân ra làm 2 loại: Chất liệu khô và chất liệu tươi.
Những năm gần đây, nghệ thuật chưng nghi, chưng mâm ngũ quả ngày càng phát triển, thu hút nhiều nghệ nhân, đặc biệt là những nghệ nhân trẻ tiếp tục “giữ lửa” truyền thống, chưng kết với nhiều tác phẩm sáng tạo, độc đáo kết hợp giữ truyền thống và hiện đại. Trong đó, có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao trong các hội thi cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Tin tưởng rằng, trong sự phát triển của xã hội hiện nay, việc giữ gìn được sự khác biệt, nét đẹp vốn có của nghệ thuật truyền thống nghệ thuật chưng nghi, chưng mâm ngũ quả ở người dân Nam bộ nói chung và người dân Tiền Giang sẽ tiếp tục được duy trì và ngày càng phát triển.
Chất liệu khô thường sử dụng cho các tác phẩm hình khối, bằng cách tận dụng những gốc cây, nhánh cây có hình thù kỳ quái để sắp xếp, gia cố thành những con thú hoặc một tác phẩm mang tính ước lệ, để chuyển tải một nội dung, ý tưởng nào đó thể hiện ước vọng tốt đẹp của con người như: Tam đa (ba cái nhiều: Phúc nhiều, Lộc nhiều và Thọ nhiều; Ngũ phúc (năm điều phước, tức tốt lành: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh); tứ linh gồm: Long (rồng), Lân (kỳ lân), Quy (rùa), Phượng (phượng hoàng),… mang ý nghĩa phong thủy, tâm linh sâu sắc. Ưu điểm của các tác phẩm từ chất liệu này là thời gian sử dụng lâu, có thể trưng bày ở mọi nơi, nhất là ở ngoài trời. Còn với chất liệu tươi, nghệ nhân, người thợ sử dụng các loại hoa, lá, vỏ cây, hạt, quả, thân cây tươi… để lắp ghép tạo thành một bức phù điêu, hình khối hoặc tranh lắp ghép.
Đối với tác phẩm chưng mâm ngũ quả, tức là gồm 5 loại quả khác nhau. Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu gồm: Kim loại (kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa) và đất (thổ) - gọi là ngũ hành. Do đó, tục lệ chưng mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày lễ, tết của người Việt Nam là một trong những biểu hiện của tư tưởng này. Đồng thời, số 5 là con số cân bằng, con số của trật tự, thành ý và may mắn: Ngũ hành, ngũ sắc, ngũ vị, ngũ giác, ngũ quan, ngũ phúc… Tùy theo đặc điểm tự nhiên, phong tục tập quán và quan niệm, người dân sẽ có cách chọn các loại quả đặc trưng mang ý nghĩa riêng, sắc thái riêng của mỗi vùng, miền.
Tác phẩm đoạt giải Nhất tại Hội thi Chưng nghi, mâm ngũ quả chào mừng kỷ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 2025.
Ngày nay, nhằm duy trì, lưu giữ và phát triển nền nghệ thuật truyền thống, các tác phẩm chưng nghi, chưng mâm ngũ quả được thể hiện với nhiều hình thức phong phú khác nhau. Đặc biệt, nhiều địa phương tổ chức thành hội thi trong những dịp lễ hội, hội xuân, kết hợp đa dạng với chưng nghi và chưng mâm ngũ quả… được các nghệ nhân, người thợ thể hiện theo phong cách riêng, đẹp mắt và ấn tượng.
Vừa qua, tại Hội thi chào mừng kỷ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, nghệ nhân Nguyễn Phạm Tính, huyện Chợ Gạo cho biết: “Để tăng tính thẩm mỹ và đúng với ý nghĩa của từng chủ đề, nghệ nhân, người thợ phải thiết kế về bố cục, tạo hình con vật đầy đủ màu sắc và kết hợp hài hòa những loại trái cây, hoa quả với nhau. Việc tạo hình rồng, phụng phải tùy kích cỡ quy mô to, nhỏ được tạo hình từ mút xốp hoặc thân cây chuối và ước tính về số lượng các loại hoa, quả đính kèm.
Cụ thể, thân rồng được kết ghép từ những trái cau nhỏ, ớt, đậu bắp làm vảy rồng, trái dừa nước làm chân rồng… được tạo hình uốn lượn, mạnh mẽ biểu hiện cho sự quật cường của dân tộc. Đồng thời, tác phẩm còn kết hợp với việc chưng ngũ quả từ các loại trái cây mang đặc trưng của địa phương như: Thanh long, bưởi, đu đủ…”.
Tác phẩm chưng nghi, chưng mâm ngũ quả được thể hiện từ bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân, người thợ.
Bên cạnh đó, tác phẩm chưng nghi, chưng mâm ngũ quả với hình ảnh “tứ linh hội tụ” của đơn vị huyện Châu Thành đoạt giải Nhất trong Hội thi Chưng nghi, mâm ngũ quả chào mừng kỷ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 2025 được đơm kết rất độc đáo với những loại trái cây thể hiện rõ tính bình dị, dân dã của quê hương Châu Thành.
Chia sẻ về ý nghĩa của tác phẩm, ông Viên Nguyễn Trung Kiên, đơn vị huyện Châu Thành cho biết: Tác phẩm với hình ảnh “tứ linh hội tụ” tạo nên một bức tranh tổng thể đầy mạnh mẽ, tượng trưng cho sự hài hòa, may mắn, phúc lộc và bảo vệ, đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng. Đặc biệt, yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm này thể hiện bố cục hài hòa giữa các con vật và cần sự thận trọng, tỉ mỉ gắn chi chít những phụ kiện để tạo hình con vật sinh động, độc đáo trong tác phẩm thể hiện được thông điệp, ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt…
HẢI ĐĂNG