Người dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên phơi miến dong. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN
*Tại Điện Biên: Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đặc sản Điện Biên như thịt gác bếp, miến dong tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, những ngày này, khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến gần, các hợp tác xã, hộ gia đình làm miến dong, thịt gác bếp tại Điện Biên đang tất bật sản xuất để kịp đơn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Tại Hợp tác xã chế biến miến dong Lộc Biên (thôn Thanh Đông, xã Thanh Xương) cơ sở chế biến miến lớn nhất địa phương trong những ngày này không khí sản xuất ở đây rất nhộn nhịp, khẩn trương với nhiều công đoạn như cắt miến, phơi miến, đóng gói và vận chuyển miến đến các cơ sở tiêu thụ.
Ông Đặng Văn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã chế biến miến dong Lộc Biên chia sẻ, ban đầu chỉ sản xuất nhỏ lẻ nhưng với kinh nghiệm làm miến dong lâu đời nên nhiều năm qua sản phẩm chúng tôi làm ra đã tạo được thương hiệu và được người tiêu dùng tin yêu.
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2021, gia đình thành lập Hợp tác xã chế biến miến dong Lộc Biên, với máy móc được trang bị hiện đại, sản phẩm chất lượng hơn, làm nhanh hơn, đóng gói mẫu mã đẹp hơn. Đến nay, miến dong Lộc Biên không chỉ có mặt trên thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các tỉnh phía Bắc của Lào.
Những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, Hợp tác xã chế biến miến dong Lộc Biên đã huy động toàn bộ công nhân làm ngày làm đêm để kịp đơn hàng Tết. Hiện hợp tác xã có hàng nghìn phên phơi miến, với 20 công nhân làm việc, ngày bình thường chỉ sản xuất ra khoảng 8 tạ miến khô/ngày thì những tháng giáp Tết, hợp tác xã phải thuê thêm 20 công nhân thời vụ để tăng số lượng sản xuất từ 8 tạ lên 1,2 tấn miến khô/ngày, nhưng miến sản xuất ra đến đâu là bán hết đến đó.
Sản phẩm miến dong Lộc Biên được sản xuất với nhiều loại khác nhau như miến sợi to, sợi nhỏ, loại miến buộc dây, loại đóng túi, có giá bán dao động từ 55.000 đồng đến 65.000 đồng/kg. “Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, đơn hàng ngày càng nhiều, do sản xuất không kịp nên không dám nhận”, ông Lộc cho biết thêm.
Để làm thành một sợi miến khô phải trải qua rất nhiều công đoạn, trong đó nguyên liệu đầu vào là điều quan trọng. Miến dong Lộc Biên được chế biến từ củ dong riềng được trồng trên đất Điện Biên. Sau khi thu hoạch củ dong riềng được đem đi xay bột, lọc bột loại bỏ tạp chất, làm chín bột và cho vào máy cắt khuôn thành từng sợi to, nhỏ khác nhau rồi mang đi phơi khô. Miến ra khuôn được phơi nắng với nhiệt độ vừa phải trên các giàn tre tránh bị giòn, gãy. Sau khi thành phẩm sợi miến có màu trong hơi xám, khi nấu sợi dẻo, mềm, dai và có vị thơm ngon của dong riềng.
Người dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên sấy thịt. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN
Ngoài miến dong, thịt trâu gác bếp ở xã Thanh Xương là món ăn yêu thích của người dân nên đã có rất nhiều khách hàng đặt mua dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Cơ sở sản xuất thịt gác bếp Minh Nguyệt của gia đình chị Vương Thị Minh Nguyệt ở bản Bôm La (xã Thanh Xương) vào những ngày này, lúc nào cũng duy trì từ 5 đến 6 nhân công thực hiện các khâu từ lọc, ướp thịt và đem gác bếp. Mùi thơm của các loại gia vị như ớt, gừng, tỏi, mắc khén... quyện vào từng thớ thịt khiến ai nấy đều xuýt xoa muốn thưởng thức.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm và bán thịt sấy nên các sản phẩm của gia đình chị Nguyệt luôn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng đặt hàng nhất là dịp Tết Nguyên đán. Theo chị Nguyệt, nếu như ngày thường gia đình chị sản xuất và bán ra từ 30kg đến 40 kg thịt sấy, vào những ngày giáp Tết, mỗi ngày gia đình chị bán từ 80kg đến 90kg. Thịt trâu của gia đình chị hiện bán từ 900 đến 950 nghìn đồng /kg đối với giá bán lẻ và 850 nghìn đồng/kg đối với bán sỉ. Mặc dù giá bán trên là cao so với thị trường nhưng sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó.
Để có được sản phẩm ngon, chị Nguyệt cho biết, nguyên liệu đầu vào phải lựa chọn kỹ càng, loại thịt trâu thả rông trên đồi núi, tươi ngon đảm bảo độ săn chắc, không có mỡ. Sau khi sơ chế, tẩm ướp gia vị, thịt được đem gác bếp trong thời gian hai ngày một đêm theo quy trình cẩn thận với bí quyết của gia đình. Thịt trâu gác bếp trước khi cung cấp ra thị trường không chỉ ngon, có hương vị đặc trưng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn được đóng gói với mẫu mã đẹp, bắt mắt.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Ngô Xuân Chinh, miến dong Lộc Biên và thịt trâu gác bếp Minh Nguyệt ở xã Thanh Xương là 2 sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương. Thời gian tới UBND huyện tiếp tục động viên các hộ dân, các hợp tác xã tập trung sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán; trong đó, coi trọng mẫu mã, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đặc biệt là những sản phẩm đạt chuẩn Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP).
Tại huyện Điện Biên ngoài thịt trâu gác bếp, miến dong Lộc Biên, còn có nhiều sản phẩm nổi tiếng chất lượng khác như: Rượu nếp nương men lá, Gạo tám Điện Biên tâm sáng, Mật ong bánh tổ, Mật ong Hoa ban, Gạo Séng cù Trường Hương, Khăn Thổ cẩm Pa Thơm, Lạp xưởng hun khói bà Hương...đây đều là những sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm chất lượng nói trên không chỉ được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên mà còn có mặt trên các sàn thương mại điện tử nên rất thuận lợi để người tiêu dùng lựa chọn mỗi dịp Tết đến Xuân về.
*Tại Hà Tĩnh: Với hương vị thơm ngon đặc trưng và chất lượng vượt trội, cam giòn Thượng Lộc - đặc sản của vùng trà sơn huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Dù giá thành cao, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu loại quả đặc sản này. Thời điểm Tết Nguyên Đán 2025 cũng là lúc cam Thượng Lộc vào độ ngọt đậm, các nhà vườn tất bật thu hoạch cam phục vụ thị trường Tết.
Bà Phan Thị Hiền, chủ trang trại cam Thanh Hiền (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đang chuẩn bị cam gửi đi cho khách hàng. Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN
Xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) từ lâu được biết đến là “thủ phủ” của giống cam giòn tại Hà Tĩnh. Thời điểm này, cam đã chín ửng, nhuộm vàng rực khắp các sườn đồi tại vùng Trà Sơn Can Lộc. Các nhà vườn đã bắt đầu cắt hái bán cho các thương lái trong và ngoại tỉnh.
Trang trại cam của gia đình bà Phan Thị Hiền (Hợp tác xã cam Thanh Hiền, thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) hiện có 2,5ha trồng cam, riêng diện tích cây cam giòn chiếm 2/3 với khoảng 1.000 gốc. Năm nay, cùng với sự chăm sóc chu đáo của gia đình cùng với thời tiết thuận lợi nên vườn cam của hợp tác xã Thanh Hiền cho năng suất cao, với khoảng 50 tấn cam; trong đó, sản lượng cam giòn ước tính đạt 30 tấn, còn lại là cam chanh. Với diện tích này, gia đình bà Hiền dự tính thu về khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Bà Phan Thị Hiền, Chủ hợp tác xã cam Thanh Hiền cho biết, từ đầu vụ đến nay, gia đình bà đã cắt bán được khoảng 20 tấn cam các loại. Cam đang vào giai đoạn chính vụ, giá ổn định; trong đó, cam giòn có giá từ 60.000 đồng/kg còn cam chanh bán ra từ 35.000 đồng/kg. Thời điểm cận Tết giá cam giòn sẽ cao hơn, như Tết Nguyên đán 2024, giá cam giòn khoảng 150.000 đồng/kg nhưng vẫn không có bán. Tuy nhiên năm nay cam được mùa nên nguồn cung dồi dào hơn, giá cam giòn dự kiến sẽ giảm hơn so với năm ngoái.
Cam giòn Thượng Lộc được thu hoạch từ tháng 10 đến hết tháng 12 âm lịch. Khác với giống cam chanh, cam giòn quả nhỏ hơn, vỏ vàng ươm bắt mắt, tép giòn, mọng nước. Đặc biệt vị ngọt của giống cam giòn vượt trội hơn hẳn so với các dòng cam chanh, vì vậy, lâu nay cam giòn được biết đến nhiều hơn và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cách vườn cam của bà Phan Thị Hiền không xa là vườn cam của gia đình chị Dương Thị Mai (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) cũng đang chín vàng chờ thu hoạch. Để những cây cam không bị gãy cành do “quá tải”, vợ chồng chị phải dùng những thân cây cứng cáp, cột dây chằng chống. Nhiều cây sai quả, phải cần đến chục cột chống làm giá đỡ.
“Trung bình một cây cam cho 2-2,5 tạ quả/năm, những gốc cam đầu dòng có khi lên đến 3 tạ quả/cây. Sản lượng cam năm nay sẽ cao hơn năm ngoái khoảng 10 tấn do những lứa cây bói đã cho chính vụ. Ngoài ra, thời tiết thuận lợi, nhiều nắng, ít mưa khiến cam cho năng suất, chất lượng cao và ít rụng hơn những năm trước”, chị Mai phấn khởi.
Trang trại trồng cam của gia đình chị có khoảng 2.000 gốc trên diện tích 4 ha. Ước tính vụ mùa này, trang trại cam của gia đình chị cho sản lượng khoảng 40 tấn, doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận cao hơn khoảng 30% so với mùa vụ năm ngoái.
Ngoài bán tại vườn, những năm gần đây, các nhà vườn còn tận dụng các kênh bán hàng qua mạng xã hội như: Zalo, Facebook để quảng bá và giao dịch sản phẩm. Với giá bán cùng sản lượng đạt cao, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Thượng Lộc đang tiến hành chuyển đổi hoặc tăng thêm diện tích trồng cam giòn.
Theo ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, cây cam được coi là cây trồng chủ lực tại xã Thượng Lộc. Toàn xã có 500 hộ trồng cam với diện tích khoảng 236 ha bao gồm cam chanh và cam giòn; trong đó, cam giòn chiếm diện tích hơn 50%, tập trung chủ yếu ở các thôn Anh Hùng, Thanh Mỹ, Nam Phong, Sơn Bình… Theo đánh giá, vụ cam năm nay ước tính, sản lượng cam của xã Thượng Lộc sẽ đạt trên 2.000 tấn, mang lại giá trị kinh tế gần khoảng 60 tỷ đồng.
Phan Quân - Hoàng Ngà (TTXVN)