Các phạm nhân tại Trại Tạm giam Công an tỉnh cố gắng cải tạo tốt, sớm hòa nhập cộng đồng.
Niềm vui vỡ òa
Cầm trên tay quyết định đặc xá, chị Vũ Thị Thu Hương, trú tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) xúc động chia sẻ: “Với tội danh ghi lô đề, tôi chịu mức án 36 tháng tù giam và đã thụ án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Những ngày chấp hành án tại đây, chính sự động viên, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ trong trại đã giúp tôi nhận biết lỗi lầm, ăn năn, quyết tâm cải tạo thật tốt. Nay tôi được đặc xá, ra trước thời hạn so với mức án quy định, tôi rất vui và xúc động. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cán bộ trại giam đã cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời. Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ các phạm nhân đang chấp hành án hãy cố gắng cải tạo tốt để được hưởng khoan hồng của Nhà nước”.
Được biết, phạm nhân Vũ Thị Thu Hương có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố mẹ đều đã già yếu, thường xuyên ốm đau, cả 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định, lại nuôi 2 con ăn học. Gia cảnh khó khăn nên khi bị lôi kéo và tham gia vào đường dây ghi lô đề, Vũ Thị Thu Hương không chút đắn đo... Sau khi bị bắt và thụ án tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa, Vũ Thị Thu Hương đã chịu khó cải tạo, nghiêm túc chấp hành các nội quy, quy định của trại và được xét đề nghị đặc xá trước thời hạn 1 năm 1 tháng 18 ngày.
Nở nụ cười tươi trên môi, anh Lê Văn Lộc, sinh năm 1982 ở phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa hồ hởi tâm sự: “Trước đây, do cuộc sống khó khăn nên tôi mới sa vào con đường tội lỗi. Sau gần 2 năm ngồi tù, tôi đã thấu hiểu thế nào là giá trị cuộc sống. Vì vậy, trong thời gian thụ án tại trại, tôi đã luôn cố gắng cải tạo tốt và được đặc xá. Sau khi được về với gia đình, tôi sẽ tìm kiếm một công việc ổn định, quyết tâm sống tốt và làm người có ích cho xã hội”, anh Lộc chia sẻ.
Không chỉ có chị Hương, anh Lộc mà 44 phạm nhân khác được đặc xá dịp này đều có chung tâm trạng hồ hởi, phấn khởi bởi chính sách nhân văn này.
Được biết, để chuẩn bị cho đợt đặc xá này, Ban Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh đã công khai các tiêu chuẩn đặc xá bằng cách in, dán thông tin tại các buồng giam, nhà ăn và phát qua hệ thống loa truyền thanh. Hội đồng đặc xá của trại cũng thực hiện quy trình xét duyệt minh bạch, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Kết quả có 44 phạm nhân được đặc xá dịp 30/4 lần này.
Hành trình... tìm lại thiện lương
Sau 2 năm chấp hành án phạt tù về tội cố ý gây thương tích, năm 2023, anh Lương Văn Thượng, huyện Như Xuân trở về sum họp cùng gia đình. Cũng như nhiều người lầm lỗi khác “vấp” phải rào cản lớn nhất trong hành trình tái hòa nhập cộng đồng đó là tìm kiếm việc làm. Giữa lúc đang loay hoay không biết làm gì để kiếm kế sinh nhai, anh Thượng được lực lượng công an và cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân giới thiệu, bảo lãnh vào làm công nhân tại xưởng sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu của Công ty Nhật Dương. Bằng sự chịu khó và tích cực lao động sản xuất, đến nay anh đã có mức lương ổn định với thu nhập 15 triệu đồng/tháng.
Trở về sau gần 7 năm chấp hành án phạt tù với tội danh hiếp dâm trẻ em, tháng 4/2019, anh N.V.T, huyện Thọ Xuân trở về đoàn tụ với gia đình. Những ngày trở về tái hòa nhập cộng đồng, anh không dám bước chân ra khỏi nhà vì tự ti... Song, bằng tình thương yêu của gia đình, hơn 1 năm sau anh mới dám bước chân ra khỏi nhà, hòa nhập với bà con lối xóm.
Trút bỏ được những tư tưởng tiêu cực, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Sẵn có kinh nghiệm chăn nuôi khi còn đang ở trong trại, anh bàn với vợ mua lợn sữa về nuôi một thời gian, sau đó bán lợn giống cho người có nhu cầu. Được vợ ủng hộ và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thọ Xuân giải ngân số tiền 100 triệu đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi. Sau gần 2 năm phát triển chăn nuôi, đàn lợn của gia đình luôn duy trì số lượng 50 con (30 con lợn giống và 20 con lợn thịt). Mỗi năm, xuất bán từ 2-3 tấn lợn giống và hơn 6 tấn lợn thịt đã đem lại cho gia đình khoản lợi nhận hàng trăm triệu đồng/năm.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những phạm nhân sau khi đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng có cuộc sống, thu nhập ổn định. Thành công của họ trên con đường hoàn lương, không chỉ thể hiện sự quyết tâm làm lại cuộc đời mà đó còn là sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và lực lượng công an... Đó chính là điểm tựa của lòng nhân ái, sự bao dung và chính sách nhân đạo, đậm tính nhân văn của Đảng, Nhà nước ta đối với những người có quá khứ lầm lỗi.
Bài, ảnh: Minh Lý