Bối cảnh đặc biệt, không thể theo thủ tục thông thường
Chạng vạng ngày 11-11, nhóm phóng viên chúng tôi tìm được tới thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), nơi cách đây hai tháng xảy ra trận sạt lở đất kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 60 người, hiện vẫn còn 7 người mất tích. Những tia nắng cuối ngày yếu ớt rải xuống con suối nhỏ. Con suối này là thứ chuyển động duy nhất giữa một bãi lổn nhổn đất đá, gốc cây xám xịt. Dưới bãi đất đá ấy từng là trung tâm trù phú của Làng Nủ với một con suối nhỏ hiền hòa, dẫn nước trong vắt từ dãy núi Con Voi xuống cung cấp cho bà con nuôi thả cá tầm. Còn dòng nước đang chảy kia là con suối mới hình thành trên bề mặt bãi sạt lở, róc rách chảy giữa khung cảnh tan hoang càng làm tăng thêm vẻ quạnh quẽ nơi đây.
“Ngày xưa, ở đây không bằng phẳng như này đâu, anh ạ! Dưới đấy là thung lũng rất rộng. Từ đây xuống dưới thung lũng là nhiều thửa ruộng bậc thang rất đẹp. Dưới thung lũng có nhiều ruộng lúa, ao cá tầm và nhiều nhà của bà con. Nhưng bây giờ, tất cả đều nằm lại dưới hàng chục mét đất!”, Trưởng thôn Làng Nủ Hoàng Văn Diệp kể với chúng tôi, giọng run run chực khóc.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo (nay là Trung tướng), Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV thăm, động viên, kiểm tra các lực lượng làm nhiệm vụ trực phòng, chống khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển Tây Nam (tháng 3-2022). Ảnh: CHU ANH
Anh Diệp cho biết, hiện nay, những người dân Làng Nủ bị mất nhà cửa đang ở trong một khu nhà tạm cách điểm sạt lở này khoảng 1km. Còn khu định cư mới cho bà con cũng đang được xây dựng cách điểm sạt lở khoảng 2km.
Chúng tôi theo xe máy của anh Diệp, tìm lên khu định cư mới của bà con. Đó là khu vực đồi sim, nơi trước đây sim mọc bạt ngàn cung cấp sản phẩm OCOP làm giàu cho bà con nhân dân xã Phúc Khánh. “Theo khảo sát của các chuyên gia, đây là vùng đất an toàn nhất trong khu vực để làm nơi định cư mới cho nhân dân Làng Nủ”, anh Diệp cho biết.
Đồi sim lúc này đã được san gạt, 40 ngôi nhà sàn bằng bê tông đang dần thành hình hài trên những nền đất đỏ au. “Chúng tôi đang ra sức thi công ngày đêm, làm việc 22/24 giờ mỗi ngày, chỉ dành 2 tiếng đồng hồ cho máy móc nghỉ ngơi để kịp tiến độ giao nhà cho nhân dân trước ngày 22-12, theo chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”, Thượng tá Vũ Đình Dũng (Binh đoàn 12), Chỉ huy trưởng công trường dự án Khu nhà tái định cư Làng Nủ trao đổi với chúng tôi như vậy.
Để có được quỹ đất bàn giao cho Binh đoàn 12 xây dựng Khu nhà tái định cư Làng Nủ, lãnh đạo địa phương đã phải "làm tắt" so với quy định của pháp luật hiện hành. Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo cho biết, với sự trợ giúp của các cơ quan và các chuyên gia địa chất, khu vực đồi sim được xác định là nơi an toàn nhất để làm chỗ ở mới cho bà con Làng Nủ. Đây là đất rừng, theo quy định thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rồi phân đất cho bà con, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới được cấp phép xây dựng nhà cửa, công trình trên đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh người dân bị mất hết nhà cửa, buộc lãnh đạo huyện phải làm tắt, chưa theo đúng với quy định của pháp luật, cứ cho phép xây nhà tái định cư cho dân trước, rồi làm thủ tục sau.
Trước đó, trực tiếp có mặt tại thôn Làng Nủ từ những ngày đầu tiên sau sạt lở, các vị đại biểu Quốc hội khóa XV như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải (Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2); các vị đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai như Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường... đều đã rơi nước mắt trước cảnh tang thương và những mất mát quá lớn của nhân dân nơi đây. Trong số rất nhiều chỉ đạo được đưa ra ngay tại hiện trường, ngày 12-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải tìm kiếm nơi tái định cư mới cho những hộ dân bị mất nhà cửa với yêu cầu cao về tính an toàn và hoàn thành, bàn giao nhà cho nhân dân Làng Nủ trước ngày 31-12-2024.
Nhiệm vụ xây dựng khu nhà ở mới cho người dân thôn Làng Nủ được giao cho Binh đoàn 12. Giao nhiệm vụ cho Binh đoàn 12, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội khóa XV, yêu cầu phấn đấu hoàn thành trước ngày 22-12, bảo đảm chất lượng và mỹ thuật tốt nhất cho công trình vô cùng ý nghĩa này.
Giống như ở huyện Bảo Yên, nhiều địa phương khác của Lào Cai cũng phải “xé rào” xây dựng khu tái định cư cho những hộ gia đình bị mất nhà cửa bởi bão lũ, sạt lở đất tại những vùng đất không phải là đất thổ cư hoặc không được quy hoạch là đất ở. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bắc Hà (Lào Cai) Nguyễn Duy Hòa cho biết, dự án nhà tái định cư thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà) được triển khai trên một quả đồi trồng quế, dù rằng khu đất vẫn chưa được làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng. Bên cạnh những hộ gia đình có nhà bị sập hoàn toàn, còn có những hộ gia đình bị sập một phần nhà, hoặc nhà nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất cũng có nhu cầu cần tìm nơi ở mới an toàn hơn.
Đối với những hộ mất nhà, tập thể lãnh đạo huyện đã bàn bạc và thống nhất khuyến khích tạo điều kiện cho nhân dân tự tìm vị trí an toàn để dựng nhà mới. Sau đó, huyện sẽ rà soát lại quỹ đất trên địa bàn, từ đó có cơ sở để đề xuất chính sách hỗ trợ những hộ dân mất nhà, hoặc những hộ trong khu vực nguy hiểm cần phải di dời nhưng không tìm được đất ở. "Hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất miễn phí cấp lại đất cho hộ bị mất nhà do thiên tai. Theo quy định hiện nay thì phải thu tiền. Do đó, vấn đề này cần đề xuất và được HĐND tỉnh thông qua. Nếu vẫn bắt buộc phải thu tiền thì huyện sẽ tìm nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tiền này cho người dân, nhất là hộ nghèo", đồng chí Nguyễn Duy Hòa nói.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh, cách làm của các huyện như Bắc Hà, Bảo Yên cũng đều nhận được sự nhất trí của lãnh đạo tỉnh. “Bối cảnh đặc biệt không thể làm theo thủ tục hành chính bình thường. Nếu cứ triển khai theo đúng trình tự, thủ tục thì vài năm sau chưa chắc đã làm xong được khu tái định cư cho bà con. Tôi rất ấn tượng với câu nói của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là “vừa chạy vừa xếp hàng”. Câu nói đó rất đúng trong trường hợp này ở tỉnh chúng tôi. Chúng tôi phải tiến hành các phần việc song song với nhau, phấn đấu đến đúng hôm 31-12, khi bàn giao nhà thì cũng đồng thời bàn giao cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân Làng Nủ”, đồng chí Trịnh Xuân Trường nói.
Theo đồng chí Trịnh Xuân Trường, thống kê đến thời điểm hiện tại, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến toàn tỉnh Lào Cai có 759 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; 1.250 ngôi nhà bị sập, sạt một phần phải sửa chữa; khoảng 2.900 ngôi nhà nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ cao bị sạt lở đất. Trong số 759 hộ có nhà bị sập đổ hoàn toàn, vẫn còn 161 hộ chưa tìm được đất, 91 hộ phải tự tìm đất làm nhà mới. Các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan vẫn đang tích cực tìm kiếm quỹ đất an toàn cho bà con làm nhà, nhưng “thực sự khó khăn, không đơn giản”.
Đại biểu dân cử cùng dân xuống đồng
Ngay sau khi bão số 3 và hoàn lưu bão gây lũ lụt, sạt lở đất, khiến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân bị thiệt hại nặng nề, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Yên đã thống nhất chủ trương phát động Phong trào dân vận “Cùng nhau về thôn” giúp bà con nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất.
“Tất cả cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đều dành hai ngày cuối tuần về tận thôn, bản cùng cày, cấy với nhân dân. Tôi là Bí thư Huyện ủy, cùng các đồng chí lãnh đạo UBND, HĐND huyện... cũng không là ngoại lệ, trực tiếp xuống đồng cày bừa, trồng lúa, trồng khoai, trỉa ngô với bà con”, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo cho biết.
Đồng chí Hoàng Quốc Bảo (bên phải), Bí thư Huyện ủy Bảo Yên cùng cán bộ và nhân dân huyện Bảo Yên xuống đồng xúc bùn, làm đất để khắc phục hậu quả mưa lũ, tháng 9-2024. Ảnh: VĂN PHƯƠNG
Giống cây trồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp miễn phí cho bà con. Khoảng 2.000 cán bộ, công chức, viên chức của huyện tỏa xuống khắp thôn, bản giúp bà con, đến nay được khoảng 20.000 ngày công. Do vậy, diện tích gieo trồng của huyện Bảo Yên đã đạt 750ha, gần gấp đôi chỉ tiêu tỉnh giao từ đầu vụ là 350ha. Bí thư Huyện ủy Bảo Yên bày tỏ hy vọng bà con nông dân trong huyện sẽ sớm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, làm giàu trên quê hương. “Phong trào “Cùng nhau về thôn” có điểm khởi đầu nhưng sẽ không có điểm kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục “Cùng nhau về thôn” ngay cả khi đã giúp bà con khắc phục xong hậu quả bão số 3 và sẽ tiếp tục kéo dài về sau nữa”, đồng chí Hoàng Quốc Bảo nói.
Đánh giá về sáng kiến của huyện Bảo Yên, đồng chí Trịnh Xuân Trường cho hay, trước đó, Bảo Yên cũng có mô hình “Chính quyền thân thiện”, Phong trào “Thứ bảy về thôn”. Tỉnh Lào Cai cũng phân công từng cán bộ lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách các xã nghèo nhất tỉnh để giúp các xã này phát triển. “Tỉnh có 10 xã nghèo nhất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và tôi mỗi người phụ trách 2 xã, mỗi đồng chí lãnh đạo còn lại phụ trách 1 xã. Qua chương trình này, chúng tôi đúc kết được 4 bài học: Xã càng nghèo thì càng cần cán bộ có trình độ cao để thay đổi; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; tập trung phát triển lao động, tạo việc làm cho người dân; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp”, đồng chí Trịnh Xuân Trường thông tin với chúng tôi.
Lắng nghe cử tri để đề xuất chính sách
Hòa mình vào thực tiễn cuộc sống, trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân là nét đặc trưng rất cơ bản của những người đại biểu nhân dân từ 3 cấp HĐND địa phương đến Quốc hội. Trung tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên là một trong những vị đại biểu dân cử như vậy.
Là tư lệnh của lực lượng chấp pháp trên biển, đồng thời là đại biểu Quốc hội do cử tri của tỉnh Phú Yên bầu, Trung tướng Lê Quang Đạo không chỉ nghe báo cáo tình hình từ cấp dưới mà còn thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ngư dân, thủy thủ các tàu viễn dương thông qua các hoạt động tuần tra, tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn trên biển và tiếp xúc cử tri trên đất liền. Qua những lần “trầm mình vào thực tiễn cuộc sống, sát cánh cùng ngư dân trên biển” như vậy, Trung tướng Lê Quang Đạo đã trực tiếp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân, chuyển tới Quốc hội, góp phần quan trọng vào việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung chính sách cho ngư dân, hải đội dân quân.
“Qua các cuộc tiếp xúc, cử tri Phú Yên, nhất là ngư dân, đều bày tỏ yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc vì bên cạnh họ luôn luôn có các lực lượng chấp pháp trên biển đồng hành, hỗ trợ. Thông qua tiếp xúc cử tri, nhân dân, tôi học hỏi được rất nhiều, qua đó giúp tôi tăng dày thêm vốn kiến thức từ thực tiễn. Điều đó giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tôi ở cả Bộ tư lệnh Cảnh sát biển và Quốc hội!”, Trung tướng Lê Quang Đạo nói với chúng tôi như vậy.
Trầm mình với thực tiễn cuộc sống, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân, luôn hành động vì nhân dân và sẵn sàng “xé rào” để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết bảo vệ cuộc sống của nhân dân, lo cho dân không bị đói, khát, rét, không có chỗ ở vì thiên tai... đó thực sự là nét đẹp của người đại biểu của nhân dân, do nhân dân bầu ra, vì nhân dân mà hành động.
(còn nữa)
HOÀNG GIA MINH - HỒ QUANG PHƯƠNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG