Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 5/11. Ảnh: Quốc hội
Sáng 5/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại hội trường sáng 5/11, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội cho rằng, việc phân bổ vốn đầu tư công thời gian qua đã có những thay đổi căn bản cả về lượng và chất, bám sát mục tiêu thực hiện khâu đột phá chiến lược là phát triển kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, khâu đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao lại chưa được quan tâm đầu tư ở mức cần thiết, điển hình là đầu tư cho giáo dục để phát triển trí lực và đầu tư cho y tế để nâng cao sinh lực, dường như còn mờ nhạt.
Báo cáo về vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương cho các Bộ, cơ quan Trung ương theo từng lĩnh vực cho thấy năm 2024, trong tổng số khoảng 120 nghìn tỷ đồng, thì Bộ Y tế được phân bổ khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1%; Bộ Giáo dục được phân bổ 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,2%.
Dự kiến năm 2025, tổng số khoảng 148 nghìn tỷ đồng, thì Bộ Y tế được phân bổ 5,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,7%; Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân bổ 2,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,9%.
Còn trong phương án phân bổ vốn dự phòng giai đoạn 2021-2025 và vốn tăng thu ngân sách năm 2022, tổng cộng khoảng trên 50 nghìn tỷ đồng, thì cả 2 lĩnh vực giáo dục và y tế không đều không có tên.
“Với mức phân bổ vốn đầu tư phát triển cho y tế và giáo dục thấp như thế thì đương nhiên các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo làm sao có vốn đầu tư phát triển.
Chúng ta đang nói rất nhiều đến việc thúc đẩy các trường đại học và các bệnh viện phải thực hiện cơ chế tự chủ. Nhưng nếu chỉ thúc ép thực hiện tự chủ mà không có đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu thì hậu quá sẽ thế nào” - đại biểu phân tích.
Đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ, ông vừa đến thăm Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, là 2 bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Cả hai bệnh viện đều nhìn đẹp như khách sạn 5 sao, với cơ sở vật chất như một bệnh viện quốc tế.
Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện đang trăn trở làm thế nào để trả lãi 11% vốn vay xây dựng cơ sở vật chất hiện đại đó? Nếu chỉ tính khấu hao để tái đầu tư và bù đắp chi thường xuyên theo đúng tinh thần tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên thì bệnh viện rất yên tâm thực hiện tự chủ, giá dịch vụ y tế sẽ ở mức vừa phải người bệnh có thể chi trả được.
“Nhưng nếu phải cộng thêm vào đó chi phí lãi suất vốn vay 11% nữa thì giá dịch vụ y tế sẽ đội lên rất cao. Điều vô lý là người bệnh đáng ra chỉ phải trả cho chi phí dich vụ khám chữa bệnh, thì bây giờ lại phải đi trả thêm một khoản nữa là lãi vay ngân hàng.
Đây là lý do, vì sao các bệnh viện lớn ở Trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, không dám nhận thực hiện tự chủ. Thà rằng cứ để cho người bệnh chen chúc, nằm giường ghép, nằm cả trên cáng dưới nền nhà, còn hơn là phải đi vay vốn đầu tư xây dựng, để rồi trong chi phí người bệnh phải trả, không chỉ bao gồm các chi phí cho dịch vụ khám chữa bệnh mà phải cộng thêm lãi ngân hàng” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Quốc hội
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, điều tương tự như thế cũng xảy ra đối với các trường đại học tự chủ. Nếu được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu đầy đủ, các trường chỉ phải lo khấu hao để tái đầu tư và chi thường xuyên thì chi phí đào tạo mới thấp.
Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, khu ký túc xá hiện nay xuống cấp, nếu trường tự đi vay vốn ngân hàng về xây lại thì chắc chắn giá thuê sẽ rất cao vì phải trả cả lãi vay và vốn, điều này sẽ không phù hợp với khả năng thanh toán của người học. Đây cũng là lý do vì sao các trường đại học tự chủ có mức học phí rất cao, bởi vì rất có thể trong học phí đó có cả tiền lãi suất ngân hàng và tiền vốn đầu tư ban đầu.
“Nếu cứ để cho các bệnh viện và các trường đại học tự chủ, không phải chỉ tính khấu hao để tái đầu tư và bù đắp chi thường xuyên, mà phải tự đi vay vốn, tự lo trả lãi và trả vốn thì hậu quả người bệnh và người học phải gánh chịu với chi phí dịch vụ cao” - ông Hoàng Văn Cường nói.
Do vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc lại việc phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho các cơ sở y tế và giáo dục, ít nhất phải đủ đầu tư xây dựng và trang bị cơ sở vật chất ban đầu, sau đó giao cho các trường, các bệnh viện tự chủ tự lo khấu hao để tái đầu tư và bù đắp chi phí thường xuyên.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, có như thế, thì các cơ sở y tế, giáo dục mới thực hiện tự chủ đúng nghĩa, người bệnh và người học không phải gánh chịu những chi phí cao.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện. Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ. Đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của Nhà nước.
Minh Dương