ĐTO - Hướng đến các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), ngày 14/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Đoàn đại biểu dự Hội nghị Báo cáo viên Trung ương toàn quốc về nguồn tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) và Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương (thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Thiếu tướng Đặng Ngọc Bách - Phó Cục trưởng Cục công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an; đồng chí Đỗ Phương Thảo - Vụ trưởng Vụ Thông tin - Đối ngoại, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn.
Sau khi dâng hoa, dâng hương, các đại biểu nghe thuyết minh về lịch sử Lán Nà Nưa - nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945
Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Đoàn đại biểu đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lán Nà Nưa. Lán Nà Nưa nằm trong khu rừng Nà Nưa, ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền trong cả nước. Địa điểm Lán Nà Nưa do Bác Hồ trực tiếp đi chọn, thuộc dãy núi Hồng, nằm kín đáo dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật và đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra “Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đình Tân Trào
Nhờ vị trí chiến lược quan trọng cùng những điều kiện thuận lợi, trong thời kỳ Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, Tân Trào được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là “Thủ đô Khu Giải phóng” - nơi diễn ra những sự kiện có ý nghĩa quyết định với vận mệnh của dân tộc, như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân Đại hội họp tại Đình Tân Trào, xã Tân Trào bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca...
Đại biểu dâng hương tại Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào
Cũng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Đoàn đại biểu đến dâng hương tại Đình Tân Trào. Ngày 16 và 17/8/1945, tại Đình Tân Trào, Quốc dân Đại hội họp thông qua chủ trương Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng và 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Tại Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Đoàn đại biểu đến dâng hương tưởng niệm, tri ân các vị tiền bối cách mạng - những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Đoàn đại biểu dâng hoa trước Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc - Khu di tích Nha Công an Trung ương
Đại biểu nghe thuyết minh tại Bảo tàng Công an nhân dân thuộc Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương
Đoàn đại biểu đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Công an nhân dân; dâng hoa trước Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc và dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Công an nhân dân thuộc Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương. Khu di tích lịch sử Công an nhân dân Việt Nam (Di tích Nha Công an Trung ương) tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là một phần thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, nơi ở và làm việc của Nha Công an Trung ương từ tháng 4/1947 đến tháng 9/1950. Nơi đây, đã chứng kiến những bước trưởng thành, nơi ra những chỉ thị, nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đối với lực lượng Công an nhân dân. Đây là nơi bảo tồn, lưu giữ, giới thiệu những dấu tích và kỷ vật lưu niệm của lực lượng Công an nhân dân. Khu di tích có ý nghĩa sâu sắc đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an và toàn thể Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khu Di tích hiện đang lưu giữ trên 2.000 hiện vật, là một kho tư liệu vô giá của lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ, trở thành một “địa chỉ đỏ” góp phần vào công tác giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam.
NP